Nỗi lo bệnh tật vẫn ám ảnh người dân bãi rác Đông Thạnh

Tính từ khi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa bãi rác Đông Thạnh đến nay đã 14 năm, cuộc sống và số phận của rất nhiều người dân và cán bộ, công nhân viên vệ sinh đô thị đã có nhiều thay đổi.

Nhưng sự thật nỗi lo bệnh tật vẫn ám ảnh người dân sống quanh bãi rác này nhất là dọc theo các con đường Đặng Thúc Vịnh, Phan Văn Hớn và Tô Ký…

Trở lại bãi rác vào trưa 25-6, PV Báo CAND ghi nhận, cổng chính bãi rác nay là khu vực quản lý, vườn ươm… cũng đã vắng những chiếc xe chở đầy rác ép tuôn nước lênh láng trên đường như “hung thần” lao về phía cổng bãi rác ngay ngã ba Lê Văn Khương - Đặng Văn Vịnh ngày nào.

Nhưng từ khi qua khỏi cầu Dừa 2, phường Thới An, quận 12, mùi hôi khăm khẳm, ngai ngái của rác và nước thải từ các xe chở rác vẫn ngự trị bầu không khí nơi đây kéo dài đến cổng bãi rác.

Bãi rác Đông Thạnh.

Ngồi bên ghế đá cũ kỹ trước nhà, bà Nguyễn Thị Trốn, 64 tuổi đang lặt rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa, dừng tay kể: “Tôi đã sống nơi đây ngót 40 năm. Ngày đó chưa có bãi rác, chỉ có xe ben hằng ngày chở đất từ khu Đồng Dù chạy đi nơi khác… Gia đình tôi tính cả con, dâu, rễ, cháu có tất cả là 20 người. Ông tôi mất năm 1999 vì bệnh tật, lúc đó cũng còn trẻ…”.

Một nét buồn vụt hiện ra trong đôi mắt người phụ nữ đã 64 tuổi, rồi bà đưa tay chỉ một vòng quanh nơi tôi và bà đang ngồi: “Quanh đây có mấy chục cái nhà đối lưng nhau nhỏ xíu, nhưng đã có khá nhiều người bệnh ung thư, hiểm nghèo…”. Theo bà Trốn, hầu hết đàn ông, con trai ban ngày đi mần mướn, làm công nhân, ở xóm chỉ còn phụ nữ, người già bệnh tật và trẻ con.

Người phụ nữ mà bà vẫy tay gọi đến là chị Nguyễn Uyên Đoan, 45 tuổi có khuôn mặt sắc nét, màu da xanh xao bờn bợt tự giới thiệu: “Tôi mắc bệnh đã 12 năm nay rồi, hàng tháng phải xuống Bệnh viện huyết học để vô máu. May nhờ có sổ hộ nghèo, BHYT nên chỉ tốn 1,8 triệu, còn không có BHYT thì phải mất 3,5 triệu đồng”.

Chồng chị là anh Dương Văn Hùng 48 tuổi, đang làm mướn nghề sắt, hàng tháng thu nhập gần 4 triệu đồng tằn tiện nuôi 3 con và vợ bệnh tật đã nhiều năm. Những ngày đầu mới mang bệnh, thấy trong người vẫn còn khỏe khỏe, chị đi làm móng dạo kiến thêm vài ngàn phụ chồng.

Nhưng từ 2004, khi chị sinh đứa con thứ ba tới nay, chi luôn thấy người đau bệnh liên miên. Bà Trốn “điểm danh” cho tôi nghe những người đang mang bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, cổ tử cung quanh xóm có bà Tư C, ông C, bà H, anh S, bà P…

Khi được hỏi về những chuyển biến sau chuyến khảo sát của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, chúng tôi được chị Uyên Đoan bất ngờ cho biết: “Hồi trước, hàng tháng mỗi nhân khẩu ở đây được Công ty quản lý bãi rác cho hưởng 25.000 đồng/người tiền độc hại, nhưng bây giờ thì không còn”.

Câu chuyện bị ngắt quãng do có bà Nguyễn Thị H đến. Mới 54 tuổi nhưng trông bà H già hơn tuổi này rất nhiều, hình hài khô đẹt, nhỏ thó mắt lõm quầng thâm. Bà H bị ung thư tử cung nhưng may mà phát hiện sớm, đã nhiều lần xạ trị nên sức khỏe của bà đã ổn định và duy trì hơn 10 năm qua đến nay.

Gia cảnh của bà H rất khó khăn. Hình như đã quá quen với tên gọi bệnh ưng thư nên bà H lạc quan, cười vui khoe một túi giấy tờ, toa thuốc với câu nói đùa với con gái: “Mấy đứa con bây giờ nó sợ tui chết sớm, không ai bồng cháu cho tụi nó”. Chồng của bà H có lẽ do cuộc sống quá khó khăn và vợ bệnh ung thư nên hơn chục năm qua, ông này gần như biệt xứ.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Thạnh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cách nay chưa lâu đã ra “tối hậu thư” cho Sở Tài nguyên &Môi trường TP trong vòng không quá 2 năm phải xử lý xong, trả lại môi trường, đời sống và sức khỏe cho người dân 2 xã Đông Thạnh và Nhị Bình.

Đó là một quyết định phù hợp với mong mỏi, nguyện vọng của người dân, bởi ảnh hưởng của bãi rác này đối với người dân không nhỏ.

Qua khám sức khỏe ban đầu của người dân quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh, đã phát hiện hàng chục loại bệnh đang tấn công sức khỏe người dân. Thế nhưng ngành Y tế cho rằng chưa phát hiện mầm mống gây bệnh ung thư tại đây do ô nhiễm bãi rác.

Thực tế tại ấp 7, xã Đông Thạnh, Trung tâm Y tế Dự phòng TP kiểm tra phát hiện 1 người chết do ung thư, 1 người đang bệnh ung thư (bà H) và 14 người khác đang điều trị các triệu chứng ung thư.

Còn rất nhiều người dân sống quanh khu vực này có thể chỉ ra hàng chục trường hợp bệnh rất hiểm nghèo do sống trong khu vực bị ô nhiễm nguồn nước, muỗi đốt, mùi hôi hám quanh năm… Rời bãi rác, chúng tôi thật sự băn khoăn bởi suy nghĩ “thần chết” vẫn còn lởn vởn trên đầu người dân quanh bãi rác Đông Thạnh từng ngày, từng giờ….

Hoàng Châu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/noi-lo-benh-tat-van-am-anh-nguoi-dan-bai-rac-dong-thanh-397751/