Nỗi lo lãi suất và tỷ giá

Lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ, tỷ giá chịu ảnh hưởng từ cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao, là những dự báo của các chuyên gia kinh tế về thị trường tiền tệ những tháng cuối năm.

Lãi suất huy động tăng nhẹ, cho vay ổn định

Thị trường liên ngân hàng 6 tháng đầu năm nay ghi nhận những trồi sụt của lãi suất, tăng cao vào quý I và giảm từ quý II. Tính đến cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-2,5 điểm % so với cuối tháng 4, về mức 2,6-3,4%/năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã hút ròng khoảng 11.600 tỷ đồng.

Trên thị trường, mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng qua có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân trên toàn hệ thống khoảng 0,03 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng, tuy nhiên, lãi suất cho vay tương đối ổn định.

Đánh giá về diễn biến lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ như: Lạm phát nhiều khả năng đạt được mục tiêu 4%; chỉ tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ gần hoàn thành sẽ làm giảm áp lực lên lợi suất trái phiếu, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ ổn định lãi suất. Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế sẽ giúp tăng thêm dòng vốn vào nền kinh tế.

Để ổn định thị trường tiền tệ, nhất là ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong quý II và IV/2017 như trong năm 2016, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách điều hành cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải nỗ lực hơn nữa trong tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ ổn định lãi suất.

Tỷ giá - sức ép từ nhập siêu

Tại phiên họp quý II của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia mới đây, các thành viên hội đồng đã có đánh giá tích cực về thị trường tài chính, tiền tệ những tháng đầu năm. Theo đó, trước áp lực lạm phát tăng và cán cân xuất nhập khẩu chuyển sang nhập siêu đã dẫn đến sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, NHNN đã sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở, kết hợp điều hành lãi suất, tỷ giá giúp thị trường tiền tệ ổn định, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 của NFSC cũng chỉ rõ, diễn biến tỷ giá thời gian qua có xu hướng thuận lợi. Theo đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại trong tháng 6 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm với mức giảm khoảng 0,17%. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng bám khá sát tỷ giá của các ngân hàng và giảm tới 1,65% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 1,2%, trong khi đó đồng USD đã mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ đều tăng giá so với USD. “Theo tính toán của NFSC, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm, việc Fed tăng lãi suất lần 2 trong 6 tháng đầu năm nay với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực với tỷ giá”- NFSC đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong những tháng cuối năm, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay thì áp lực lên tỷ giá là dễ nhận thấy. Số liệu của ngành hải quan cho thấy, nhập siêu 6 tháng đầu năm đã lên đến 2,78 tỷ USD, cao hơn con số ước tính 2,7 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. NFSC cho rằng, những tháng cuối năm, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Theo báo Công thương

Nguồn ANTT: http://antt.vn/noi-lo-lai-suat-va-ty-gia-203011.htm