Nỗi 'ám ảnh' quản lý thị trường: Câu chuyện dọc Quốc lộ 1

DĐDN nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) về những sai phạm cũng như thái độ của lực lượng quản lý thị trường dọc Quốc lộ 1. Để rộng đường dư luận, PV DĐDN đã theo xe chở hàng của DN để “mục sở thị” những bức xúc này.

Lực lượng quản lý thị trường tại Quảng Ngãi kiểm tra hàng hóa.

Dọc theo tuyến Quốc lộ 1, từ TP HCM tới Hà Nội, lực lượng QLTT của các tỉnh thay phiên nhau ngày đêm miệt mài phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) chặn xe để thực hiện viêc kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình chặn xe và kiểm tra hàng hóa các chủ xe, lái xe bức xúc cho rằng trong quá trình thực hiện có nhiều điểm nghi vấn và dấu hiệu bất thường của lực lượng QLTT: khi xe dừng lại, lực lượng này yêu cầu kiểm tra hóa đơn, khối lượng hàng hóa trên xe rồi mới ghi thông tin biển số xe… đi ngược với Quyết định số: 65/2010/QĐ-TT, ngày 25/10 /2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 34/2014/TT-BCT ngày 25/10/2014 về việc Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Lỗi quy trình

Theo phản ánh của các lái xe trên tuyến Bắc- Nam: Dọc theo tuyến QL1, gần như lực lượng QLTT tỉnh nào cũng túc trực ngày đêm. Đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Trị, Thanh Hóa… đôi khi chỉ cần đỗ xuống đi vệ sinh thôi là QLTT lập tức có mặt và yêu cầu kiểm tra hàng hóa trong khi lệnh kiểm tra không có, thậm chí bảng tên cũng không, làm các lái xe vô cùng bức xúc…

Lái xe Trịnh Văn N… xe tải trọng tải trên 15 tấn có biển số 89C…. chia sẻ: “Có lần tôi đang lái xe qua địa bàn Đà Nẵng thì gặp lực lượng CSGT và QLTT, họ chặn xe lại và yêu cầu kiểm tra tất cả hàng hóa, tôi yêu cầu: các anh phải có lệnh kiểm tra và hàng hóa lậu mà các anh nghi ngờ là hàng gì? Câu trả lời không có nhưng một mực bắt chúng tôi phải tự khai báo tên và lượng hàng hóa trên xe, dựa vào cơ sở này lúc đó lực lượng QLTT mới ghi thông tin và biển số xe. Trên xe tôi lúc đó chỉ chở vài tấn lông vịt nhưng cũng bị ép làm luật nếu không thì bị lập biên bản xử phạt hành chính…”.

Ông Nguyễn Văn Viễn đại diện DN tại TP HCM cho rằng: Hệ thống văn bản và qui trình xử lí của QLTT quá chồng chéo và nhiều khe hở đã làm cho một số bộ phận của các cơ quan chức năng cụ thể là lực lượng QLTT lợi dụng để nhũng nhiễu DN.

Quyết định xử phạt được… “ứng trước”

Ông Viễn cho biết, mới đây, DN cũng bị QLTT kiểm tra tại Thanh Hóa. Khi lái xe của chúng tôi đề nghị cung cấp biên bản xử phạt mà phải mấy tiếng sau mới điền được thông tin do ông Đội trưởng Cao Xuân Học ký và yêu cầu lái xe chấp hành mở thùng xe để lực này kiểm tra. Tuy vậy, không thể chấp nhận được một tờ biên bản mà QLTT Thanh Hóa cho rằng đó là lệnh kiểm tra hàng hóa của Đội QLTT số 5, Thanh Hóa với hình thức quá cũ kĩ, nhàu nát và có vết gấp như đúc sẵn trong ví thế được?

Bên cạnh đó, hàng hóa trên xe đầy đủ tất cả hóa đơn chứng từ nhưng bị lục tung, đảo lộn… khiến lái xe phải mất thời gian xếp lại. Tiền phí bốc xếp chủ xe phải chịu, mất quá nhiều thời gian, thiệt hại về tiền bạc của DN và nhà nước. Ông Viễn cho rằng: đây là một sự nhũng nhiễu. Hơn nữa, việc nắm bắt thông tin của lực lượng này gần như không có cơ sở, thậm chí chỉ dựa vào nguồn tin báo của một số lái xe được lực lượng QLTT này cho số điện thoại và đặt vấn đề phát hiện được xe nào chở hàng hóa thì thông báo và sẽ có tiền bồi dưỡng…

Cục QLTT, UBND, Chi cục QLTT các tỉnh thành phố cần phải xem lại qui trình xử lí vi phạm, nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lí những nghiêm cán bộ có thái độ nhũng nhiễu DN.

