Nơi hội ngộ của nhiều giáo sư Nobel

ICISE là một không gian khoa học đặc biệt dưới chân núi Ghềnh Ráng thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây đã thu hút 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields cùng hàng ngàn nhà khoa học quốc tế tới để bàn bạc những vấn đề to lớn của khoa học. Vậy bên trong ICISE có gì đặc biệt?

ICISE là một không gian khoa học đặc biệt dưới chân núi Ghềnh Ráng thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây đã thu hút 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields cùng hàng ngàn nhà khoa học quốc tế tới để bàn bạc những vấn đề to lớn của khoa học. Vậy bên trong ICISE có gì đặc biệt?

Giáo sư Trần Thanh Vân (thứ hai từ trái sang) đón Chủ tịch nước Trần Đại Quangđến thăm ICISE vào tháng 6-2016. Ảnh: ICISE

Giáo sư Trần Thanh Vân (thứ hai từ trái sang) đón Chủ tịch nước Trần Đại Quangđến thăm ICISE vào tháng 6-2016. Ảnh: ICISE

Không gian sáng tạo

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam là người đã sáng lập và xây dựng ICISE (Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành) vào năm 2013. Không gian khoa học này có diện tích gần 20 ha nằm bên bờ biển dài 300m, do Kiến trúc sư Jean (Pháp) và cộng sự thiết kế nằm ẩn mình giữa một rừng dừa, bên phải là vách núi, ở giữa là một dòng sông chảy quanh những ruộng lúa và các ao tôm. Phần lớn diện tích của ICISE (93%) được dùng tạo cảnh quan và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên trong lòng phố biển Quy Nhơn.

Ông Huỳnh Công Súy- Tổ trưởng bảo vệ ICISE cho biết, ngoài các hội trường lớn, phòng hội nghị, phòng seminar, trung tâm hội nghị trực tuyến… thì hàng loạt công trình khác cũng đang được xây dựng. Cụ thể như các Nhà suy ngẫm, Khu nhà khách chuyên gia, Vườn thực vật với các giống cây ăn quả Việt Nam. Đặc biệt, trong tương lai gần sẽ có một khu tổ hợp resort, khách sạn để tiếp đón các nhà khoa học trong thời gian diễn ra hội nghị. Cũng theo ông Súy, nét độc đáo trong kiến trúc của ICISE là 4 mặt của trung tâm đều là mặt trước, cột bê-tông giả thô giống thân cây dừa làm công trình hòa mình vào thiên nhiên; trần bê-tông giả thô với những khối bê-tông xếp xen kẽ tạo cảm giác không gian vô tận. Vì là không gian khoa học, dành cho các nhà khoa học trao đổi, sáng tạo nên việc thiết kế phải cởi mở, hòa quyện với thiên nhiên mới có thể kích thích sáng tạo. Đơn cử như phòng suy ngẫm, ông Súy nói bên trong chỉ có một cái bàn và ghế, được xây tách biệt, yên tĩnh, giữa không gian rợp bóng dừa, nơi có dòng sông chảy qua.

ICISE ra đời với ước nguyện sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng với những đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE cũng là nơi để chuyển giao khoa học, công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước. Hoạt động từ năm 2013, đến nay, tại ICISE đã diễn ra 13 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 6 lớp học Vật lý chuyên đề với hơn 1.500 nhà khoa học quốc tế. Riêng năm 2016, tại ICISE diễn ra hội nghị "Khoa học cơ bản và xã hội". Hội nghị này đã quy tụ nhiều nhà khoa học danh tiếng trong đó có 6 giáo sư đạt giải Nobel về Vật lý, Hóa học, Kinh tế, Hòa bình; nhiều chính khách quan trọng như Tổng Giám đốc UNESCO, Cố vấn cấp cao cho Thổng thống Mỹ, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Pháp… Tại hội nghị, các nhà khoa học đã đề xuất những vấn đề liên quan đến vai trò của khoa học cơ bản với các vấn đề biến đổi trong xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhiều học sinh, sinh viên cũng được tham gia các lớp học chuyên đề, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng hoặc giao lưu với các Giáo sư đoạt giải Nobel, điều đó sẽ kích thích thế hệ trẻ của Việt Nam thêm yêu mến và đam mê khoa học.

Danh sách nhiều giáo sư đạt giải Nobel từng đến ICISE.

Ươm mầm khoa học trẻ

Từ hạt nhân nòng cốt là ICISE do GS Trần Thanh Vân sáng lập, tự vận động kinh phí xây dựng, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã dành 130 ha đất ở Quy Hòa và thuê tư vấn lập quy hoạch Khu đô thị khoa học và giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, tương lai xung quanh ICISE sẽ có các viện nghiên cứu, các trường đào tạo chất lượng cao, khuôn viên khoa học…

Để xây dựng Khu đô thị khoa học và Giáo dục Quy Hòa thì bước đi đầu tiên được xây dựng là Tổ hợp không gian khoa học gồm nhà chiếu hình vũ trụ, đài thiên văn phổ thông và khu khám phá khoa học. Dự án này đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tổ hợp không gian khoa học sẽ là không gian khám phá khoa học cho trẻ em và công chúng, tăng cường đưa khoa học đến với đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo của tuổi trẻ.

Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, ở các nước tiên tiến đều có nhà mô hình vũ trụ nhằm khuyến khích giới trẻ đam mê khoa học. Đó cũng là lý do để Giáo sư Vân nảy ra ý tưởng xây dựng Tổ hợp không gian khoa học. Bởi thực tế đã chứng minh, quốc gia nào trên thế giới mạnh về khoa học thì quốc gia ấy phát triển nhanh và bền vững.

Có thể nói, bằng danh tiếng trong giới khoa học của mình cùng với một trái tim luôn hướng về quê hương nên Giáo sư Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp) đã bỏ tâm huyết xây dựng không gian khoa học đặc biệt dưới chân Ghềnh Ráng. Từ một nơi hoang sơ nhưng với phong cảnh hữu tình, thông qua ảnh hưởng của mình, Giáo sư Trần Thanh Vân đã mời về hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng, trong đó có nhiều giáo sư đạt giải Nobel với mong muốn tiếp lửa khoa học cho thế hệ trẻ Việt Nam, để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học. Đó là điều rất quý giá mà các địa phương dù có tiền chưa chắc đã làm được.

Hải Quỳnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_156854_noi-ho-i-ngo-cu-a-nhie-u-gia-o-su-nobel.aspx