Nội các không bình yên của Tổng thống Donald Trump

Gần 50 ngày đầu tiên đảm nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump liên tục đón nhận những thông tin đầy thử thách xung quanh nội các còn quá mới mẻ.

Mới nhất là vụ ồn ào thư cá nhân liên quan đến Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Hãng tin Indianapolis Star tiết lộ, ông Mike Pence đã sử dụng thư điện tử cá nhân để trao đổi các công việc chung trong thời gian làm Thống đốc bang Indiana.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence

Năm 2016, hộp thư điện tử này từng bị tin tặc xâm nhập. Theo đó, ông Mike Pence đã trao đổi với các trợ lý của mình và các chuyên gia tư vấn về nhiều vấn đề, trong đó gồm các vấn đề bí mật như hệ thống an ninh của văn phòng thống đốc, các biện pháp chống khủng bố... Trong loạt thư này, còn có cả đoạn trợ lý chuyển cho ông đoạn thông báo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc bắt giữ các nghi phạm khủng bố.

Dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc này vì trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Pence là một trong những nhân vật chỉ trích gay gắt nhất việc bà Hillary Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Bê bối thư điện tử của bà Clinton đã ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực tranh cử của bà.

Dù ông Mike Pence lên tiếng phản pháo trước dư luận rằng bang Indiana không cấm các quan chức công quyền sử dụng thư điện tử cá nhân, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với một người nhiều kinh nghiệm chính trị như Mike Pence thì đưa nội dung nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia vào thư cá nhân là điều không thể chấp nhận.

Nội các Mỹ những ngày qua không bình yên trước liên tiếp những thông tin tiêu cực. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer cho rằng, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nên từ chức và Bộ Tư pháp Mỹ cần điều tra nhằm xác định liệu ông Sessions có thỏa hiệp trong cuộc điều tra về khả năng Nga gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua hay không.

Tổng thống Trump ngay lập tức lên tiếng bảo vệ ông Jeff Sessions và cho rằng đây là cách đảng Dân chủ cố tình dùng để thổi phồng sự việc. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố sẽ đứng ngoài các cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Mặc dù thừa nhận có gặp đại sứ Nga Sergei Kislyak vài lần nhưng ông Sessions cho rằng ông không sai vì đã không tiết lộ về các cuộc tiếp xúc trên ở phiên điều trần tại Thượng viện trước đó.

Tranh luận về vụ việc của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hiện vẫn chưa ngã ngũ. Trước đó, một số nhân vật đã từ chối đứng vào hàng ngũ chủ chốt của chính quyền Tổng thống Trump vì không vượt qua được áp lực dư luận. Gần nhất là doanh nhân Philip Bilden, người được ông Trump đề cử chức Bộ trưởng Hải quân ngày 26/2 đã xin rút khỏi đề cử. Philip Bilden là cựu sĩ quan tình báo và doanh nhân có kinh nghiệm về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Từng có nhiều bài báo đề cập đến chi tiết Philip Bilden là người thông thạo về công việc tài chính nên sẽ dễ dẫn đến xung đột lợi ích khi ông đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Hải quân. Trước đó, ông Andrew Puzder, người được ông Trump đề cử chức Bộ trưởng Lao động cũng rút lui do bị dư luận chỉ trích chuỗi thức ăn nhanh do gia đình ông quản lý và điều hành vướng nhiều bê bối. Vợ chồng ông Andrew Puzder còn bị phanh phui thuê người nhập cư bất hợp pháp nhưng không đóng thuế cho người này.

Người đầu tiên được ông Trump đề cử nhưng quyết định từ chức là Michael Flynn ở vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Ông Michael Flynn có quyết định trên do chịu nhiều áp lực sau khi truyền thông tiết lộ về những cuộc điện đàm của ông với đại sứ Nga. Người được ông Trump chọn thay thế là phó đô đốc đã nghỉ hưu Robert Harward nhưng ông Robert cũng đã không đồng ý. Vị trí này hiện đã được ông Trump gửi gắm trung tướng Herbert Raymond McMaster.

Anh Thông (Theo Reuters, Washington Post)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/noi-cac-khong-binh-yen-cua-tong-thong-donald-trump-94812/