Nồi hơi trong sản xuất: Cẩn trọng với 'quả bom'

Mặc dù nồi hơi được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp nhưng nó luôn chứa đựng những nguy cơ rủi ro có thể gây mất an toàn mức độ cao cũng như ở diện rộng.

Nhiều vụ cháy nổ từ nồi hơi

Trong thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay, thiết bị nồi hơi được sử dụng khá phổ biến. Đơn cử như hầu hết các khách sạn đều sử dụng ít nhất từ 1-2 nồi hơi phục vụ cho việc cung cấp nước nóng, giặt là… cho hệ thống buồng dịch vụ của khách sạn, đối với những khách sạn lớn 4- 5 sao trở lên thì số nồi hơi sẽ phụ thuộc vào quy mô số phòng của khách sạn.

Còn đối với các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, chế biến công nghiệp gỗ, giấy, da giầy hay các nhà máy sản xuất thiết bị y tế… thì nhu cầu sử dụng thiết bị nồi hơi là thường xuyên liên tục. Ở những cơ sở sản xuất có sử dụng thiết bị nồi hơi thì thường sử dụng nồi có thể tích trung bình khoảng 500 kg.

Theo các chuyên gia an toàn lao động ví von thì với thể tích như vậy nó tương đương với một quả bom có sức công phá, phá hủy hoàn toàn mọi thứ trong vòng bán kính vài trăm mét là chuyện bình thường, không chỉ hủy hoại tài sản, nó cũng có tính sát thương đối với người rất cao.

Cần đảm bảo đúng kỹ thuật khi vận hành hệ thống nồi hơi. Ảnh minh họa.

Cần đảm bảo đúng kỹ thuật khi vận hành hệ thống nồi hơi. Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước cũng đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn cháy nổ liên quan đến nồi hơi. Đơn cử như: Vụ nổ nồi hơi xảy ra tại Công ty thế giới gỗ Việt Nam thuộc Khu Công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vào ngày 18/4/2016 khiến 11 công nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu. Trước đó, tại chi nhánh Công ty TNHH điện hơi công nghiệp Tín Thành (khu phố Đông Tác, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng đã xảy ra một vụ nổ hệ thống nồi hơi làm 4 người bị thương nặng và tài sản nhà xưởng bị phá hủy nặng nề…

Không an toàn về vận hành và địa điểm đặt nồi hơi

Điều này cho thấy, những TNLĐ do nồi hơi không chỉ gây tổn thất lớn về vật chất tài sản mà còn để lại hậu quả thương tích, thậm chí là tính mạng của người lao động. Chính vì thế, theo quy định của Bộ LĐTBXH thì nồi hơi được xếp trong danh sách những trang thiết bị phải thực yêu cầu quy định nghiêm ngặt về sử dụng và vận hành an toàn lao động (bao gồm đăng ký và báo cáo kiểm định định kỳ hàng năm gửi về cơ quan chức năng của tỉnh, thành để quản lý). Đồng thời, đội ngũ nhân viên vận hành thiết bị này phải là những lao động đã qua đào tạo bài bản và được cấp chứng chỉ vận hành do những đơn vị đủ năng lực đào tạo theo quy định của Nhà nước cấp.

Thế nhưng, một cuộc thanh tra chuyên ngành về an toàn lao động của Sở LĐTBXH Hà Nội tiến hành kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng nồi hơi vẫn tỏ ra khá chủ quan trong việc vận hành, sử dụng thiết bị này trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Cụ thể, tại một số nhà máy chế biến thực phẩm, khu vực rào chắn bảo vệ quanh vị trí đặt nồi hơi không bảo đảm yếu tố thoáng hay khả năng thoát hiểm cho công nhân vận hành nếu xảy ra tai nạn; các biển bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hay quy trình vận hành nồi hơi chưa được treo ở nơi dễ thấy, dễ đọc; công nhân vận hành nồi hơi còn chưa nắm chắc kiến thức xử lý khi xảy ra sự cố. Tại một số khách sạn 5 sao trong nội đô, do hạn chế về diện tích mặt bằng nên nồi hơi thường được bố trí lắp đặt ngay ở dưới khu tầng hầm của khách sạn nên yếu tố rủi ro nếu xảy ra sự cố là rất lớn…

Ngoài ra, theo các chuyên gia an toàn lao động, nhiều doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt trang thiết bị này còn thường tự ý lắp đặt hay thêm thắt hoặc bỏ bớt một số chi tiết trong quá trình lắp đặt lò hơi khiến thiết bị hoạt động không đảm bảo an toàn theo đúng chỉ tiêu mà nhà sản xuất khuyến cáo. Đồng thời, quy trình kiểm định định kỳ thiết bị cũng như khai báo định kỳ đến cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước cũng bị nhiều chủ sử dụng lao động bỏ qua. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Tăng cường thanh kiểm tra an toàn nồi hơi

Vì vậy, theo các chuyên gia an toàn lao động khuyến cáo, đối với doanh nghiệp sử dụng nồi hơi cần thực hiện đầy đủ các qui định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn; phải tổ chức kiểm tra các khâu trong quá trình chế tạo, sửa chữa. Đối với chủ sở hữu thiết bị chịu áp lực phải tăng cường trách nhiệm quản lý trong việc sử dụng thiết bị; phải ban hành các qui định trách nhiệm cho các đương sự liên quan đến việc sử dụng thiết bị chịu áp lực; phải kiểm định, đăng ký thiết bị tại cơ quan có thẩm quyền. Phải thực hiện khai báo, đăng ký và xin cấp phép sử dụng theo đúng quy định và chỉ được phép đưa vào vận hành những nồi hơi nào đã được cấp giấy phép sử dụng. Trong quá trình sử dụng phải tổ chức khám nghiệm kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Đối với công nhân vận hành nồi hơi phải được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn và kỹ thuật an toàn phải nắm chắc đặc điểm, cấu tạo, quy trình vận hành, các dạng hư hỏng, sự cố thường gặp và cách xử lý; phải thực hiện nghiêm túc nội quy an toàn vận hành nồi hơi.

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về các điều kiện sử dụng an toàn thiết bị chịu áp lực. Cần tăng cường lực lượng thanh tra cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên an toàn lao động. Trong điều kiện lực lượng thanh tra an toàn lao động còn mỏng, cần xác định và tập trung thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm ở các khu vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, khu vực có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản nếu tai nạn xảy ra.

Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo qui định của pháp luật hiện hành.

Song Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-hoi-trong-san-xuat-can-trong-voi-qua-bom-44463.html