Nơi người trồng chè hưởng lương tháng, cùng doanh nghiệp hưởng lợi

Ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có một mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ chè mới lạ. Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành nông nghiệp đã trực tiếp lên tham quan mô hình.

* Môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt

Ở đó, người nông dân sở hữu vườn chè chỉ cần làm 8 - 10 ngày/tháng. Họ cũng không phải bỏ tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi, tất cả đã có tổ dịch vụ của Cty CP Chè Mỹ Lâm làm thay.

Nông dân - doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Với một doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất hành tinh là Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản, EU... như Cty CP Chè Mỹ Lâm, vấn đề ATTP là yếu tố sống còn. Nhưng, đó chưa phải là tất cả. Bởi theo ông Lê Quang Chuyền, Phó Chủ tịch HĐQT công ty này, các sản phẩm chè của Cty không chỉ sạch mà còn phải... xanh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và các chuyên gia nông nghiệp thảo luận tại Cty CP Chè Mỹ Lâm (Ảnh: TS)

Nghĩa là, ngoài tạo ra chè an toàn, Cty phải tuân thủ 10 nguyên tắc, đặc biệt là bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái, quản lý bảo tồn đất, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc với người lao động...

Ông Chuyền chia sẻ, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu chè với số lượng lớn, nhưng giá bán lại rất thấp bởi chất lượng chưa cao. Nguyên nhân không phải do đất, do giống hay khí hậu, mà bởi quy trình canh tác, tổ chức sản xuất có vấn đề.

Trước đây, đa số các nông trường chè thường khoán sản, công tác giám sát, kiểm tra còn nhiều hạn chế. Mỗi hộ khoán canh tác theo cách riêng. Động cơ kinh tế ngắn hạn, tập trung khai thác tận thu với chi phí thấp.

Từ đó, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như lạm dụng đạm đơn, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nhiều gây ô nhiễm môi trường. Mức độ tuân thủ quy trình mang tính chất đối phó. Cty thu mua không thể quản lý được chất lượng nguyên liệu và dư lượng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có chế tài xử phạt khi hộ nhận khoán vi phạm. Kiện ra tòa thì mất 3 năm mới xong một vụ. Do vậy, rất khó trong việc quản lý.

Cần phải có một cấu trúc liên kết mới đó là: nhà máy gắn kết với các hộ nhận khoán thông qua việc phân công công việc hợp lý và gắn kết vì lợi ích chung mang tính bền vững. Trong quan hệ sản xuất, tập trung và hưởng kết quả lao động theo lương tháng hoặc lứa hái.

Trong suốt 3 năm liền, Hiệp hội Chè Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc điều tra, khảo sát trên diện rộng về mức thu nhập của nông dân trồng chè trên cả nước (phân loại thành các cấp độ vườn chè khác nhau, giống, năng suất), từ đó đưa ra một quy trình liên kết mới giữa người trồng chè và doanh nghiệp. Cty CP Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) là đơn vị triển khai mô hình liên kết này rất tốt.

Năm 2016, Cty hợp tác với các hộ sản xuất chè, chia thành 2 đội (quy mô từ 40 - 50 ha/đội). Đội trưởng chịu trách nhiệm điều hành chung, điều hành các tổ dịch vụ, giám sát sâu bệnh và kỹ thuật nông nghiệp, nhận và phát lương cho từng hộ khoán.

Mỗi đội gồm có 3 tổ dịch vụ: tổ bảo vệ thực vật (3 người); tổ đốn và thu hái chè (5 người); tổ phân bón (5 người), được công ty trực tiếp trả lương.

Do tổ dịch vụ trực tiếp thực hiện các khâu quan trọng, vì thế hộ khoán đầu tư chỉ cần thực hiện 8 - 10 công/tháng/ha (làm phân hữu cơ đầu năm, làm cỏ bằng tay, xới và lấp đất sau khi bón phân, phục vụ nước phun thuốc, trồng hàng rào thực vật, thảm thực vật để chống xói mòn, phát hiện sâu bệnh, vệ sinh và bảo vệ vườn chè, hái chè búp vượt, đóng chè tươi vào túi lưới, giám sát, ký phiếu nghiệm thu cho các tổ dịch vụ thực hiện công việc trên vườn chè của mình). Cty đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào: phân bón hữu cơ, phân vô cơ NPK, thuốc trừ sâu, bao bì, vận chuyển chè tươi...

Hộ khoán sẽ được nhận lương tháng hoặc theo lứa hái trên cơ sở đánh giá sản lượng chè hàng năm x diện tích x hệ số giống chè và mức độ hoàn thành công việc được phân công trong tháng (chỉ áp dụng với vườn chè khỏe mạnh, năng suất tối thiểu 10 tấn/ha). Mức lương được thống nhất từ đầu năm trên cơ sở kế hoạch kinh doanh và thị trường của Cty.

Điều đặc biệt, sản phẩm được tổ thu hái của Cty thu hái 100% về nhà máy sản xuất (không phát sinh quan hệ mua - bán sản phẩm chè búp tươi giữa nhà máy và người nông dân). Sản lượng vượt kế hoạch được tính bù vào lương cho hộ khoán là 3.000 đồng/kg.

