Nỗi ân hận của ông Thuấn

Trời khuya lắm rồi, nhà ông Thuấn vẫn còn sáng đèn. Dáng vẻ trầm ngâm, nét u sầu hằn trên khuôn mặt, ông ngồi bên bàn uống nước, cầm mãi chén trà với điếu thuốc lập lòe trên môi. Bà Sàng, vợ ông, đi đi, lại lại 'ra ngóng vào trông', vẻ sốt ruột. Thỉnh thoảng, bà ngước nhìn đồng hồ, rồi quay sang trách móc chồng:

Văn hóa & Đạo đức

- Tất cả là tại ông hết. Chẳng biết con bé có làm sao không? Rõ khổ!

Cô con gái út của ông bà tên là Lý vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Con bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, dự định đăng ký xét tuyển vào trường sư phạm, mơ ước sau này trở thành cô giáo. Tuy nhiên, ông Thuấn lại độc đoán hướng nghiệp cho con chọn học ngành ngoại thương. Ông bảo: Ðời bố mẹ khổ sở, thiếu thốn nhiều rồi. Con cố học hành tử tế, sau này ra trường phấn đấu làm ăn cho "mở mày mở mặt" với thiên hạ!

Nói là làm, ngay từ thời điểm con ôn thi, suốt mấy tháng ròng, ông ép con học hành cật lực. Vợ ông hằng ngày cặm cụi cơm nước, chế biến món ăn tẩm bổ cho con. Vốn là người mê tín, gần tới ngày thi, ông Thuấn bảo vợ đưa con đi xem bói, sắm lễ, xin quẻ cầu may. Sợ con gái gặp rủi ro "học tài, thi phận", nên ông Thuấn bắt con kiêng khem, không được thoải mái ăn uống những thực phẩm mà ông cho rằng dễ bị đen đủi, như: chuối, đậu đen, trứng, thịt vịt.

Cẩn thận là vậy, nhưng cuối cùng, do năm nay mặt bằng điểm thi cao, lại chọn trường tốp trên phải cạnh tranh với nhiều ứng cử viên sáng giá, nên Lý không đủ điểm đỗ. Hôm nhận được kết quả xét tuyển, Lý buồn hiu hắt. Bà Sàng nhìn con thở dài thườn thượt. Còn ông Thuấn thì chưng hửng, xấu hổ không dám ra khỏi nhà, bởi trước đó, đi đâu, gặp ai ông cũng trót miệng hí hửng khoe mẽ Lý đỗ đại học.

Thực ra, tổng số điểm của Lý chỉ xếp vào loại khá so với mặt bằng phổ điểm năm nay, nếu tỉnh táo lựa chọn đúng ngành học, chắc kết quả suôn sẻ. Ðằng này, ông Thuấn quá kỳ vọng, muốn con học trường danh giá nên áp đặt suy nghĩ của mình cho con. Từ hôm nhận được kết quả trượt xét tuyển đại học, Lý luôn rầu rĩ, ủ ê, não nề. Chỉ vì chiều theo nguyện vọng xa vời của bố mà Lý dang dở ước mơ.

Ðã không động viên, an ủi lúc con buồn rầu, ông Thuấn lại trút giận lên đầu Lý. Hằng ngày, ông ca thán, nhiếc móc, mỉa mai bóng gió. Thậm chí, lúc nóng giận, ông còn to tiếng khiến con gái tức tưởi chạy ra khỏi nhà. Không chịu nổi thái độ nghiệt ngã của người cha, Lý lặng lẽ về nhà lấy quần áo rồi lầm lũi bỏ đi. Khi biết chuyện, vợ chồng ông Thuấn hớt hải tìm kiếm khắp nơi, nhờ người hỏi han, giúp đỡ, nhưng ba ngày trôi qua, vẫn không có hồi âm. Mãi đến hôm qua, có một cuộc gọi điện thoại của một người phụ nữ xa lạ gọi đến, ông bà Thuấn mới cảm thấy yên tâm về con gái...

Không khí lo lắng, muộn phiền phần nào tan biến khi ngoài ngõ có tiếng xe máy nổ giòn giã. Cánh cổng kẹt mở, vợ chồng con cả của ông Thuấn hồ hởi bước vào, theo sau là người một người phụ nữ. Lý khép nép xách bọc quần áo, mặt mũi phờ phạc, buồn bã đi sau cùng. Thì ra, cô bé bỏ nhà tha thẩn lên thành phố tìm kiếm việc làm. Rong ruổi nhiều nơi, đôi chân mỏi rã rời, cuối cùng may mắn được bà Diệp bán hàng cơm, tốt bụng ra tay giúp đỡ. Bà nhận Lý vào làm công việc phụ giúp bưng bê, rửa bát. Lúc đầu, Lý một mực giấu giếm thân phận, nhưng để gia đình yên tâm, bà Diệp bắt con bé phải tìm cách liên lạc về nhà. Vậy là, Lý báo cho vợ chồng anh trai đến đưa về xin phép bố mẹ. Gặp lại con gái, ông Thuấn thở phào nhẹ nhõm, nhưng nỗi ân hận vẫn còn day dứt trong lòng. Còn bà Sàng cứ ôm chầm Lý, khóe mắt ngân ngấn nước…

HẢI YẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33840402-noi-an-han-cua-ong-thuan.html