Nobel Hóa học 2016 được trao cho nghiên cứu phát triển các cỗ máy phân tử

Giải Nobel Hóa học 2016 được trao cho 3 nhà khoa học Jean Pierre Sauvage, James Fraser Stoddart và Bernard Feringa "vì đã thiết kế và tổng hợp thành công các cỗ máy phân tử".

3 nhà khoa học nhận giải Nobel 2016.

3 giáo sư Jean-Pierre Sauvage (ĐH Strasbourg, Pháp), J. Fraser Stoddart (người Anh, ĐH Northwestern, Mỹ) và Bernard L. Feringa (ĐH Groningen, Hà Lan) được trao giải Nobel Hóa học 2016 vì thiết kế và tổng hợp thành công các cỗ máy phân tử.

Trong thông cáo chính thức đưa ra, Ủy ban Nobel cho biết 3 nhà khoa học trên "đã phát triển những cỗ máy nhỏ nhất thế giới" ở cấp độ phân tử. Các cỗ máy phân tử được kiểm soát hoàn toàn chuyển động và có thể thực hiện nhiệm vụ khi được cung cấp năng lượng.

Người đầu tiên phát triển cỗ máy phân tử là Giáo sư Jean-Pierre Sauvage. Năm 1983, ông đã thành công trong việc dẫn nối 2 cấu trúc phân tử dạng vòng về dạng chuỗi, được đặt tên là catenane.

Thông thường, các phân tử liên kết với nhau thông qua các nguyên tử chia sẻ và dùng chung electron. Nhưng trong cấu trúc dạng chuỗi của cỗ máy phân tử, chúng nối với nhau bằng những liên kết cơ học ghép nối.

Đến năm 1991, Fraser Stoddart đã phát triển thành công rotaxane, một dạng di chuyển giúp cấu trúc vòng phân tử có thể trượt theo một trục cố định. Rotaxane bao gồm một cấu trúc nâng phân tử, một cơ phân tử và một chip máy tính phân tử.

Bernard Feringa là người đầu tiên phát triển thành công động cơ phân tử vào năm 1999, khi ông dùng một cánh quạt phân tử quay liên tục theo một hướng đã định. Động cơ phân tử này có thể làm quay một xilanh lớn hơn nó 10.000 lần.

Hiền Thi

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/nobel-hoa-hoc-2016-duoc-trao-cho-nghien-cuu-phat-trien-cac-co-may-phan-tu-125828