Nỗi lòng công nhân trước ngày về quê ăn Tết

(VOV) - Thu nhập thấp, ngay cả cuộc sống bình thường cũng không đảm bảo nên hầu hết công nhân đều “ngại” Tết.

“Ngại” Tết

Dạo quanh các khu khu vực nhà ở, xóm trọ của công nhân khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) những ngày giáp Tết, không khí có phần ảm đạm. Đây là khu công nghiệp lớn vào hàng nhất, nhì miền Bắc, nơi tập trung hàng nghìn công nhân các nhà máy, khu chế xuất. Chị Hoa (quản lý khu nhà ở E của công nhân nhà máy Canon) cho biết: “Năm nay, hầu hết công nhân đều được nghỉ Tết sớm vì nhà máy hết việc, các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không có đơn hàng”.

Quả thực, khu nhà ở công nhân giờ chỉ còn lác đác vài hộ. Hầu hết công nhân đã về quê ăn Tết. Những người ở lại, thay vì háo hức về Tết thì hầu hết lại buồn thiu và lo lắng. Lo lắng vì chẳng lẽ lại không về đoàn tụ bên gia đình, và có người đã hai năm không về quê ăn Tết, mà về thì không có tiền đi lại, tiền quà cáp.

Khu nhà trọ công nhân vắng hoe

Tiếp tôi trong căn phòng chật hẹp chưa đến 10m2, chị Phan Bích Thu (Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết: “Từ hai năm nay, việc tại nhà máy ít, không có việc để tăng ca nên không có thêm thu nhập gì. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào lương cơ bản. Ngày Tết cũng không có việc nên nhiều công nhân được nghỉ là về quê ngay. Những ngày cuối năm, ai cũng mong được về quê đoàn tụ với gia đình. Nhưng vé tàu xe đắt đỏ, mà chẳng lẽ về tay không. Năm nay mình được thưởng Tết 2,5 triệu đồng. Chừng ấy cũng chỉ đủ mua ít quà bánh về quê và biếu bố mẹ, còn bản thân thì chẳng sắm sửa được gì”.

Đó không phải là hoàn cảnh của mình chị mà còn của không ít công nhân ở tỉnh lên làm việc tại khu công nghiệp này.Thu nhập thấp, ngay cả cuộc sống bình thường cũng không đảm bảo nên hầu hết công nhân đều “ngại” Tết.

Trong khu nhà trọ công nhân vắng hoe, chị Phạm Thị Nhung, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa, công nhân nhà máy Nissei Electric VN, đang trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vừa sắp quần áo vừa nói: “Ngày mai làm xong ca, tôi sẽ về quê luôn. Mọi năm, cứ Tết đến là thấy háo hức lắm. Nhưng năm nay không thấy háo hức gì cả. Chỉ là ở nhà, gia đình tôi làm ruộng, mùa này lại là mùa cấy, nên cũng muốn về phụ thêm gia đình”.

Phan Thị Nhưng tâm sự về những nỗi niềm công nhân ngày Tết

Nhung tâm sự, lương cơ bản của chị chỉ 3 triệu đồng/tháng, cộng với tiền phụ cấp, chuyên cần thì số tiền này cũng đủ ăn, tiêu. Nếu chịu khó tăng ca, làm việc 12 tiếng/ngày thì được khoảng 4- 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, năm nay kinh tế khó khăn, đơn đặt hàng của công ty ít hơn hẳn mọi năm nên không phải lúc nào cũng có việc để tăng ca. Vì vậy, thu nhập của chị ít hơn hẳn. Đi làm cả năm mà chẳng dành dụm được đồng nào mang về quê cho bố mẹ. Lúc trước, chị còn trông chờ vào tiền thưởng Tết, nhưng năm nay, công ty cũng chỉ thưởng 3 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này chị chẳng dám mua sắm gì, chỉ dám “trích” ra một ít làm tiền tàu xe, đi lại, còn đâu giữ lại mang về cho gia đình.

Mong được ở lại tăng ca, trực Tết

Mọi năm, nếu ở lại làm tăng ca ngày Tết, công nhân sẽ được hưởng mức lương cao hơn hẳn (từ 150-300%). Với 10 ngày Tết ở lại, công nhân có thể kiếm thêm 2- 4 triệu đồng. Số tiền này với những người công nhân quả là không nhỏ. Vì vậy, không ít người đã chọn cách ở lại làm, không về quê ăn Tết. Năm nay, thấy công nhân náo nức về quê ăn Tết, những tưởng gánh nặng cơm áo gạo tiền của họ đã vơi đi, nhưng trên khuôn mặt họ vẫn không giấu nổi vẻ âu lo.

Gặp anh Võ Văn Hưng (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), công nhân nhà máy sữa quốc tế Ba Vì trên chuyến xe nghĩa tình về quê ăn Tết của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, trong niềm vui ngày về, tôi thấy trên khuôn mặt anh vẫn không giấu nổi vẻ âu lo. Anh chia sẻ, ai cũng mong được về đoàn tụ gia đình trong những ngày đón xuân, nhưng số tiền ít ỏi cầm về cho gia đình khiến anh không khỏi chạnh lòng. Năm mới, anh chỉ hy vọng kinh tế bớt khó khăn hơn, để đời sống công nhân đỡ khổ.

Anh Võ Văn Hưng, công nhân công ty sữa Ba Vì hi vọng năm mới kinh tế sẽ bớt khó khăn hơn, đời sống công nhân sẽ được cải thiện

Đã hai năm không về quê ăn Tết, chị Nguyệt (Nhân viên công ty Canon, Đông Anh, Hà Nội) ngậm ngùi cho biết, lương cơ bản của công nhân thấp lắm, chỉ đủ trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Tết ai cũng muốn về đoàn tụ bên gia đình nhưng nếu về quê ăn Tết lại mất đi 1 khoản tiền kha khá nên mọi năm chị vẫn ở lại Tết. Vất vả, thiệt thòi thật đấy nhưng còn có tiền trực Tết dành dụm gửi cho gia đình. Năm nay, ngày thường đã không có tăng ca, Tết nhất cũng không có việc nên công ty cho công nhân nghỉ Tết sớm (26 Tết), vì vậy chị cũng sắp sửa nay mai lên đường về quê.

Dù được về quê, nhưng chị Nguyệt vẫn buồn rầu chia sẻ: “Năm nay, được về quê ăn Tết, tất nhiên là cũng vui vì được về đoàn tụ với gia đình nhưng không có tiền, không có quà mang về nên cũng không mấy háo hức nữa. Cả năm đi làm đã không gửi về cho gia đình đồng nào, giờ lại về tay không. Thú thực tháng trước tôi còn tính sẽ ở lại làm thêm kiếm tiền gửi về nhưng cuối cùng vẫn không “được” ở lại tăng ca, trực Tết”.

Người ta mong không phải trực Tết còn không được, đằng này chị lại mong “được” trực Tết. Tôi nghe mà thấy chạnh lòng, không biết đến khi nào những người lao động như chị mới có thể có được một cái Tết trọn vẹn./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/noi-long-cong-nhan-truoc-ngay-ve-que-an-tet/246850.vov