Nội địa hóa vacxin, tụt hậu vì nghiên cứu nửa vời

Cơ chế xin- cho trong quản lý giống vi sinh vật; đầu tư nghiên cứu thiếu bài bản cả về nhân lực, vật lực; thủ tục đăng ký sản phẩm rườm rà... như ma hồn trận bó lại ngành SX vacxin nội địa.

Hoạt động SX vacxin tại Cty CP Thuốc thú y Marphavet

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia thú y cho rằng, nếu tháo được những “gọng kìm” ấy, giấc mơ nội địa hóa vacxin không quá xa vời.

Nói về lĩnh vực SX vacxin thú y của Việt Nam, có nhà khoa học đã liên tưởng đến một cụ già trong hình hài đứa trẻ. Thậm chí có nhiều khiếm khuyết cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”.

Tụt hậu vì nghiên cứu nửa vời

Ít người biết rằng, cách đây hơn 100 năm, tại Việt Nam đã có một Viện nghiên cứu dịch bệnh gia súc và SX các loại vacxin, huyết thanh cho toàn cõi Đông Dương. Đó là Viện Pasteur Nha Trang (thành lập 9/1895) do người Pháp xây dựng.

Viện có phòng thí nghiệm chế thuốc ở Nha Trang. Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm Suối Giàu cách Nha Trang 18 km thường xuyên nuôi khoảng 150 trâu bò, 250 bê, 70 con ngựa và 100 con lợn.

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, các chuyên gia thú y người Pháp và Việt Nam đã nghiên cứu, SX được nhiều loại vacxin như nhiệt thán, dịch tả lợn; vacxin dại cho chó... và sử dụng để phòng chống dịch bệnh trên thực địa.

Sau năm 1954, ngành SX vacxin thú y lại được tiếp thêm nguồn sinh lực dồi dào từ các nước XHCN anh em cả về giống virus, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng, khi sự giúp đỡ từ bên ngoài chấm dứt, chúng ta chưa có chiến lược đầu tư thích đáng cho lĩnh vực nghiên cứu, SX vacxin gia súc, gia cầm. Và đến ngày hôm nay, những dấu hiệu của sự tụt hậu đã lộ rõ như ban ngày.

Thật đáng buồn khi lượng vacxin nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Thậm chí, nhiều vacxin phổ biến trong nước vẫn ở trình độ của... thế kỷ trước.

Từng trực tiếp quản lý Phòng Giống của Viện Thú y Quốc gia, nơi lưu giữ các chủng giống vi khuẩn, virus chất lượng để SX và kiểm nghiệm vacxin, ông Hoàng Triều – Chủ tịch Hiệp hội SX và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, phân trần: Trong nghiên cứu, nguồn vật liệu trứng sạch và động vật sạch bệnh (SPF) để tiến hành thí nghiệm phục vụ nghiên cứu rất quan trọng, bởi nó là yếu tố quyết định tính chính xác kết quả cuối cùng của vacxin.

Tuy nhiên, ở nước ta chưa có đơn vị nào SX và cung cấp động vật, nguồn trứng SPF. Mỗi lần Viện cần, người cung ứng vật tư như ông Hoàng Triều lại phải xách ba lô, cơm đùm cơm nắm rồi “lặn ngòi ngoi nước” lên các vùng núi giáp biên giới Việt - Trung để bắt những vật nuôi ngoài vùng dịch bệnh và chưa bao giờ tiêm vacxin để đưa về thủ đô.

Ông Hoàng Triều là người xin khu đất rộng 48 ha của Viện Chăn nuôi tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Sau đó, cử một cán bộ giữ chức Phó phòng lên làm Trưởng trại để xây dựng mầm mống cho một trại động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, vì kinh phí hỗ trợ quá tủn mủn, nhỏ giọt, 1 – 2 năm đầu xin mãi mới có tiền mua mấy chục con bò về nuôi. Còn gà, lợn, dê, thỏ... chưa đến lộ trình đưa vào. Nhiều năm đi vào hoạt động, nhưng tài sản của trại vẫn chẳng có gì. Nhìn viễn cảnh mờ mịt ấy, Viện Thú y chán nản trả lại đất cho địa phương.

