Nỗi niềm những người đánh đổi 20 năm tuổi thọ để sống với giới tính thật

Dự kiến, năm 2018, Luật Chuyển đổi giới tính được trình Quốc hội. Nếu được thông qua, cuối năm 2018, luật sẽ được ban hành, khi đó công dân mới được phép thực hiện chuyển đổi giới tính trong nước với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề này, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Với tư cách Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh: “Người chuyển đổi giới tính đã khó, đến khi về nước sinh sống lại càng gặp nhiều trở ngại. Do pháp luật không cho phép nên họ không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ. Những người này vô hình chung trở thành người “vô hình”, không được pháp luật thừa nhận”.

Cũng theo ông Quang, do các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu, tiền thế chấp... không khớp với tình trạng ngoại hình cơ thể trên thực tế. Vì thế, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hàng ngày, rất khó thậm chí là không được bảo vệ trong các trường hợp diễn ra tội phạm liên quan hiếp dâm, hộ tịch, kết hôn....

Nỗi niềm “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Trò chuyện cùng Đào Tú Anh (SN 1988, ở Hà Nội), chúng tôi cảm nhận rõ Tú Anh là một cô gái điềm đạm, thông minh và khéo léo. Từ giọng nói, dáng ngồi cho đến điệu cười đều rất duyên, rất... con gái. Nếu không nói, có lẽ không ai biết cô là một người chuyển giới.

Tú Anh kể, năm cô 2 tuổi, bố mẹ cô ly hôn. Sau đó, cả hai đều nhanh chóng có gia đình riêng. Từ đó, họ hầu như không quan tâm gì đến Tú Anh. Cô sống cùng gia đình bên ngoại, nhưng hiếm khi cô ngồi trò chuyện với người thân.

Tú Anh cho biết, dù mang thể xác là nam giới, nhưng ngay từ nhỏ, cô đã nhận biết mình “mang giới tính nữ”: “Hồi nhỏ, tôi đã thích chơi những trò chơi mà các bạn nữ chơi, thích mặc đồ của các bạn nữ, thích trang điểm, sơn móng tay… Đến năm cấp 3 thì điều đó càng thể hiện rõ hơn. Tuy nhiên, đó cũng là lúc tôi phải đối diện với sự ngăn cấm của gia đình, sự kỳ thị của những người xung quanh và sự xa lánh của mọi người”.

Cô độc, buồn bã, Tú Anh bỏ nhà đi vì tâm lý gia đình “ăn ở thất đức mới sinh ra đứa con... biến thái”. Cô cùng vài người bạn thuê một căn hộ nhỏ rồi kiếm sống bằng việc tham gia một nhóm người mẫu chuyển giới đi diễn hằng đêm tại các quán bar, vũ trường, tụ điểm ăn chơi.

Bị quăng vào cuộc sống mưu sinh đầy chật vật với vô số cạm bẫy, những buổi biểu diễn mà khi về đến nhà trời đã mờ sáng, Tú Anh sa chân vào làn khói thuốc phù du, ma mị.

Cuộc đời cô chính thức ngoặt sang trang khác từ ngày cô bị bắt với tép ma túy giấu trong người. Bị án tù 2 năm, 700 ngày đằng đẵng giữa 4 bức tường trại giam, Tú Anh như bừng tỉnh. Cô đã tự cắn ngón tay đến bật máu rồi thề rằng, cô sẽ cai ma túy và sẽ làm lại cuộc đời.

Đào Tú Anh từng bỏ nhà đi vì tâm lý gia đình "ăn ở thất đức mới sinh ra đứa con... biến thái"

Cười rất duyên, ánh mắt lấp lánh niềm vui, Tú Anh khoe, hiện cô đang chuẩn bị mở một chuỗi cửa hàng thời trang. Tú Anh bảo, cuộc đời cô đã trải qua rất nhiều giông bão và nay cô đã có thể nở nụ cười.

Cũng như Tú Anh, Hy Sa B từng chịu nỗi đau khổ, dằn vặt khi sống một cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Nhưng giờ đây, Hy Sa B đang cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình.

Hy Sa B tên thật là Bùi Hải Sơn (SN 1991). Cô cho hay, Hy Sa B là nghệ danh cô tự chọn cho mình. “Hy là hy vọng, Sa là sa mạc, còn B là viết tắt của họ Bùi. Khi ghép lại, nó mang nghĩa là mình có rất nhiều hy vọng giống như cát trên sa mạc”, cô vui vẻ giải thích với phóng viên.

