Nỗi lo mùa nước thất thường

Ngày 22.10, hai đập Tha La và Trà Sư, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang chính thức xả lũ sau 3 năm. Điều này đánh dấu năm nay mùa nước đã chính thức về, dù muộn. Xả lũ cộng với liên tiếp nửa tháng nay trời mưa do ảnh hưởng của 3 cơn bão liên tiếp khiến cho người nông dân lo lắng trong mùa vụ mới.

Mùa nước nổi hơi bất ngờ

Sáng 22.10, hai đập tràn Tha La và Trà Sư tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang được xả lũ. Đây là hai đập tràn điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia về hạ nguồn cho cả vùng ĐBSCL. Ông Trần Thiện Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang cho biết, tại đập tràn Tha La mực nước ở thượng lưu là 2,95m, hạ lưu là 2,05m, chênh lệch 0,9m. Còn tại đập tràn Trà Sư ở thượng lưu là 2,94m, hạ lưu là 2,15m, chênh lệch 0,8m. Việc xả lũ 2 đập Trà Sư và Tha La nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của 2 đập đối với vùng tứ giác Long Xuyên, đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ lúa thu đông.

“So với cùng kỳ năm trước, năm nay mực nước này cao hơn khoảng 1,2m. Còn so với những năm trước nữa thì mực nước năm nay chỉ ở mức trung bình. Nhưng dù sao việc xả lũ này sẽ phần nào tháo chua, rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên và các tỉnh, thành lân cận” - ông Phương nói. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, năm rồi lũ không về nên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn ở Kiên Giang. Việc xả lũ lần này sẽ giúp trên 20.000 hecta lúa ở vùng hạ lưu có phù sa vào ruộng.

Lũ về dĩ nhiên nhiều người vui. Tuy vậy tại một số tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang lại không vui. Bởi dự báo năm nay lũ sẽ không về nên họ đã bắt tay vào sản xuất vụ thu đông, có nơi đã làm vụ đông xuân (tùy theo cách gọi của địa phương) để tránh hạn như năm rồi. Nước nhiều, khả năng ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất là rất lớn. Tại Bạc Liêu, ngành nông nghiệp chính thức khuyến cáo bà con nông dân chậm xuống giống đông xuân, kể cả diện tích lúa trên đất tôm để tránh mưa ngập và ảnh hưởng việc xả lũ đầu nguồn. Tại Cà Mau, do nông dân thu hoạch ngay mưa, lại giá thấp nên mức lãi thấp. Tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, người dân đã xuống giống, nguy cơ ngập úng trên 25.000 ha đang diễn ra do lượng mưa dồn dập và nước đầu nguồn đổ về.

Chủ động nguồn nước

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Cà Mau, xu thế mưa, bão các tháng cuối năm diễn biến khá phức tạp với tổng lượng mưa các tháng cuối mùa (tháng 10,11 và 12) có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Thời gian kết thúc mùa mưa, khả năng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, muộn hơn trung bình nhiều năm.

Từ tháng 9 đến tháng 12 nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn vào các tháng cuối mùa mưa ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Mùa mưa kết thúc muộn sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, nhất là trà lúa trên đất nuôi tôm. Do đó, để chủ động sản xuất ở vụ lúa mùa và vụ đông xuân, Sở NNPTNT chỉ đạo rà soát củng cố, thành lập mới ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, điều hành sản xuất ở địa phương. Tăng cường phối hợp trong công tác chỉ đạo sản xuất từ tỉnh đến cơ sở, nhất là việc triển khai cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo nhằm giúp các địa phương, người dân kịp thời nắm bắt, thực hiện trong quá trình sản xuất. Cung cấp thông tin kịp thời những điều kiện bất lợi về thời tiết, khí hậu, thiên tai dịch bệnh, giải pháp khắc phục để các địa phương vận dụng, hướng dẫn người dân tránh, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, cho biết: “Đối với trà lúa trên đất nuôi tôm, tiếp tục cải tạo rửa mặn giảm nhanh độ mặn trong đất, những nơi đã tiến hành cấy (ném) mạ, tiếp tục tháo nước rửa mặn, tạo điều kiện cho lúa phát triển. Những nơi độ mặn còn cao, tích cực rửa mặn trước khi gieo cấy. Giữ nước mưa trên ruộng khi gặp nắng hạn nhằm hạn chế gia tăng độ mặn. Gia cố bờ bao, ngăn mặn giữ ngọt cho đến cuối vụ. Đối với trà lúa mùa địa phương, tiếp tục cấy diện tích lúa mùa, hướng dẫn nông dân chăm sóc bón lót phân lân để cải tạo đất phèn, tháo nước rửa phèn giảm độ chua cho đất, giúp cây lúa phát triển.

