Nỗi đau da cam và tấm lòng nhân ái

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu họa của cuộc chiến vẫn đang đeo bám nhiều thế hệ. Những nạn nhân chất độc da cam (dioxin) trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, hơn lúc nào hết, họ oằn mình, gào thét, quằn quại trong đau đớn tuyệt vọng, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo của xã hội. Và dường như thời gian có dài bao nhiêu, chiến tranh đã hết, nhưng nỗi đau ấy vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Để nạn nhân chất độc da cam vơi đi nỗi đau, rất cần sự chung tay của cả động đồng cũng như những cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Di họa chiến tranh

Trong đêm nhạc “Nỗi đau da cam và tấm lòng nhân ái” được tổ chức tại rạp hát Điện Biên (TP.Vũng Tàu), chị Nguyễn Thị Quế - mẹ của em Bùi Nhật Minh Tiến khóc ròng kể câu chuyện “tai Bát Giới” của con mình. Dưới ánh đèn sân khấu, trong biển người xúc động, em Tiến cứ ngây ngô chẳng biết gì ngoài nhìn đèn rồi cười mỗi khi mẹ khóc. Chị Quế nói trong nước mắt: “Nhìn con người ta khỏe mạnh, còn con mình dị dạng khác thường, ốm đau thường xuyên, tôi chỉ muốn chết. Nhưng tôi chết đi, thì ai là người nuôi nó”.

Chúng tôi lặng người nghe từng câu chị kể mà nuốt nước mắt vào trong. Khi mới sinh ra, Tiến trắng như cục bột, dễ thương như bao đứa trẻ khác. Nhưng chỉ hơn một tuần tuổi, tai em tự nhiên mọc mụn rồi cuộn tròn như cục thịt, những khối u kỳ lạ, dị dạng trên cơ thể ngày càng lớn dần. Người chồng thấy con dị dạng đã bỏ đi biệt tích, để lại mẹ con chị vật vã với bệnh tật.

Không đành lòng nhìn con đau đớn, chị Quế bồng con đến Bệnh viện Bà Rịa, tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi bẩm sinh. Một năm tuổi, những cục u nổi to lên ở mũi, cằm, hai vành tai và đầu. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1- TP Hồ Chí Minh các bác sĩ chỉ chẩn đoán em bị thiếu máu, suy dinh dưỡng nặng và tim to bất thường. Sau thời gian điều trị, những cục u trên người không hề thuyên giảm mà ngày càng một lớn dần, mọc dầy đặc khắp người. Thương con, chị Quế tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP Hồ Chí Minh. Ở đây khám bác sĩ cho biết con chị bị bệnh vảy nến. Không cầm lòng, chị Quế tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Ung bướu. Các bác sĩ ở đây bảo Tiến bị bệnh “bướu sợi thần kinh, xương biến dạng hoàn toàn”.

Cộng đồng luôn hướng tới các nạn nhân chất độc da cam.

Bằng mọi cách phải cứu con, chị Quế về bán thêm mảnh vườn, vay tiền hàng xóm. Ngày nhập viện mổ, chị tưởng chừng không gượng lại được. Hy vọng mong manh, tình thương con mãnh liệt, chị làm tất cả vì sự sống của con. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu phẫu thuật, chị mừng thầm trong bụng con sẽ lành lặn. Song niềm vui ấy được hơn 2 tháng lại vụt tắt. Ngay chỗ mổ bướu ấy lại mọc lên những cục bướu mới, tai ngày càng to, trên đầu mọc nhiều cục bướu nhỏ. Thương mẹ vay tiền chạy chữa cho mình, Tiến nói với mẹ: “Má đừng chạy chữa cho con nữa, số con vậy rồi, con không giống bạn, nhưng con vẫn đi học được và thương má”.