Nhìn khuôn mặt thanh tú, má lúm đồng tiền, điệu vuốt tóc duyên dáng, nữ tính... chẳng ai nghĩ Hy Sa B từng là một cậu con trai.

Hy Sa B kể, cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cha mẹ cô làm thuê làm mướn suốt ngày mà cái nghèo, cái khó vẫn bám đuổi nên tuổi thơ của cô quen với thiếu ăn, thiếu mặc.

Trong khi bạn bè còn bận chơi đùa thì Hy Sa B đã sớm tự lập. Cô làm nhiều nghề lặt vặt để có tiền trang trải cho việc học như bán quần áo, phụ bán quán hủ tiếu ở dưới quê rồi làm cho một tiệm bánh kem ở Long Xuyên (An Giang), sau đó lên Sài Gòn đi bán trà sữa, làm nhân viên bán hàng máy tính và điện thoại…

Từng thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn nhưng học chưa được bao lâu thì cô gái An Giang đã phải bảo lưu kết quả vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Hy Sa B từng nhận được nhiều lời mời đi hát đám ma, hát lô tô, múa lửa với mức cát-xê khá lớn

Từng nhận được nhiều lời mời đi hát đám ma, hát lô tô, múa lửa với mức cát- xê khá lớn, nhưng Hy Sa B đều từ chối vì cô không muốn mọi người xung quanh có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với mình. Hiện tại, cô sống bằng nghề người mẫu, chỉ đi diễn những show có chọn lọc.

Hy Sa B nhận thấy rằng chỉ có cách thay đổi từ chính bản thân con người mình mới làm người khác tôn trọng, nể phục: “Trường học từng là nỗi ám ảnh trong tôi bởi những chọc ghẹo, những ánh mắt dò xét, hiếu kỳ… Chính vì vậy, đi đâu, làm gì, tôi đều chú ý cách đi đứng, nói chuyện, ứng xử… Trong lớp, tôi cố gắng học thật giỏi tất cả các môn để luôn nằm trong top học sinh giỏi nhất, để khi nhắc đến tên tôi, các học sinh khác đều phải nể phục dù trước đó, chính họ là những người đã chọc ghẹo, đánh đập tôi nếu cố gắng sống tốt và không ngừng phấn đấu, người chuyển giới hoàn toàn có thể trở thành người ngồi nói và đám đông phải nghe theo”.

Với vẻ ngoài xinh đẹp, nữ tính và phần ứng xử thông minh, Hy Sa B đã đăng quang cuộc thi Hoa hậu chuyển giới “Miss Beauty 2015” đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, với chất giọng khỏe khoắn và khả năng hát tiếng Anh tốt, Hy Sa B từng gây ấn tượng tốt với khán giả truyền hình qua một số cuộc thi âm nhạc như “Giọng hát Việt”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”… nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với cô. Song Hy Sa B cho biết, cô sẽ không bỏ cuộc trên con đường tìm đến ước mơ của mình.

Khác với Tú Anh và Hy Sa B, Nguyễn Minh Quân (ở Đồng Nai) mặc dù đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa dám công khai giới tính thật của mình. Quân tâm sự, ngay từ khi còn trẻ thơ, Quân đã nhận ra những điểm khác lạ trong cử chỉ và hành động của mình, đặc biệt là sở thích ăn mặc giống con gái và điều đó càng được chứng minh khi năm học cấp II, Quân thấy vòng 1 to ra.

Tuy có những thay đổi như vậy, nhưng Quân không dám nói với ai mà vẫn cố gắng chịu đựng, sinh hoạt bình thường. Suốt cả quãng thời gian học sinh, Quân “vùi đầu” vào việc học với quyết tâm đỗ đại học, để sau này ra trường kiếm được một việc làm tốt, có tiền phẫu thuật chuyển giới.

Tốt nghiệp đại học, đó là lúc Quân đi xin việc làm và nhà tuyển dụng đã từ chối vì lý do “vóc dáng và hình thể của Quân không phù hợp với văn hóa công ty”. Mặc dù đã “rải” hồ sơ xin việc nhiều nơi, nhưng Quân vẫn không xin được việc làm khi muốn được sống chính là mình - tức là trở thành một người con gái.

