Nỗi khổ ôm việc ngoài giờ

SSM - Với nhiều lí do khác nhau, cấp trên của bạn thường bắt nhân viên phải làm thêm việc ngoài giờ, đôi khi còn giao cho bạn thêm công việc về nhà giải quyết. Bạn cảm thấy không công bằng vì mình chẳng nhận được khoản tiền phụ trội hay làm thêm ngoài giờ nào. Nếu tìm cách trì hoãn sợ sếp nghĩ rằng, mình bất tuân thượng lệnh còn như giải thích với sếp, cũng chưa biết phải nói thế nào cho ổn?

1. Chọn cách nói thuyết phục: Đang hí hoáy thu dọn giấy tờ để chuẩn bị ra về, Hoàng Yến - kế toán một công ty chuyên về mẫu mã & bao bì (phường 12, đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận, Tp.HCM) lại được sếp của cô ghé qua phòng bỏ nhỏ:"Ở lại làm nốt mấy cái phiếu chi kịp kẻo ngày mai lại cập rập". Yến cảm thấy bất mãn vì thời gian gần đây, cô nhiều lần "bị" về trễ do phải làm thêm. Đã vậy, đến cuối tháng Yến chẳng nghe sếp nhắc gì đến tiền phụ trội. Không ít lần trời tối mịt Yến mới về nhà, càng nghĩ cô càng thêm bực. Vả lại, có những công việc không cần gấp nhưng sếp vẫn bắt cô phải làm thêm giờ. Không muốn mọi chuyện cứ tiếp diễn, lần này Yến quyết định tìm cách thuyết phục sếp. Tranh thủ lúc sếp rảnh rỗi chờ điện thoại của khách hàng, cô liền nhẹ nhàng trình bày:"Sếp yên tâm, chỉ cần mười phút ngày mai sếp sẽ có ngay những phiếu chi mình cần trên bàn. Sau này, mọi việc em sẽ cố gắng hoàn tất trong giờ thay vì làm thêm ngoài giờ". Thấy Yến nói khéo và hợp lý, sếp của cô suy nghĩ một lúc rồi khua tay:"Cứ vậy mà làm, thôi về đi". 2. Biết hóa giải vấn đề: Tuy thường bận rộn chuyện nhà sau giờ làm việc, Kim Mai - hiện giữ chức trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng một công ty mỹ phẩm (đường Nguyễn thị Minh Khai, quận 1, Tp.HCM) còn phải "gánh" việc cơ quan về nhà làm thêm. Cô cảm thấy mình đang bị vắt kiệt sức, mà chưa biết làm cách nào để thoát khỏi nó. Cảm giác mình đang bị sếp làm khó ngày một lớn dần trong Mai, từ đó cô không muốn nghĩ đến nó nữa. Hơn thế, ngoài khoản lương cố định hàng tháng Mai không nhận thêm khoản phụ cấp nào tương xứng với công sức của mình. Càng nghĩ Mai càng thấy khó xử, chẳng lẽ cứ để công việc ì ra đó cũng không ổn, còn tìm cách khác thì cô vẫn chưa nghĩ ra. Ttrong cái khó ló cái khôn, cũng vì điều này mà Mai đã nghĩ ra giải pháp vẹn cả đôi đàng. Cô liền triệu tập cuộc họp nội bộ và mời sếp tham dự. Trong buổi họp, Mai đề xuất phân chia công việc một cách khoa học nhằm tránh bị động và đạt hiệu quả cao thay vì khoán hết cho nhân viên trưởng bộ phận. Cấp trên của Mai vốn kỹ tính, nên giải pháp có tình có lý của cô đã được sếp ủng hộ. Cũng từ đó, Mai không chỉ tránh phải ôm đồm việc về nhà mà còn được cấp trên tin tưởng hơn trước. 3. Đặt lợi ích công việc lên hàng đầu: Với Hoài Thu - nhân viên công ty dược X. (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3, Tp.HCM) làm thêm giờ quả là một cực hình. Không theo ý sếp của mình, nhân viên mới như Thu sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc còn cứ kiểu này dài dài, lại không có thêm khoản thu nhập nào cũng khó cho cô. Cuối cùng, Thu cũng nghĩ ra cách. Cô trình bày với sếp rằng, mình cần học thêm để trau dồi nghiệp vụ văn phòng, quản lý hồ sơ… để công việc được chạy hơn, và khóa học chỉ tổ chức cho nhân viên sau giờ hành chánh nên không còn chọn lựa nào khác. Thấy Thu biết xem trọng công việc, từ đó sếp của Thu không còn yêu cầu cô phải làm thêm việc ngoài giờ nữa. ĐỖ QUYÊN Ảnh: Sưu tầm

Nguồn Sức Sống Mới: http://www.sucsongmoi.net/song-dep/ky-nang-song/2011/08/noi-kho-om-viec-ngoai-gio