Nợ xấu mua 100 đồng, bán được 10 đồng, 90 đồng lỗ ai chịu?

Là câu hỏi của Đại biểu Quốc hội nêu ra trong buổi hội thảo "Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật" do báo Đại biểu Nhân dân cùng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức.

Theo đó, chia sẻ về quá trình xây dựng và hoàn thiện Nghị định xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Thời gian qua, NHNN, các TCTD đã rất cố gắng để xử lý nợ xấu nhưng lực bất tòng tâm, các sai phạm đã được phát hiện và không thể chỉ dừng lại ở xử lý hành chính mà đã phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2016 nợ xấu vẫn là một rào cản lớn, cục máu đông cho hoạt động của các TCTD và nền kinh tế.

Nợ xấu mua 100 đồng, bán được 10 đồng, 90 đồng lỗ ai chịu?

Những điểm mới trong Nghị quyết xử lý nợ xấu

"Vì thế mà ban soạn thảo đã cho ra đời 2 văn bản", ông Kiên cho biết. Một là Nghị quyết nhằm giải quyết đống nợ xấu trước mắt và số nợ xấu được giải quyết sẽ là những khoản nợ tồn đọng tính tới tháng 12/2016. Và một văn bản dùng để sửa luật sẽ là văn bản dài lâu áp dụng cho toàn bộ hệ thống TCTD và những khoản nợ xấu về sau.

Theo đó, Nghị định về xử lý nợ xấu phải tuân thủ một số vấn đề lớn sau: 1. Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; 2. Không trái hiến pháp; 3. Nghị định chỉ giải quyết vấn đề trong một thời gian nhất định và được thông qua sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2017; 4. Thị trường mua bán nợ phải đảm bảo tuân theo quy luật thị trường, giá bán có cao, có thấp, không nhất thiết phải tuân theo quy luật bảo toàn vốn nhà nước; 5. Không loại trừ trách nhiệm hình sự với các tổ chức cá nhân gây ra nợ xấu trong quá trình thực hiện.

Theo ông Kiên, một trong những bước tiến trong nghị quyết lần này là lần đầu tiên chỉ rõ sẽ đảm bảo quyền hợp pháp của chủ nợ, thừa nhận quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ.

Ông Kiên cũng phân tích những cái mới của Nghị quyết xử lý nợ xấu. Cụ thể, nghị quyết có điểm bắt đầu và điểm kết thúc để khống chế lại thời điểm, nợ xấu được xử lý là nợ xấu trước ngày 31/12/2016. Thứ 2 là thể hiện rõ quan điểm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không phân biệt sở hữu của các TCTD theo thành phần, ngân hàng có vốn nhà nước cũng sẽ như các NHTM. Thứ 3 là quy trình xử lý tài sản bảo đảm không trái hiến pháp, không xung đột với các luật khác. Đối với tài sản bảo đảm mà chủ tài sản đồng ý giao cho chủ nợ thì thực hiện theo hợp đồng cam kết giữa 2 bên. Còn nếu trong trường hợp chủ tài sản không đồng ý thì tòa án sẽ xử theo quy trình rút gọn.

Tài sản bảo đảm mua 100 đồng, bán 10 đồng, 90 đồng lỗ, ai chịu?

Sau khi được nghe giới thiệu về Nghị định xử lý nợ xấu, trong phần thảo luận một Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Thực ra cho tới thời điểm hiện tại, số nợ xấu còn tồn tại vì chúng được mua với giá 100 đồng, nhưng không thể bán lại được với giá 100 đồng. Vậy nếu sắp tới một khoản nợ xấu được mua 100 đồng, nhưng chỉ bán được với giá 10 đồng thì 90 đồng còn lại là lỗ thì ai sẽ chịu? Cùng với đó, Dự thảo và Nghị quyết thời gian tới ra đời, có thể cho ngân hàng yếu kém phá sản, vậy quyền lợi của người dân sẽ đi đâu về đâu?

Chia sẻ lo lắng của đại biểu về việc cho ngân hàng phá sản ảnh hưởng tới quyền lợi người gửi tiền, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: tất cả các khoản tiền gửi cá nhân trong ngân hàng đều không bị ảnh hưởng, nên đại biểu không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, lo lắng của vị đại biểu là hoàn toàn có căn cứ, xuất phát từ quy định về bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền tại các TCTD bị phá sản. Khi đó, theo quy định, người gửi tiền được nhận tối đa 50 triệu đồng từ bảo hiểm tiền gửi dù khoản tiền gửi trước đó có giá trị lên tới 5 tỷ đồng.

Còn về câu hỏi mua nợ 100 đồng, bán 10 đồng, 90 đồng lỗ ai chịu? Cũng được cho là xuất phát từ lo ngại có thể phải dùng ngân sách để bù đắp cho con số lỗ ấy. Tuy nhiên, câu hỏi của Đại biểu vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ phía cơ quan soạn thảo Luật ngay tại buổi hội thảo.

Trong nghị quyết xử lý nợ xấu có nhắc tới “Phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng”. Theo đó, "Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phân bổ chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán khoản nợ vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm với mức phân bổ tối thiểu là chênh lệch thu chi”. Như vậy, có thể nói là lãi hay lỗ thì cũng sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh hàng năm của các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Góp ý thêm về những quy định được nêu trong Nghị quyết xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Phó chủ tịch HĐQT LienvietpostBank cho biết, một trong những điểm mới nhất của Nghị định là công nhận quyền hợp pháp của chủ nợ là chủ nợ có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, nếu giới hạn thời gian xử lý nợ xấu chỉ là các khoản nợ trước tháng 12/2016 thì chưa hợp lý. Bởi nợ xấu đi kèm với hoạt động ngân hàng, đến hàng trăm năm sau vẫn có nợ xấu. Vì thế, ông Hưởng đề xuất cần luật hóa Nghị quyết này để nó có tính xuyên suốt, dài lâu.

Góp ý về quy định xử lý tài sản bảo đảm, ông Hưởng cho rằng không nên để nước đôi kiểu chủ tài sản đồng ý thì thi hành, không thì đưa lên tòa án. Bởi sẽ không có chủ tài sản bảo đảm nào đồng ý hợp tác để xử lý tài sản của họ. Như vậy, phải làm theo phương án 2, lại đưa lên tòa án, như vậy là không có gì thay đổi mà giống hiện nay, ngân hàng lại từ chủ nợ thành con nợ, tiếp tục đứng cho vay còn quỳ đòi nợ.

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/no-xau-mua-100-dong-ban-duoc-10-dong-90-dong-lo-ai-chiu-179349/