Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm ở lễ hội

Cùng với hàng chục lễ hội được tổ chức vào ngày đầu xuân ở Hà Nội là hàng loạt dịch vụ mọc lên xung quanh. Rác thải, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại nhiều điểm vui chơi, lễ hội, di tích lịch sử hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Năm nào cũng thế, ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa lễ hội. Phủ Tây Hồ là một trong những địa điểm đông khách nhất của Hà Nội vào những ngày đầu xuân. Ngay từ đêm 30 Tết, dòng người đã nườm nượp đổ về phủ. Theo ông Trương Công Đức, Trưởng ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ thì do năm nay có điểm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa ở chùa Tảo Sách (phường Nhật Tân) nên người dân đi chơi và đi lễ ngay từ đêm 30 đến nay. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, so với mọi năm, người về phủ cầu lộc đông hơn. Tại các lối đi luôn đông kín người, ở cửa chính lúc nào cũng chen chúc, người nọ vái sau lưng người kia, nhiều người không chen được phải vái vọng. Ông Đức cho biết, trung bình mỗi ngày phủ Tây Hồ có khoảng 7 nghìn người đến lễ. Chính vì vậy mà ngay từ các ngả đường dẫn vào phủ đã mọc lên hàng loạt các dịch vụ ăn theo lễ hội như viết sớ, bán vàng mã, cành vàng, cành lộc, đặc biệt là hàng ăn san sát. Tuy các cửa hàng kinh doanh ăn uống ở đây đã để thực phẩm chín trên kệ cao, nhưng không để trong tủ kính theo quy định. Từng rổ bánh tôm rán sẵn, bánh bột lọc, bánh đúc, xúc xích… cao ngất để ngay cạnh lối đi. Trong khi ấy, dòng người đổ về lễ phủ lúc nào cũng đông rầm rập, đi bộ qua các nơi để thực phẩm "phơi" sát đường đi khiến bụi bặm và ô nhiễm bay vào, vi phạm nghiêm trọng các quy định về thức ăn đường phố. Các nồi nước dùng của món bún ốc nghi ngút khói cũng để phơi ngay cạnh đường đi, dù ở đây bán tới 35.000đ/bát nhưng thực khách vẫn đông. Thực phẩm chín “phơi” ngay cạnh đường đi bụi bẩn ở đường vào Phủ Tây Hồ. Do lượng khách quá đông nên nhiều hàng ăn không kịp phục vụ. Chồng bát đĩa bẩn cao chất ngất. Công nghệ rửa bát khiến chúng tôi phải rùng mình. Do diện tích chật chội, có cửa hàng tận dụng vỉa hè, lòng đường để rửa bát và để thức ăn thừa. Nước thải vô tư thải ra đường. Từ cổng Tam quan bước vào, nhiều du khách giật mình bởi hai bên đường bị chiếm dụng gần hết. Một bên là dãy bán hàng ăn, cành vàng, lá lộc; phía đường ven hồ bị chiếm để chất rác, rửa bát, để ô dù, vỏ thùng carton… trông rất mất mỹ quan. Người đến lễ phủ chỉ còn một lối đi ở giữa, người nọ chen vào người kia mà đi. Ở một số lễ hội, điểm vui chơi và khu di tích lịch sử trong những ngày đầu năm mới đều tồn tại tình trạng mất VSATTP ở một số hàng ăn, quán xá. Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu xuân đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có rất nhiều khách quốc tế. Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở đây khá chặt chẽ nên không có cảnh tranh giành lấn chiếm bán hàng. Tuy nhiên, để phục vụ khách du lịch, một số hàng ăn di động cũng mọc ngay phía ngoài, không đảm bảo VSATTP vì nhiều gánh bún rong, trứng vịt lộn đều để thực phẩm không che đậy ở dưới đất. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã xây dựng 10 tiêu chí đối với thức ăn đường phố và được áp dụng trong nhiều năm nay. Nhưng ở một số nơi, việc kiểm tra, giám sát thức ăn đường phố hiện nay vẫn khá hời hợt. Ngay như ở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, một điểm vui chơi trung tâm của Thủ đô những ngày Tết, thức ăn đường phố ở đây vẫn còn bị thả nổi. Người bán hàng bán thực phẩm chín ngay tại lối đi, nơi có hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày. Hình ảnh này diễn ra suốt những ngày Tết, nhưng vẫn tồn tại mà không thấy kiểm tra, nhắc nhở. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì thành phố đã phân cấp cho các địa phương kiểm tra VSATTP. Do vậy, các địa phương nơi có di tích lịch sử, các điểm vui chơi phải có phương án kiểm tra trong dịp Tết, tránh để xảy ra tình trạng mất VSATTP, ngộ độc thực phẩm… Mùa lễ hội còn kéo dài đến hết tháng Giêng, thiết nghĩ cơ quan y tế và chính quyền các địa phương cần sớm chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những nơi nào vi phạm. Nhiều dịch vụ làm phiền du khách tại hội đền Sóc Sơn Đến Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội gần 30km, không khí vô cùng náo nhiệt, con đường dẫn vào đền và chùa Non Nước đã đông nghẹt khách thập phương đến hành hương, lễ phật. Giá cả dịch vụ tăng theo từng ngày, từng giờ, 20 nghìn đồng cho một chiếc xe máy, giá gửi xe đạp cũng lên tới 10.000 đồng. Giá trông ôtô là 50.000 đồng cho một chỗ dừng đỗ đảm bảo không xước, không mất trộm. Theo dòng người chật như nêm, chúng tôi leo lên từng bậc thang thực hiện cuộc hành hương lên đỉnh núi Sóc, chiêm ngưỡng tượng Thánh Gióng. Dọc hai bên đường, các hàng quán thi nhau mời chào khách ngừng chân nghỉ ngơi. Chỉ cần vài cái chiếu, bàn ghế và nước, đồ ăn, tại các điểm dừng chân trên núi tưng bừng không kém dưới chân núi. Với một chai nước suối khách phải trả 15.000 đồng, 20.000 đồng/chai Coca, 10.000 đồng/hộp sữa Vinamilk, 12- 15.000 đồng/một cây xúc xích, đồ thờ cúng như cây giò tre và hương cũng có giá 15.000 đồng… Thanh Hòa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2011/2/144049.cand