Làm kiểu “dán bùa luồn kèo”

GS- TS Đào Trọng Đạt - “pho sử sống” của ngành thú y tại Việt Nam chia sẻ, những quốc gia có ngành công nghiệp SX vacxin thú y phát triển đều quan tâm đặc biệt tới vấn đề xây dựng khu nuôi động vật thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu.

Ở Đức, từ trước thời kỳ Đức Quốc xã, khi đại dịch lở mồm long móng lan ra toàn quốc, chính phủ đã chi một khoản tiền lớn để xây dựng khu nuôi động vật sạch sử dụng để thử nghiệm vacxin tại một hòn đảo có tên là Riems.

Trên đảo không có cư dân sinh sống mà chỉ có những người làm khoa học, xung quanh được căng lưới để ngăn không cho động vật biết bay xâm nhập, mang dịch bệnh tới và phát tán dịch bệnh ra ngoài.

GS- TS Đào Trọng Đạt

Từ câu chuyện SX vacxin DTL tham chiếu sang các loại vacxin khác cũng có khá nhiều điểm tương đồng. Nếu không có chiến lược, không có phương hướng chỉ đạo thì tất nhiên không thể cho ra sản phẩm vacxin tốt. Do đó, các tồn tại mặc nhiên tồn tại, bất cập mặc nhiên bất cập.

Sau này, khi ra đảo khỉ ở Quảng Ninh, GS-TS Đào Trọng Đạt khi ấy đang làm Viện trưởng Viện Thú y muốn xây dựng một khu thí nghiệm của ngành, nhưng không kiếm đâu ra tiền. Và vùng đất ấy sau đã thành “thánh địa” chăn nuôi phục vụ nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ (Bộ Y tế).

Tôi hỏi ông Đạt rằng, cần bao nhiêu tiền để xây dựng một khu chăn nuôi động vật sạch phục vụ thí nghiệm sản xuất vacxin? Ông bảo, cỡ 100 tỷ đồng.

Không chỉ cơ quan nghiên cứu của nhà nước mà tất cả các đơn vị SX vacxin đều phải lấy động vật sạch và trứng sạch để kiểm nghiệm và sản xuất vacxin. Nhưng, biết lấy con lợn, con gà sạch ở đâu?

Hiện nay, người ta nói ở Nha Trang, ở Ba Vì đã có khu trại nuôi gà sạch, trứng sạch để SX vacxin. Nhưng theo nhận định của GS- TS Đào Trọng Đạt: “Tất cả các khu nuôi động vật sạch, trứng sạch của các đơn vị nghiên cứu, kiểm nghiệm, SX vacxin ở Việt Nam hiện nay đều làm theo kiểu “dán bùa luồn kèo”, nghĩa là làm phù làm phép thế thôi chứ không đầu tư tới nơi tới chốn để cho ra sản phẩm siêu sạch”.

Chưa đến đích đã... tụt hơi

Theo PGS- TS Tô Long Thành – GĐ Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, trên thế giới hiện có nhiều loại vacxin. Từ những loại được SX theo công nghệ sinh vật học kinh điển, vacxin tái tổ hợp di truyền và vacxin ADN – mà bản chất không còn là vi khuẩn hay virus toàn phần như những vacxin kinh điển nữa. Mỗi phương pháp sẽ đi kèm với những dây chuyền công nghệ riêng và đội ngũ khoa học chuyên sâu.

Tuy nhiên, BS thú y Hoàng Bùi Tiến (Cty CP Dược và Vật tư thú y Hanvet), cho biết trên thế giới, trong các trường đại học không có môn học vacxin. Danh từ “vacxin học” được cấu thành bởi đa khoa, đa ngành, nếu không thấy tính đặc thù của kỹ thuật SX vacxin, không thể có phương hướng đúng đắn và nhân lực giỏi cho việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực SX vacxin.