Quân đã phải thất nghiệp 2 năm vì không có nơi nào chịu nhận làm việc. Cuối cùng, Quân đành phải làm mọi cách để “cố gắng” sống với vẻ bề ngoài là một người đàn ông, tự nâng trọng lượng từ 45kg lên 70kg, học hỏi cách đàn ông đi đứng, cư xử và làm theo, để “hòa nhập”.

Nhưng với khao khát tìm lại chính mình, Quân đã tự sử dụng thuốc nội tiết tiêm nhưng bị áp xe. Khi mang thuốc đến cơ sở y tế, họ không tiêm và quay lại nhìn Quân với ánh mắt khinh bỉ.

Hiện tại, Quân đang làm giảng viên của một trường đại học, chỉ số ít người biết Quân mang hình dáng nam nhưng thực tế là nữ. Số người chia sẻ thì ít mà số người “chọc ngoáy” thì nhiều. Mỗi lần va chạm công việc, họ lại đem vấn đề về giới tính của Quân ra chế giễu. Dù rất đau lòng nhưng Quân chỉ biết im lặng.

“Là người chuyển giới có gì sai?”, đó là câu hỏi luôn day dứt trong suy nghĩ của Quân. “Người chuyển giới chỉ là khác biệt với người có giới tính bình thường, chứ không thấp kém, không phải những kẻ tội lỗi, xấu xa, họ hoàn toàn làm được những việc như mọi người chứ đâu phải phạm pháp. Chúng tôi sống và mong muốn có được hạnh phúc như bao người khác thì tại sao phải nhận lấy sự dè bỉu, xỉa xói của người khác?”, Minh Quân buồn bã nói.

Còn 500.000 người cần tìm lại giới tính thật

Thông tin tại “Hội thảo chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính phục vụ cho việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính” ngày 24/5 vừa qua, TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này cơ thể sinh học là nam hoặc nữ, nhưng trong suy nghĩ và hành động thì ngược lại.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Ông Quang cho hay, thực tế cho thấy nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe - như: đau đớn, giảm tuổi thọ, mất khả năng sinh sản... - để được chuyển giới, được sống với chính mình.

“Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hormone hằng ngày, người chuyển giới đã tự tước đi 20 năm tuổi thọ của mình. Ngoài ra, có rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến người chuyển giới nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình”, ông nói.

Mặc dù ở Việt Nam chưa có thống kê nào về số lượng người chuyển giới, nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, số lượng người chuyển giới hiện chiếm khoảng 0,5-1% dân số thế giới.

Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình; còn có trường hợp người chuyển giới tự nhận mình là người đồng tính.

Số liệu tại nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận tỉ lệ người chuyển giới từ nam sang nữ cao gấp 6 lần tỉ lệ người chuyển giới từ nữ sang nam. Điều này không có nghĩa là có nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ hơn, mà do người chuyển giới từ nữ sang nam ít tìm tới các cơ sở phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Bà Lương Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) nhận định, những định kiến về người chuyển giới đang khiến họ dần bất lực khi đi tìm việc làm. Thậm chí, có người xin được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng hầu như đều phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc.

Cũng theo bà Bích, cơ hội việc làm đặc biệt khó khăn hơn với những người chuyển giới từ nam sang nữ. Họ thường có nhu cầu làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, làm đẹp, biểu diễn... nhưng do bị phân biệt đối xử từ gia đình nên họ ít được gia đình đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp.

Sự kỳ thị trong nhà trường cũng khiến họ khó theo đến cùng việc học. Chính việc thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp nên cơ hội việc làm càng trở nên mong manh hơn.

Đặc biệt, những người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống những giấy tờ cá nhân thì đang “chống” lại chính họ, “lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nước ta chưa có luật chuyển đổi giới tính và còn thiếu cơ chế pháp lý đối với người chuyển giới về đăng ký hộ tịch, kết hôn, tham gia nghĩa vụ quân sự... Vì vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hằng ngày.

Pháp luật cũng chưa quy định người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính trong nước, nên người có nhu cầu phải ra nước ngoài chuyển giới, phần lớn phẫu thuật “chui” nên chịu nhiều tốn kém về kinh tế, nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe.