Và lỗi thái độ…

Cũng với tương tự nội dung này, nhiều chủ hàng tại Hà Nội và TP HCM phản ánh những bức xúc về thái độ của QLTT các tỉnh mỗi khi kiểm tra hàng hóa. Sau khi kiểm tra sơ bộ về hàng hóa, QLTT thường xin số điện thoại của chủ hàng thông qua lái xe để nêu hàng loạt các sai phạm của chủ hàng như: thiếu tem phụ, dán tem chưa đúng… Song cuối cùng là đặt thẳng vấn đề chung chi trên tinh thần giảm nhẹ, nhắc nhở. Biên bản vẫn được lập nhưng ở mức xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tiền chung chi là phần nằm ngoài để bồi dưỡng cho anh em…? Thông thường tiền chung chi gấp đôi tiền xử phạt, tùy theo mức độ sai phạm.

Sau khi nhận được phản ánh của DN, phóng viên đã gọi điện tới ông Nguyễn Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa để trao đổi về việc qui trình phối hợp của QLTT với các lực lượng chức năng? Ở góc độ của QLTT thì ai là người ký lệnh phối hợp? Tuy nhiên, ông Hùng chỉ trả lời chung chung: người ký lệnh là người có thẩm quyền. PV chia sẻ trường hợp cụ thể như ông Viễn phản ánh và hỏi Đội trưởng có thể ký “lệnh” thay Chi cục trưởng để phối hợp kiểm tra hay không? Nhưng ông Hùng chỉ trả lời “người có thẩm quyền”.

Với câu hỏi tương tự, PV gọi điện trực tiếp tới ông Nguyễn Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Định để hỏi về vấn đề này, ông Tiến cho biết: Qui trình thực hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra hàng hóa liên quan đến gian lận thượng mại thực hiện theo qui định của ngành QLTT, đồng thời theo Nghị quyết của tỉnh đó trong công tác phối hợp và theo từng trường hợp cụ thể. Theo qui định thì Chi cục trưởng Chi cục QLTT của tỉnh đó sẽ là người đại diện ký lệnh phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện.

Cùng với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Đạt Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong trường hợp, khi QLTT nhận được thông tin từ phía quần chúng thông báo về hành vi gian lận thương mai: hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… qua địa bàn của mình thì: QLTT của tỉnh đó sẽ phải làm đề xuất phối hợp với lực lượng chức năng theo từng trường hợp cụ thể nhưng trong đề xuất phải đầy đủ thông tin: thông tin về hàng hóa( tên hàng hóa nghi vấn; lậu, cấm…), biển số xe, lộ trình và dự kiến thời gian tới… Thông tin này phải được ghi đầy đủ trong đề xuất phối hợp. Trong quá trình thực hiện phải có lực lượng CSGT dừng xe thì QLTT mới được kiểm tra hàng hóa. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì lúc đó mới sử dụng Quyết định xử phạt theo qui định hiện hành.

Như vậy, nếu hiểu theo cách trả lời của lực lượng có thẩm quyền, QLTT không cần phải đề xuất, báo cáo… mà chỉ cần nhờ lực lượng CSGT dừng xe là có quyền kiểm tra hàng hóa. Quyết định 640/QĐ – KPTĐV, ngày 25/01/2016 được gấp làm tám của ông Đội trưởng Cao Xuân Học, đội trưởng đội QLTT số 5 của Thanh Hóa là một ví dụ.

Thiết nghĩ, QLTT cần phải xem lại hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần đồng bộ hơn, hạn chế sự chống chéo, khe hở để một số cán bộ lợi dụng. Trong việc này, Cục QLTT, UBND, Chi cục QLTT các tỉnh thành phố cần phải xem lại qui trình xử lí vi phạm. Nếu phát hiện sai phạm, cần phải nghiêm minh xử lí những cán bộ có thái độ nhũng nhiễu DN. Đừng để con sâu làm “rầu” nồi canh, ảnh hưởng tới công sức của lực lượng quản lý thị trường thời gian qua. n

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/noi-anh-quan-ly-thi-truong-cau-chuyen-doc-quoc-lo-1.html