Lấy câu chuyện về tình hình SX vacxin dịch tả lợn (DTL) làm ví dụ, ông Tiến chia sẻ: Việc SX vacxin này đã qua gần 30 năm nhưng dường như sản phẩm không có gì thay đổi. Giống virus nhược độc hiện nay đang dùng để SX vacxin của chúng ta do Trung Quốc tặng từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, tên giống là “DTL nhược độc thỏ hóa”.

Bên cạnh đó, giống virus cường độc dùng để đánh giá hiệu lực thực tế của vacxin trên vật nuôi ở Việt Nam. Nhưng ta vẫn dùng giống “thạch môn” của Trung Quốc giúp ta từ lâu lắm rồi. Trong khi đó, ta đã phân lập được nhiều giống DTL cường độc của Việt Nam (giống DTL cường độc Hòa Bình 1960, giống cường độc 73B Nghệ Tĩnh, hay nhiều giống DTL cường độc Việt Nam mà Viện Thú y đã phân lập). Tại sao ta không sử dụng? Ta chưa đánh giá, chọn lọc hay chưa so sánh để lấy giống điển hình thực địa tối ưu của Việt Nam để làm tiêu chuẩn thử thách?

Nửa thế kỷ trước, các nước tiên tiến đã SX vacxin DTL trên tế bào. Còn ở nước ta, công nghệ này được nghiên cứu nửa vời. GS-TS Đào Trọng Đạt chia sẻ: Trước giải phóng miền Nam, Viện Quốc gia Vi trùng (tiền thân của Cty CP Thuốc thú y Trung ương – Navetco hiện nay) nhận được viện trợ của Nhật cả về giống và công nghệ SX vacxin DTL trên tế bào thận chuột lang.

Thực tế, Viện đã cho ra vacxin DTL được SX từ chủng virus GPE-. Nhưng sau khi thống nhất đất nước thì mình không tiếp tục được, không phải mình không có kiến thức, kinh nghiệm mà vì Nhật không đưa cho mình giống gốc (master seed) nên chịu chết. Do đó, muốn nói gì thì nói, chúng ta phải hướng tới khâu tự chủ trong tạo và phát triển giống gốc, giống SX vacxin.

“Hồi ở Viện Thú y, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ môn Siêu vi trùng đã tiến hành những nghiên cứu rất chuyên sâu về giống virus DTL trên tế bào hóa, nhưng ở ta không có nguồn lực mạnh ủng hộ, cuối cùng anh ấy phải tạm dừng nghiên cứu. Bây giờ, những người kế tục đang tiếp tục phát triển.

Có doanh nghiệp đã cho ra sản phẩm, nhưng sử dụng một chủng giống khác (không phải GPE-). Thực tế, vacxin đó cũng chưa được người chăn nuôi đón nhận nhiệt tình. Đúng là khi đã làm gì, muốn thành công thì phải có sự đầu tư tập trung, chứ không thể à ơi, dàn trải được”, GS- TS Đào Trọng Đạt nói.

TS Nguyễn Hữu Vũ, TGĐ Công ty CP Dược và Vật tư thú y (Hanvet) từng ca thán rằng: Việc không có nguồn động vật SPF ảnh hưởng rất nhiều đến việc đánh giá chất lượng sản phẩm vacxin ở thực địa, chưa kể các kết quả thí nghiệm vacxin không được thế giới công nhận, sẽ gây khó khăn cho công tác xuất khẩu vacxin ra nước ngoài.

Bản thân các DN trong nước sẽ không đủ khả năng kinh tế để đầu tư cho những vấn đề này, mà cần có sự đầu tư của Chính phủ. Thậm chí, phải có chiến lược xây dựng các khu vực an toàn sinh học phục vụ cho thí nghiệm và SX vacxin tại các đảo ngoài biển Đông hoặc các vùng miền núi cách biệt".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/noi-dia-hoa-vacxin-tut-hau-vi-nghien-cuu-nua-voi-post169537.html