Chị Quế khóc. Những giọt nước mắt của người đàn bà tuổi 53 quạnh hưu khắc khổ tuôn rơi mỗi dịp ai đó chạm đến nỗi đau của chị. Hơn chục năm qua, chị không nhớ đã khóc bao nhiêu lần, bao lần chở con đến trường đi học và bao lần con bị trêu chọc, nhưng có một điều không bao giờ quên đó là tấm lòng hảo tâm của hàng xóm cho mẹ con chị bát canh, cân gạo, giúp chị sửa lại mái nhà. Chị Quế chia sẻ: “Khi chữa bệnh cho con mãi chẳng thấy lành, tui chỉ muốn chết. Nhưng chết thì sướng mình, còn con bơ vơ để lại cho ai. Thôi đành ngậm đắng nuốt cay chấp nhận. Nhiều gia đình có 3 - 4 người tật nguyền còn khổ hơn mình. Những năm qua, mẹ con cũng nhận được nhiều sự cưu mang của làng xóm và xã hội, song thật lòng nỗi đau thì không gì bù đắp được”.

Hiện em Bùi Nhật Minh Tiến là học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Bình Ba. Do những cục bướu ngày một lớn nên em không tự mặc được áo quần. Khi đến lớp, em phải mang theo gối để ngồi cho đỡ đau. Tất cả sinh hoạt hằng ngày đều được mẹ hoặc bạn bè giúp đỡ.

6 giờ chiều, mặt trời bắt đầu lặn, xã Bình Ba, huyện Châu Đức ngột ngạt bởi mùi oi nồng bốc lên từ đất đồi bazan. Ở ngay trong lòng đấy ấy, chất độc da cam vẫn đang hiển hiện và thấm vào nguồn nước. Ngôi nhà lụp sụp của mẹ con chị Quế nóng bức hầm hập. Hạ cái xẻng từ trên vai xuống vách nhà, chị Quế vui cười xoa đầu con: “Nó dị tật, nhưng hiếu thảo lắm chú ạ. Chiều đi học về giúp mẹ quét nhà, nhặt rau, rửa bát. Lúc mẹ mệt, nó cũng biết xoa dầu động viên tui. Mỗi ngày đi rẫy về, nghe tiếng con, mình lại khuây khỏa. Chẳng biết tương lai thế nào, nhưng thấy con học hành chăm chỉ, tui cũng mừng lắm”.

Cần tiếp tục có chính sách thỏa đáng

Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% dioxin (tương đương bằng 366 kg chất dioxin) xuống 26 ngàn thôn, bản, làng mạc Việt Nam. Hậu họa của cuộc rải chất độc đó đã hủy diệt sự sống của hàng triệu người, hàng vạn người bị nhiễm độc, bệnh tật, hàng trăm nghìn gia đình phải sống trong đau khổ, nghèo đói.

Chỉ trong vòng 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam xuống 26.000 thôn bản, làng mạc, rừng, núi, sông ngòi của Việt nam với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao ở 5 vùng sinh thái là Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, trong đó miền Đông Nam bộ là vùng ảnh hưởng nặng nề nhất - chiếm 56% diện tích tự nhiên bị phun chất độc.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây biết bao thảm cảnh không kể xiết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Chất độc da cam tàn ác đã di truyền qua nhiều thế hệ, có gia đình 15 người con nhiễm chất độc da cam như gia đình ông bà Đỗ Đức Địu và Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình) có 15 người con đều nhiễm chất độc da cam. Năm nào ông Địu cũng tự tay mình đóng hòm chôn giọt máu của mình vào lòng đất. Gia đình Bà Đào Thị Kiều (60 tuổi) ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sinh được 8 người con thì có tới 7 người là nạn nhân của chất độc da cam. Bà đã đau đớn mỗi năm tiễn một con vào lòng đất.

Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đối với nạn nhân chất độc dioxin, song theo các chuyên gia, lượng dioxin nhiễm trong lòng đất vẫn rất cao, ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân các vùng mà quân đội Mỹ từng rải chất độc xuống. Do vậy, để các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nói chung, cũng như tiến hành tiêu độc hết chất dioxin đang trong lòng đất đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách để giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc dioxin một cách tốt hơn; cũng như tiếp tục đàm phán với phía Hoa Kỳ giải quyết bài toán nhiễm độc dioxin tại những nơi quân đội Mỹ từng rải xuống.

Mai Thắng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-dau-da-cam-va-tam-long-nhan-ai-40958.html