Nối những nhịp cầu Việt Nam - I-ta-li-a

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Lần đầu đặt chân đến thủ đô Rô-ma trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của thành phố gần ba nghìn năm tuổi này. Quả không sai khi Rô-ma được mệnh danh là “thành phố bảo tàng”.

Bầu trời Địa Trung Hải những ngày này như cao hơn, phủ nắng xuống Rô-ma, khiến nhiều công trình như được dát vàng. Những tán thông già cao và thẳng đứng, được cắt tỉa cẩn thận, khá đều nhau, như những người lính vệ binh đứng canh thành phố. Thông được trồng khá nhiều, từ hàng trăm năm trước, nay đều đã thành cổ thụ, thân gốc xù xì, như một nét điểm tô cho vẻ cổ kính, trầm mặc của Rô-ma. Rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở Rô-ma như đền đài, cung điện, thánh đường... vẫn nguyên vẹn qua mấy trăm năm, có công trình được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, với nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao, khiến người đương thời vẫn phải tìm hiểu và khâm phục.

Ở Rô-ma không có những ngôi nhà chọc trời, từ các khu chung cư cho đến các trụ sở, văn phòng... cao nhất cũng chỉ khoảng năm tầng. Trong khu vực nội đô, hầu như không có một ngôi nhà nào xây mới. Từng ngôi nhà, từng con phố ở đây đều như đã tồn tại vậy từ mấy trăm năm. Nhiều đường phố, quảng trường vẫn lát những viên đá xanh đen cỡ nhỏ, gồ ghề, nhưng thuận lợi cho việc đi ngựa và đi bộ. Từ các nắp cống, cột đèn cho đến các họa tiết trên tường nhà, các bức tượng trên các quảng trường... đều khá hài hòa, trong một không gian kiến trúc chung, giàu chất nghệ thuật. Mọi sự trùng tu, sửa chữa ở đây đều được cân nhắc và thực hiện một cách kỹ lưỡng, đúng cách, cho nên các công trình giữ được nguyên bản, cổ kính như chưa hề có sự can thiệp của con người.

Liên quan đến chuyện trùng tu, sửa chữa, có một doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần làm nên nét cổ kính cho Rô-ma bằng cách đem đá đen từ tỉnh Bình Định của Việt Nam sang tôn tạo nhiều công trình ở đây. Đó là doanh nhân Trần Khánh Dư, hiện sinh sống tại Rô-ma. Công ty Terre Lontane của anh tham gia trùng tu nhiều công trình ở Rô-ma. Anh Dư cho biết, rất nhiều công trình ở đây được xây bằng đá, và việc trùng tu được các chuyên gia nghiên cứu, thẩm định kỹ, với những đòi hỏi rất khắt khe. Qua nghiên cứu, anh Dư thấy đá đen ở Bình Định đáp ứng được các yêu cầu của các chuyên gia và đã được chấp nhận. Hiện nay, mỗi năm anh đưa khoảng 200 công-ten-nơ đá từ Bình Định sang làm nguyên liệu cho việc trùng tu các công trình ở Rô-ma.

Anh Dư chỉ là một trong rất nhiều doanh nhân Việt Nam và I-ta-li-a đang góp phần bắc những nhịp cầu cho mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ Việt Nam - I-ta-li-a đang phát triển hết sức tốt đẹp, nhất là từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược (tháng 1-2013). I-ta-li-a là một trong những đối tác thương mại châu Âu lớn của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh, từ 3,4 tỷ USD năm 2013 lên 4,3 tỷ USD năm 2015. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của I-ta-li-a trong số các nước ASEAN. Rất nhiều sản phẩm của I-ta-li-a, như thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, đồ da... được người Việt Nam ưa chuộng. I-ta-li-a đứng thứ 31 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 77 dự án và tổng số vốn 360 triệu USD, chủ yếu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Chính phủ I-ta-li-a đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Hợp tác giữa hai nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển sôi động với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, dự án hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp đó, các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng thống X.Mát-ta-rê-la, Thủ tướng M.Ren-di, Chủ tịch Hạ viện L.Bôn-đri-ni, Chủ tịch Thượng viện P.Grát-xô… đều diễn ra hết sức cởi mở, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo I-ta-li-a nhất trí đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực và khẳng định quyết tâm chung đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên nhất trí nâng kim ngạch thương mại lên sáu tỷ USD giai đoạn 2017-2018, tăng cường đầu tư của I-ta-li-a tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của I-ta-li-a; tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường I-ta-li-a.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo I-ta-li-a cũng nhất trí cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Với dân số 93 triệu người, nền kinh tế Việt Nam là một thị trường có quy mô khá lớn, sức mua tăng trưởng nhanh, ổn định, kết nối chặt chẽ với thị trường của hơn 600 triệu dân khu vực ASEAN. Việc nhiều doanh nghiệp I-ta-li-a đầu tư, làm ăn có hiệu quả tại Việt Nam góp phần khiến Diễn đàn kinh tế Việt Nam - I-ta-li-a thu hút đông đảo doanh nghiệp hai nước. Phát biểu ý kiến trước các nhà doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, tiếp tục hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với trước đây. Việt Nam kiên trì đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, phía trước chúng ta là một tương lai đầy hứa hẹn. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với I-ta-li-a lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của cả hai nước, trở thành một trong những hình mẫu của quan hệ hợp tác Á - Âu, ASEAN - EU. Việt Nam luôn nồng nhiệt chào đón các doanh nghiệp I-ta-li-a và tin tưởng rằng các doanh nghiệp I-ta-li-a khi đầu tư vào Việt Nam sẽ thành công.

Trước những thông điệp tin cậy, cùng sự chân tình, cởi mở của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, ngay tại Diễn đàn, rất nhiều doanh nhân I-ta-li-a đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội để hợp tác đầu tư vào Việt Nam.

Với 61 triệu dân, nhưng mỗi năm I-ta-li-a thu hút tới hơn 60 triệu lượt khách du lịch. I-ta-li-a hiện là một cường quốc về du lịch. Phần lớn khách du lịch đến đây đều muốn quay lại nhiều lần nữa. Rất nhiều du khách đến đài phun nước Tre-vi nổi tiếng, đứng quay lưng lại, tung xuống một đồng xu và cầu ước được quay lại I-ta-li-a. Tại I-ta-li-a hiện có khoảng 5.000 người Việt Nam cư trú ổn định, trong đó có nhiều người kinh doanh du lịch. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tại I-ta-li-a, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về cội nguồn quê hương đất nước. Chủ tịch nước đề nghị mỗi người trong cộng đồng người Việt Nam tại I-ta-li-a là một nhịp cầu góp phần quảng bá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, đưa hai dân tộc Việt Nam và I-ta-li-a ngày càng gần gũi.

Cộng đồng người Việt Nam tại I-ta-li-a, cũng như các doanh nhân và người dân I-ta-li-a hết sức phấn khởi khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ mở đường bay thẳng giữa hai nước trong thời gian sớm nhất. Không chỉ có nhịp cầu hàng không, rất nhiều những nhịp cầu đang được bắc, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a, kéo hai châu lục Á - Âu gần nhau hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31366202-noi-nhung-nhip-cau-viet-nam-i-ta-li-a.html