Nỗi ám ảnh về căn bệnh gút

Bệnh gút (thống phong) được hình thành do tác động của môi trường và thói quen sinh hoạt hàng ngày, đang dần trở thành nỗi lo của rất nhiều người. Trước đây, nó được coi là căn bệnh nhà giàu, tuy nhiên xã hội càng phát triển, tỉ lệ mắc bệnh gút càng tăng cao nhưng đa số mọi người vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân, cách nhận biết hay hậu quả bệnh gút gây ra sẽ như thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là một dạng thường gặp của viêm khớp, xảy ra do sự gia tăng quá nhiều axit uric trong máu. Thường thì gút xảy ra rất đột ngột, người bệnh đột nhiên thấy đau dữ dội vùng khớp đặc biệt là ngón chân cái. Vì vậy, không quá khó để nhận biết các triệu chứng của căn bệnh này.

Gút ở dạng nặng gây ra nhiều sự đau xương khớp và có thể có những biến chứng nặng nề. Nói một cách khác, thống phong là thể bệnh xuất hiện khi có sự rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể dẫn đến dư thừa lượng axit uric, và chúng lắng đọng thành các tinh thể muối urat sắc nhọn ở các khớp xương gây viêm nhiễm.

Bệnh gút có thể hình thành ở hầu hết các vị trí trên cơ thể

Đối với đa số bệnh nhân gút, cơn đau ban đầu sẽ xuất hiện ở ngón chân cái. Bệnh thường xuất hiện vào nửa đêm trong khi bạn đang ngủ, nó đánh thức bạn bằng các cơn đau nhói cảm giác như lửa đang đốt trong từng khớp xương, đến mức người bệnh không thể chịu đựng nổi. Vì vậy không sai khi nói rằng, gút là căn bệnh viêm khớp đau đớn nhất.

Tuy nhiên không chỉ ở ngón chân cái, mà căn bệnh còn có thể hình thành ở hầu hết các vị trí trên cơ thể người: Bàn chân, khủy tay, mắt cá chân, gót chân, ngón tay…

Nguyên nhân gây nên bệnh gút

Do có sự rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khiến tích tụ axit uric trong máu. Việc tích tụ axit uric có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, do cơ thể sản sinh quá nhiều axit uric, giảm thải quá ít hay do đồng thời cả hai nguyên nhân.

Do mắc các thể bệnh có liên quan như bệnh cao huyết áp, thận mạn tính, xơ vữa động mạch, bệnh tim, tiểu đường, người có hàm lượng cholesterol cao, người bị hẹp động mạch,..

Do sự nhiễm độc chì.

Do tiền sử bị các tổn thương về xương khớp,…

Do di truyền, nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc gút thì khả năng mắc bệnh của bạn là rất cao.

+ Ăn nhiều những thực phẩm và đồ ăn có chứa nhiều purin.

+ Những đối tượng uống nhiều rượu bia.

+ Người béo phì

+ Cơ thể gặp khó khăn trong việc tiêu hủy purin do người bệnh gặp các khuyết điểm về enzim.

+ Đã từng trải qua cấy ghép các bộ phận…

+ Đang sử dụng vitamin niacin.

+ Uống thuốc lợi tiểu.

Bệnh gút thường gặp ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, do cac gen bị trục trặc thường có ở nam. Tuy nhiên, những phụ nữ có nam tính mạnh cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh gout như thường.

Triệu chứng của bệnh gút

Triệu chứng bệnh gút rất dễ nhầm lẫn, nên không ít trường hợp bệnh nhân áp dụng sai phương pháp khiến việc hỗ trợ điều trị không đạt hiệu quả mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, bạn cần nắm rõ những biểu hiện bệnh gút sau:

Nóng, đau, sưng và rất mềm ở một số khớp, thường là ngón chân cái. Cơn đau thường xảy ra vào ban đêm và chỉ cần va chạm nhẹ đều sẽ gây đau đớn.

Cơn đau ở đầu ngón cái là triệu chứng ban đầu dễ nhận biết nhất của bệnh gút

Cơn đau sẽ tăng nhanh chóng, kéo dài tới mấy giờ rồi giảm trong vòng 2-7 ngày sau đó. Khi cơn thống phong giảm, lớp da quanh khớp bị đau và có thể tróc ra hay ngứa.

Khi quan sát các khớp bị bệnh, da rất đỏ hoặc hơi tím quanh khớp bị đau, có vẻ bị nhiễm trùng.

Người bệnh có thể bị sốt, lạnh run và khó khăn trong việc cử động.

Trên bàn tay, khủy tay xuất hiện những u nhú, sưng to, thường được gọi là hạt tophi.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh gút

Những triệu chứng ban đầu của bệnh không chỉ khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, mà nếu không hỗ trợ khám chữa kịp thời, đúng phương pháp có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

Cử động khó khăn, khó di chuyển đi lại

Gút có thể hủy hoại khớp xương, khiến bệnh nhân tàn phế. Các cục bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Gút gây hủy hoại xương khớp, các khớp biến dạng

Không những thế, bệnh gút có thể gây sỏi thận, tăng nguy cơ thận ứ nước ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,…

Bệnh gút thường chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn, khiến việc hỗ trợ điều trị sai phương pháp. Dẫn đến nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí có thể gây tử vong.

Một trong những chẩn đoán nhầm khác là viêm khớp dạng thấp. Từ đó dẫn đến hỗ trợ điều trị tràn lan bằng các thuốc chống viêm dễ gây biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Trong quá trình hỗ trợ điều trị bệnh gút có thể gây tai biến, ảnh hưởng đến các cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng.

Cách điều trị bệnh gút

Sau khi chẩn đoán gút được xác định, một số loại thuốc sẽ được chỉ định trong điều trị cơn gút cấp.

Đối với hầu hết các bệnh nhân, thuốc tốt nhất trong cơn gút cấp là thuốc kháng viêm không phải Steroid (NSAID). Có thể sử dụng thuốc thay thế NSAIDs là colchicine dùng 2-3 lần / ngày, dùng càng sớm càng tốt. Đôi khi, steroid được sử dụng để điều trị bệnh gút. Nếu các cơn gút cấp xảy ra thường xuyên và nặng hơn, cần can thiệp y tế kịp thời.

Một trong những phương pháp điều trị khá phổ biến hiện nay là kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Điều cần lưu ý là các bệnh nhân mạn tính, sau khi bị mắc gút trong một thời gian dài mà không chữa khỏi, sẽ có thể kéo theo một số bệnh khác như suy thận, gan, phù nề giữ nước.

Việc sử dụng thuốc để chữa các bệnh này một cách không có kiểm soát sẽ làm cho bệnh gút thêm nặng hơn.

K.Huyền (T/H)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thuoc/noi-am-anh-ve-can-benh-gut-297635.html