Với trà lúa đông xuân, đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, canh tác lúa cải tiến SRI. Đặc biệt, tập trung hướng dẫn nông dân giảm lượng giống gieo sạ theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Đẩy mạnh nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tưới nước tiết kiệm... mục tiêu nhằm giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm tối đa chi phí sản xuất.

Cùng nhận định này, Bạc Liêu cho rằng mưa nhiều, kết thúc muộn sẽ tạo cơ hội để tỉnh này phát triển 40.000 ha lúa trên đất tôm một cách hiệu quả. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền người dân chậm giao sạ trong lúc này. Tăng cường tháo chua, rửa mặn, áp dụng kỹ thuật bón phân chờ giảm mưa sẽ xuống giống.

Nông dân cần linh hoạt trong canh tác

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền.

Vụ Đông-Xuân 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn đặt bà con nông dân vào những nỗi lo vì những diễn biến bất thường, không lường trước được của thời tiết. Cuối tháng 9.2016, dự báo năm này lũ về ít, không đủ nước, có thể bị mặn xâm nhập vào cuối vụ. Để tránh thiệt hại cho nông dân do lúa bị nhiễm mặn nếu thu hoạch chậm, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên xuống giống sớm vào đầu tháng 10 dương lịch và một số diện tích đã xuống giống. Tuy nhiên, ngày 20.10, hai đập ở An Giang xả lũ, kèm theo mưa lớn trên diện rộng, làm mực nước ở ĐBSCL tăng cao hơn năm trước đến 1,2 mét, đẩy một số diện tích xuống giống sớm lâm vào nguy cơ ngập úng.

Việc xả lũ để chủ động kiểm soát nguồn nước của các đập ở vùng tứ giác Long Xuyên là việc làm hàng năm, nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, tạo phù sa cho ruộng đồng. Thông thường các thập kỷ trước, đỉnh lũ diễn ra từ đầu tháng 9 dương lịch, nông dân ĐBSCL đã quen sống chung với lũ, biết né lũ, đồng thời biết cách khai thác lũ để tăng thu nhập, như đánh bắt tôm, cá, rửa phèn, đẩy mặn cải tạo đất. Mấy năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, mọi dự báo cũng chỉ mang tính tham khảo, nên bà con nông dân rất lúng túng trước khi bước vào vụ mùa mới.

Để tránh thiệt hại, bà con nông dân cần phải rất linh hoạt trong canh tác. Dù có lũ nhưng lượng phù sa bồi đắp không đáng kể, nên những vùng bị phèn vẫn chú ý sử dụng giống tốt, kháng phèn, chuẩn bị làm đất kỹ càng và áp dụng triệt để các kỹ thuật 3 tăng 3 giảm, 1 phải 5 giảm, chú ý tìm cách lưu trữ nước ngọt ở các hồ chứa, hoặc trong đê bao để phục vụ tưới tiêu cho vụ kế tiếp. Mạnh dạn tham gia chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, để an tâm với những diễn biến bất thường.

Ngày 17-18.10 vừa qua, tại Cần Thơ đã tổng kết chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả của các địa phương khá thuyết phục, lợi nhuận tăng từ 5-7 triệu/ha và chương trình sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi cho các vụ kế tiếp. Những đơn vị tổ chức chương trình đang rất hy vọng sẽ tạo ra một làn gió mới trong canh tác lúa phù hợp với thời tiết bất thường ở ĐBSCL và rất mong đông đảo bà con nông dân mình tham gia bởi lợi ích mang lại một cách thiết thực đã được chứng minh của chương trình này.

Lê Quốc Phong

Hoàng Huy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/noi-lo-mua-nuoc-that-thuong-605094.bld