Hình ảnh minh họa - ST

“Người chuyển giới phải dùng hormone thường xuyên trong suốt cuộc đời nhưng hiện hormone không được phép lưu hành, không được bác sĩ ở Việt Nam tư vấn, khám và điều trị, nên đã có người tử vong do sử dụng quá liều, hoặc phải sử dụng hormone trôi nổi mà không biết chất lượng ra sao”, TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

TS Quang cũng khẳng định, về mặt y học và kỹ thuật hiện nay, nước ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới, nhưng luật có thừa nhận hay không thì cần phải xem xét, phân tích kỹ cả về pháp luật, đạo đức, khoa học và thực tiễn.

TS Quang cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, việc chia sẻ thông tin về y tế của các chuyên gia, bác sỹ Việt Nam cũng như chuyên gia về chính sách và chia sẻ thực tế của các bạn đã chuyển giới là hết sức cần thiết. Bước đầu, Bộ Y tế đã “hình dung” được những quan hệ pháp luật cần thiết trong dự án Luật chuyển đổi giới tính.

Trước hết, Luật phải có quy định về mặt nguyên tắc như không được kỳ thị phân biệt đối xử với người chuyển giới; người chuyển giới được sống thật với giới tính của mình, được hòa nhập xã hội, được tạo cơ hội công ăn việc làm như những công dân bình thường khác.

Tiếp đó là quy định về trình tự thủ tục chuyển đổi giới tính. Sau khi được chuyển giới hoàn toàn, người chuyển giới sẽ có chứng nhận y học đã chuyển đổi từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. Từ giấy chứng nhận đó các cơ quan liên quan sẽ chuyển đổi giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ chiếu cho họ.

“Khi đã được công nhận, thì các quan hệ dân sự, hình sự, hôn nhân và các quan hệ khác sẽ áp dụng theo điều mà hộ tịch đã công nhận”, TS Nguyễn Huy Quang nói./.

Cũng là người ủng hộ công nhận người chuyển giới, PGS. TS Trần Ngọc Bích (Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Nhi Việt Nam), một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật cơ quan sinh dục cho biết, các cơ sở y tế ở Việt Nam hiện nay đã đáp ứng yêu cầu điều trị chuyển giới.

Một số bệnh viện hoàn toàn thực hiện được thủ thuật này như Bệnh viện Việt đức, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Trung ương Huế. Về điều trị nội tiết tố, nếu như có Luật, các bác sĩ đủ điều kiện kê đơn sẽ khám bệnh, đưa đơn thuốc để duy trì giới tính cho người thực hiện việc chuyển giới…

“Từ trước tới nay, đã có rất nhiều người đến hỏi tôi để phẫu thuật nhưng tôi từ chối, không dám mổ vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm, vì làm là bị đi tù ngay”, PGS.TS Trần Ngọc Bích chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS Trần Ngọc Bích cũng cho biết, hiện chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý và khoa học về vấn đề này. Vì vậy, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong luật và cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta làm thì làm đến đâu cho đúng.

“Khi vấn đề chuyển giới được pháp luật thừa nhận, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới..., cần phải có nghị định riêng về nội dung này”, ông Bích nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo PGS Bích, nếu vấn đề này được thông qua, cần có những quy định chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng chuyển giới do tâm lý đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

GS.TS Đỗ Kim Sơn (nguyên Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam) cho rằng, cần phải có quy định về việc chuyển đổi giới tính, vì nếu không quy định thì gần như hủy hoại cuộc đời họ hoặc kéo theo các hệ lụy khác như chuyển giới “chui”. Khi họ chuyển giới trở về lại không được thừa nhận, như vậy khác gì đẩy họ ra khỏi hệ thống quản lý của pháp luật?

“Kỹ thuật chuyển giới không khó nhưng cần có hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể thực hiện. Nếu pháp luật cho phép, chúng ta hoàn toàn có thể làm được vì nền tảng phẫu thuật khá vững vàng. Tuy nhiên, khi đã đưa vào luật pháp thì phải có những quy định chặt chẽ để không bị lợi dụng”, GS Sơn nhấn mạnh.

Thu Hồng - Thục Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/noi-niem-nhung-nguoi-danh-doi-20-nam-tuoi-tho-de-song-voi-gioi-tinh-that-278306.html