Giảm tác động môi trường 50%

Nhờ phương thức liên kết mới, Cty có thể kiểm soát được mọi khâu trong quy trình sản xuất. Vườn chè tăng chất lượng thành phẩm sản xuất (tăng 30% ngoại hình và nội chất do búp chè đủ dinh dưỡng). Chè đảm bảo ATTP của EU, đồng thời giảm 25% chi phí hái (do đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, công hái chè giảm từ 800 - 1.000 đồng/kg xuống chỉ còn 550 đồng/kg); chi phí thuốc trừ sâu và công phun giảm 50% (do phun đúng liều lượng, sức đề kháng của cây chè tốt hơn); năng suất chè tăng 10% trong năm đầu tiên.

Nhờ tổ chức lại sản xuất, các vườn chè của hộ dân liên kết với Cty CP Chè Mỹ Lâm rất sạch, đẹp và năng suất, chất lượng tăng lên (Ảnh: TS)

Hiện tại, vùng nguyên liệu chè của Cty CP Chè Mỹ Lâm có diện tích 412ha, năng suất đạt bình quân 16 tấn chè búp tươi/ha, đạt chứng chỉ Rainforest Alliance. 80% sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP của các nước Trung Đông, Asean và Mỹ; 20% sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn ATTP của EU và Nhật Bản. Phấn đấu đến năm 2018 toàn bộ 100% sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EU.

Cũng nhờ phương thức này, giá thành sản phẩm trong khâu chế biến giảm xuống, tăng tỷ lệ chè loại 1. Mặc dù chi phí chè búp tươi tăng trên 10% nhưng giá thành sản phẩm không tăng hoặc ít đi. Giá bán thành phẩm chè khô tăng lên. Đồng thời giảm 50% tác động môi trường trong nông nghiệp.

Cách làm trên giúp tăng thu nhập bền vững của người trồng chè 30 - 40% tùy vào từng vườn chè (trong khi thu nhập người làm chè bên ngoài giảm 20% năm 2016).

Bên cạnh đó, họ không phải bỏ chi phí đầu tư, đầu ra cho sản phẩm ổn định, đảm bảo không rủi ro trong nông nghiệp. Do mỗi tháng, chủ vườn chè chỉ cần bỏ ra 8 - 10 công/ha nên họ có thêm thời gian làm thêm những công việc kinh tế khác, từ đó năng suất lao động tăng lên gấp đôi. Vườn chè tăng sản lượng, khỏe mạnh và ít sâu bệnh do đầu tư, chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn.

Bà Nguyễn Thị Liên, một hộ dân nhận khoán vườn chè rộng 0,56ha ở nông trường chè Tháng 10 (giống PH1) từ năm 1991. Trước đây, vườn chè của bà đạt sản lượng hằng năm khoảng 10,1 tấn. Với giá bán 4.300 đồng/kg, doanh thu từ vườn chè của bà đạt 43,4 triệu đồng. Trừ chi phí nhân công, vật tư khoảng 24 triệu đồng, mức lãi bà thu được mỗi năm khoảng 19,5 triệu đồng.

Từ năm 2016, bà tham gia liên kết với Cty CP Chè Mỹ Lâm theo hình thức mới, do tổ dịch vụ chăm bón đúng kỹ thuật, cây đủ dinh dưỡng, sản lượng tăng lên 11,1 tấn. Với giá bán được Cty định giá 5.000 đồng/kg chè, tổng thu nhập của bà tăng vọt từ 19,5 triệu đồng lên 31 triệu đồng. Trong khi đó, bà không phải bỏ vốn đầu tư vật tư đầu vào, công lao động/tháng cũng giảm rất nhiều so với trước đây. Tổng thu nhập trên sẽ được Cty chuyển thành lương để trả cho bà Liên. Sau năm đầu thí điểm thành công mô hình liên kết mới, đến nay đã có hơn 200 hộ tình nguyện đăng ký tham gia chương trình với Cty trong năm 2017.

Sau khi tham quan những vườn chè của công ty được quy hoạch rất quy củ và sạch đẹp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh rất ấn tượng. Ông nhận xét: Đây là mô hình hay, nhất là so với cơ chế quản lý cũ, phổ biến của các nông trường, HTX hiện nay. Mô hình này giúp các doanh nghiệp SX chè quản lý nghiêm ngặt vấn đề VSATTP, bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp do giảm lượng thuốc BVTV và phân bón vô cơ, góp phần tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân.

Gỡ nút thắt ngành chè bằng phương pháp tổ chức và quản lý

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện có những vùng chè sử dụng lãng phí thuốc trừ sâu lên tới 200 - 300%. Phân bón cũng tương tự. "Nút thắt lớn nhất của ngành chè không phải là kỹ thuật sản xuất. Bởi người nông dân rất giỏi. Nút thắt là ở phương pháp tổ chức và quản lý", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ Thực vật để tổng kết chi tiết mô hình liên kết mới giữa Cty CP Chè Mỹ Lâm và các hộ nông dân, từ đó đưa vào các dự án hỗ trợ, khuyến nông, nhân rộng trong tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh sản xuất chè nói chung để có sản phẩm chè an toàn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/noi-nguoi-trong-che-huong-luong-thang-cung-doanh-nghiep-huong-loi-post180260.html