Nỗi lo cơm áo của công nhân ở trọ

Cầm một xấp thiệp mời đám cưới trên tay, Hiền quay sang nhìn chồng với nét mặt buồn bã. “Sắp sửa đóng tiền học cho con mà vợ chồng mình lại phải đáp lễ anh em đồng nghiệp, chắc tháng này âm lương rồi anh ơi. Anh xem sao chứ em ngán quá!” - Hiền rầu rĩ.

Thấm thoắt đã hơn 6 năm Hiền gắn bó với mảnh đất TP HCM và cũng ngần ấy năm anh chị góp gạo thổi cơm chung. Anh Hòa, chồng chị, là công nhân (CN) vận hành lò hơi ở một doanh nghiệp sản xuất găng tay cao su, thu nhập mỗi tháng tròm trèm 6 triệu đồng. Trong khi đó, đồng lương CN may của Hiền cứ trồi sụt thất thường, tháng cao nhất cỡ 4,5 triệu đồng. Từ khi cu Hiếu ra đời, dù tặn tiện chi tiêu nhưng vợ chồng chị không khi nào có dư. Nhiều khi con đau ốm, chị phải vay mượn bạn bè để lo chi phí chữa trị.

Thế nhưng, điều Hiền lo nhất là khi được bạn bè, người quen mời dự đám cưới, thôi nôi... Có tháng, chị phát sốt khi nhận cùng lúc 3-4 thiệp mời. Bận công việc thì chí ít phải gửi 200.000 đồng, còn nếu cả hai vợ chồng cùng đến dự cũng phải tốn 600.000 đồng. Nội việc tính toán đám nào nên đi, đám nào nên gửi để tiết giảm chi tiêu cũng làm hai vợ chồng nhức đầu. Nỗi lo thiếu trước hụt sau luôn lởn vởn trong tâm trí họ và chung quy cũng do đồng lương CN quá eo hẹp.

Sau bữa cơm chiều, nghe đài thông báo lương tối thiểu sắp tăng mà vợ chồng Hiền cũng chẳng lấy làm vui. Sau mỗi đợt tăng lương, các mặt hàng thiết yếu lại “té nước theo mưa”, chưa kể chủ nhà trọ còn đòi tăng tiền thuê phòng. Nỗi lo cơm áo gạo tiền vì thế càng đè nặng dù cuộc sống trước mắt của họ đã rất chật vật.

Hiểu được nỗi niềm của vợ, anh Hòa an ủi: “Để anh kiếm thêm việc gì đó làm, phụ em thêm tiền chợ. Lâu nay, mình cực rồi nên có vất vả thêm một chút cũng chẳng sao”. Nghe chồng động viên, Hiền cũng chẳng bớt lo. Bởi hơn ai hết, chị hiễu rõ tác hại của việc làm thêm trong khi anh Hòa lại là trụ cột chính của gia đình.

Vào xưởng, nghe chủ tịch Công đoàn thông báo lương tối thiểu sẽ được tăng 7,3% từ năm 2017, Hiền và nhiều đồng nghiệp lại thở dài. Lúc này, điều chị và họ mong mỏi nhất là ban giám đốc quan tâm giữ nguyên hoặc cải thiện các khoản phúc lợi để có thể ổn định cuộc sống trước mắt.

“So với đề xuất 11,11% của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì rõ ràng mức tăng 7,3% là quá thấp, làm sao tụi tôi có thể trụ lại TP HCM. Chẳng lẽ CN cứ trông chờ mãi vào lòng tốt của ông chủ?” - Hiền bày tỏ.

Trọng Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/noi-lo-com-ao-cua-cong-nhan-o-tro-20160922214635548.htm