Nợ xấu nghìn tỷ của PVCombank đang treo ở dự án 1A Láng Hạ

Dự án Trung tâm TM-VP 1A Láng Hạ vẫn chỉ là trên giấy sau hơn 5 năm được cấp phép xây dựng.

‘Cục nợ’ 1A Láng Hạ của PVcombank hình thành như thế nào?

Tháng 3/2011, UBND TP. Hà Nội cấp phép xây dựng Dự án Trung tâm thương mại và văn phòng tại địa chỉ 1A Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Láng Hạ.

Dự án 1A Láng Hạ giờ thành bãi trông xe. Ảnh Lục Giang

Tuy nhiên, trước khi được cấp phép, Dự án đã bị mua đi bán lại, đẩy giá lên gấp nhiều lần, tạo ra khoản lợi nhuận khổng lồ cho những nhà đầu cơ.

Công ty CP Đầu tư Láng Hạ được thành lập vào tháng 6/2006 với số vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 4 ngày 06/11/2009 là 23,64 tỷ đồng.

Ngày 12/9/2009, KBC cùng 2 công ty con là CTCP KCN Sài Gòn Hải Phòng và CTCP Dịch vụ Kinh Bắc mua lại toàn bộ cổ phần của CTCP Đầu tư Láng Hạ với giá chuyển nhượng là 357,02 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ KBC sở hữu tới 80% (285,6 tỷ đồng)

Chỉ bỏ thêm 17 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản vào dự án trong kỳ, tới quý II/2010, KBC đã nhượng lại 75% cổ phần CTCP Đầu tư Láng Hạ cùng quyền phát triển dự án 1A Láng Hạ cho CTCP Kum – Ba, có địa chỉ tại TP. HCM, với giá trị lên tới 856,8 tỷ đồng.

Giới bất động sản Hà thành thời điểm này không khỏi bất ngờ với Kum – Ba, tại sao một doanh nghiệp không mấy tên tuổi tại TP HCM lại có thể bỏ ra số tiền khổng lồ để thâu tóm dự án 1A Láng Hạ, nhất là trong thời kỳ thị trường nhà đất bắt đầu bước vào giai đoạn ‘đóng băng’ với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên bất ngờ trên không kéo dài khi giữa năm 2011, một trong những ‘kép phụ’ trong ‘vở kịch’ mang tên 1A Láng Hạ xuất hiện.

WTB mua 94% cổ phần CTCP Đầu tư Láng Hạ năm 2011. Nguồn: BCTC Kiểm toán 2011 WTB

Tháng 6/2011, Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB - Nay là NHTMCP Đại chúng PVcombank) đã ký hợp đồng mua lại 94% cổ phần của CTCP Đầu tư Láng Hạ, kèm quyền phát triển dự án 1A Láng Hạ với diện tích 3.709 m 2 để làm trụ sở Ngân hàng, với tổng giá trị giao dịch lên tới 1.003,9 tỷ đồng.

Nói là mua để xây trụ sở, tuy nhiên tháng 8/2012, WTB lại nhượng toàn bộ dự án cùng số cổ phần trên cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà máy điện Sài Gòn Bình Thuận (NMĐ SG-BT) với giá trị y nguyên như lúc mua: 1.003,9 tỷ đồng; thời gian thực hiện tối đa của quá trình chuyển nhượng là 30 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Tức chậm nhất tới tháng 6/2013, WTB sẽ thanh lý được khoản đầu tư nghìn tỷ trên.

Mặc dù vậy, BCTC kiểm toán 2014 của PVcombank vẫn ghi nhận CTCP Đầu tư Láng Hạ là công ty con của mình; trong khi BCTC kiểm toán 2015 (không có thuyết minh) cũng không có dấu hiệu ghi giảm đầu tư tài chính vào công ty con hay tăng doanh thu hoạt động tài chính, cho thấy ít nhất tới thời điểm 31/12/2015, dự án trên vẫn là tài sản của PVcombank.

Từ đây hé lộ những góc khuất xoay quanh số phận hẩm hưu của 1A Láng Hạ.

‘Nhân vật chính’

Xuyên suốt quá trình mua – bán qua lại Dự án nổi bật lên ‘nhân vật chính’: Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) của Chủ tịch Đặng Thành Tâm.

Chỉ sau vài tháng đầu tư, thương vụ ‘mua rẻ, bán đắt’ dự án 1A Láng Hạ với CTCP Kum – Ba đã mang tới cho KBC con số lãi ròng 589,1 tỷ đồng, chiếm phần lớn lợi nhuận trước thuế của KBC (mẹ) trong năm 2010 (652,2 tỷ đồng).

BCTC kiểm toán 2014, 2015 của PVcombank cho thấy dự án 1A Láng Hạ vẫn là tài sản của Ngân hàng.

Trong khi đó, WTB và NMĐ SG-BT cũng có những mối liên hệ đặc biệt, nếu không muốn nói là rất khăng khít với KBC.

Giai đoạn 2009-2012, Ủy viên HĐQT KBC ông Trần Quang Sơn là Chủ tịch HĐQT WTB; Phó TGĐ KBC ông Đào Hùng Tiến và Trưởng ban Kiểm soát KBC ông Nguyễn Tri Hổ đều là TV HĐQT WTB.

Tất cả các chức danh trên tại WTB đều được bổ nhiệm vào ngày 11/9/2009 (ngoại trừ bà Đặng Thị Hoàng Phượng – em gái ông Đặng Thành Tâm, đã làm việc tại WTB nhiều năm và được tái bổ nhiệm tháng 6/2007).

