Nói đi đôi với làm - Người làm lãnh đạo phải dám nhận khuyết điểm

Ông Đỗ Văn Ân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ - nhấn mạnh như vậy với PV Báo Lao Động về giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, đó là biểu hiện: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Ông Đỗ Văn Ân. Ảnh: XUÂN HẢI

Ông Đỗ Văn Ân cho biết: Tôi cho rằng để thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng hiện nay cần phải xác định rõ mục đích của tự phê bình là để phát huy tốt nhất những ưu điểm và cái thành công. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém để sửa chữa.

Để làm được việc này thì những cán bộ đảng viên không được nể nang, né tránh mà phải thành thật, khi đồng chí của mình có những biểu hiện lệch chuẩn thì phải kịp thời răn đe, cùng giúp đồng chí sửa chữa.

Để giải quyết những vấn đề bức xúc trong mỗi chi bộ, cũng như của dân thì việc phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ rất quan trọng, nếu thực hiện tốt việc phê bình, tự phê bình sẽ góp phần giải quyết thấu đáo mọi mâu thuẫn phát sinh ngay từ trong trứng nước.

Tôi nhấn mạnh, trong nguyên tắc hoạt động của Đảng có mấy nguyên tắc rất quan trọng mà mình cần phải nhận thức một cách có hệ thống, đó là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Tự phê bình và phê bình; Đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Mật thiết liên hệ với quần chúng nhân dân. Đây là những nguyên tắc căn cốt nhất để xây dựng một Đảng cách mạng chân chính.

Có ý kiến cho rằng trong sinh hoạt chi bộ hiện nay có cả việc lợi dụng việc phê bình, tự phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Theo tôi, phê bình và tự phê bình phải có phương pháp đúng. Phương pháp ở đây là phải chân thành, dân chủ, thẳng thắn, trung thực và trên tinh thần chân thành có thái độ xây dựng thì sẽ mang lại hiệu quả để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tôi cho rằng mỗi đảng viên phải loại bỏ những động cơ xấu, không được lợi dụng việc phê bình, tự phê bình để làm hại đồng chí của mình, kéo bè, kéo cánh, thậm chí là nịnh bợ, lấy lòng nhau. Đấy là động cơ sai trái, phải kiên quyết khắc phục cái đó và phải đảm bảo tính dân chủ trong phê bình, tự phê bình một cách trung thực, thẳng thắn nhưng mà phải có động cơ xây dựng, đúng đắn để củng cố đoàn kết và hướng tới sửa chữa sai lầm, sửa chữa khuyết điểm. Nếu không, việc phê bình, tự phê bình sẽ rơi vào hình thức.

Khi chúng tôi làm công tác Đảng ở huyện cũng như tỉnh, trước hết Bí thư, Phó Bí thư phải tự phê bình trước và lắng nghe dân, nếu cấp ủy mà làm được như thế thì đảng viên người ta sẽ noi gương thôi.

Vậy để kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo và phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng, theo ông cần có giải pháp gì?

- Khi làm công tác Đảng, để quản lý, giám sát cán bộ, tôi giao cho Ủy ban kiểm tra, ban tổ chức, ban dân vận, nghe ngóng xem cán bộ cấp dưới của mình có biểu hiện lệch chuẩn không, nếu có thì kịp thời gặp gỡ nhắc nhở, kịp thời ngăn chặn.

Để kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, theo tôi chúng ta cần phát huy vai trò của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức kiểm tra của Đảng, Thanh tra Nhà nước, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân. Việc giám sát phải được thực hiện bài bản, có kế hoạch, trọng tâm tập trung vào từng vấn đề dư luận quần chúng quan tâm, làm được như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ kiểm soát được quyền lực của cán bộ lãnh đạo. Và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên đương chức hay về nghỉ hưu vi phạm, từ đó góp phần làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN HẢI (thực hiện)

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/noi-di-doi-voi-lam-nguoi-lam-lanh-dao-phai-dam-nhan-khuyet-diem-662734.bld