Nơi cá sấu nằm im cho người cưỡi

Các bà mẹ giặt giũ bên bờ ao, lũ trẻ chơi đùa bên cạnh, rất gần hàng trăm con cá sấu hoang dã là hình ảnh thường thấy ở Paga.

Nằm cách thủ đô Bolgatanga, Ghana khoảng 44 km, làng Paga là nơi cư ngụ của hàng trăm con cá sấu hoang dã. Chúng bơi trong ao Paga Crocodile Pond, rất gần lũ trẻ chơi đùa trong khi các bà mẹ giặt giũ trên bờ, theo Travel to Discover Ghana.

Theo truyền thuyết, tổ tiên của những con cá sấu ở đây từng cứu người đàn ông đặt chân tới miền đất này khỏi cơn khát sau chuyến đi dài. Để đền ơn, ông tuyên bố Paga Crocodile Pond là ao nước thiêng và tất cả cá sấu đều được đối xử như hoàng tộc.

Một du khách ngồi trên lưng cá sấu và chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Piximus.

Tới nay, người trong vùng vẫn coi việc làm hại hay giết cá sấu là điều tối kỵ. Theo họ, con cá sấu già nhất khoảng 85 tuổi.

Dân làng chưa bao giờ bị bất cứ con cá sấu nào tấn công. Họ tôn thờ loài động vật ăn thịt này, cho rằng chúng mang linh hồn của những người trong làng. Nhiều người tiết lộ, mỗi khi có nhân vật quan trọng nào trong làng qua đời, một con cá sấu thiêng cũng chết theo.

Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên phong phú trong ao là cá và ếch nhái, bầy cá sấu cũng thường được người làng chiêu đãi "buffe" gà. Giải thích cho việc "phóng tay" này, mọi người cho biết họ làm điều đó để các sấu không tấn công gia súc, mò vào nhà tìm đồ ăn hay nhầm trẻ em với con mồi. Ngoài ra, những con cá sấu cũng thu hút lượng lớn du khách tới đây hàng năm.

Mối liên kết giữa con người và cá sấu ở làng Paga dấy lên nhiều tranh cãi trong giới khoa học và khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Ghana.

Hàng triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới kéo đến đây để chứng kiến sự kỳ diệu tại Paga và tự tay chạm vào những con cá sấu khổng lồ.

Những huấn luyện viên sẽ dùng điệu nhạc để thu hút lũ cá sấu rồi dùng gà sống nhử chúng lên bờ. Khi những con cá sấu ăn thịt gà, du khách sẽ được chạm hoặc cưỡi trên lưng chúng.

Dù chưa từng có báo cáo nào về các trường hợp cá sấu tấn công người tại Paga, du khách vẫn phải hết sức cẩn trọng vì chúng thực chất vẫn là những sinh vật khó lường.

Phạm Huyền (theo VnExpress)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/noi-ca-sau-nam-im-cho-nguoi-cuoi-188090/