Động thái đưa người vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong WTB tới sau khi KBC và các cổ đông liên quan tới ông Đặng Thành Tâm ồ ạt đổ tiền thâu tóm WTB trong đợt tăng vốn của ngân hàng này năm 2008 (vốn điều lệ tăng từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng), trong đó chỉ riêng KBC đã đầu tư vào đây 259 tỷ đồng. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Kim Thanh, CTCP Năng lượng Sài Gòn – Bình Định và CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (các công ty liên kết với KBC) đều là những cổ đông lớn, nắm trên 5% cổ phần WTB.

Đáng chú ý, quá trình mua bán dự án 1A Láng Hạ cũng được bắt đầu ngay sau thời điểm KBC đưa người vào nắm giữ WTB (KBC và 2 công ty con mua 100% cổ phần CTCP Đầu tư Láng Hạ ngày 12/9/2009).

Không chỉ 94% cổ phần CTCPĐT Láng Hạ, NMĐ SG-BT ngày 1/8/2012 còn cam kết nhận chuyển nhượng cổ phần của 4 công ty khác từ WTB với tổng giá trị lên tới 1.700 tỷ đồng. Nguồn: BCTC WTB kiểm toán 2012

Không lâu sau đó, KBC bán lại dự án cho Kum – Ba với khoản lãi khổng lồ. Kum – Ba lại sang tay cho WTB. Từ đây có thể đặt ra câu hỏi có hay không việc WTB, dưới sự chi phối của KBC và những cổ đông liên quan, đã ‘bơm’ tiền cho Kum – Ba để công ty này nhận chuyển nhượng dự án 1A Láng Hạ, đi kèm với cam kết WTB sẽ mua lại dự án sau đó.

Nếu câu trả lời là có, thì phải nói rằng đây là nước đi rất cao tay của KBC, khi mà thương vụ trên đã tạo ra lượng ‘tiền tươi’ khổng lồ, đồng thời mang lại khoản lãi ròng gần bằng lợi nhuận trước thuế cả năm 2010 của KBC.

Để thuyết phục số cổ đông nhỏ lẻ còn lại trong WTB, những người đứng đầu WTB giai đoạn này có thể đã hứa hẹn rằng dự án 1A Láng Hạ cuối cùng sẽ được NMĐ SG-BT mua lại (cùng với cổ phần của CTCP Đầu tư Láng Hạ, NMĐ SG-BT ngày 1/8/2012 còn cam kết mua lại giá gốc gần 700 tỷ đồng cổ phiếu của một số công ty khác liên quan tới KBC, trong đó phần lớn đã rơi sâu dưới mệnh giá).

Vắt chanh bỏ vỏ?

Tuy nhiên sau khi đạt được mục tiêu là thu về dòng tiền tươi, cộng với việc WTB phải tái cơ cấu để hợp nhất với CTCP đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí (PVFI) thành PVcombank, những lời hứa hẹn trên cũng theo thân hữu của ông Đặng Thành Tâm rời khỏi nhà băng này.

Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà máy Điện Sài Gòn – Bình Thuận được thành lập năm 2007, có số vốn điều lệ cam kết 1.000 tỷ đồng, trong đó KBC cam kết góp 38,5%, tương đương 385 tỷ đồng, tuy nhiên vốn thực góp của KBC tại công ty này từ năm 2010 tới quý II/2016 vẫn chỉ dừng lại ở mức 3,5 tỷ đồng.

Như đã phân tích ở đoạn đầu, theo như hợp đồng đã ký giữa hai bên, chậm nhất tới tháng 6/2013, NMĐ SG-BT phải thanh toán toàn bộ hơn 1.000 tỷ đồng giá trị dự án 1A Láng Hạ, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy NMĐ SG-BT sẽ tôn trọng cam kết với các cổ đông WTB, nay là PVcombank.

Quá trình mua đi bán lại dự án 1A Láng Hạ giữa KBC và các bên liên quan đã tạo ra một lượng lợi nhuận quá lớn cho công ty của ông Đặng Thành Tâm. Suy luận logic, NMĐ SG – BT chẳng có lý do gì để đi mua lại dự án này, khi mà quy đổi, họ sẽ phải trả cho mỗi mét vuông đất tại đây cái giá 271 triệu đồng, gấp 7 lần khung giá đất thương mại cao nhất trong biểu giá đất của TP. Hà Nội.

1A Láng Hạ chỉ là một trong rất nhiều thương vụ khác giữa các công ty có liên quan tới ông Đặng Thành Tâm với WTB, trong đó phần thiệt thường thuộc về phía nhà băng, có thể kể tới hợp đồng quảng cáo trị giá hàng chục tỷ đồng, các khoản ủy thác đầu tư (thực chất là cho vay ) hàng trăm tỷ đồng, cùng những khoản đầu tư trăm tỷ khác vào cổ phiếu các công ty liên quan tới ông Đặng Thành Tâm.

Thời điểm hiện tại, những nhân tố mới trong HĐQT PVcombank chắc hẳn đang đau đầu hơn bao giờ hết với ‘cục nợ’ 1A Láng Hạ; bán rẻ thì lỗ lớn, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, mà rao nguyên giá thì khó có nhà đầu tư nào chịu được cái giá trên.

Trong khi đó, thời gian càng trôi đi, nguy cơ Dự án bị UBND TP Hà Nội thu hồi ngày càng cao. Nếu điều này xảy ra, 94% cổ phần CTCP Đầu tư Láng Hạ trị giá cả nghìn tỷ đồng mà PVcombank đang nắm giữ chẳng khác nào mớ giấy lộn.

Nghi Điền/Tiêu đề do Phapluatplus.vn thay đổi - Theo An ninh tiền tệ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/no-xau-nghin-ty-cua-pvcombank-dang-treo-o-du-an-1a-lang-ha-d22033.html