Nợ xấu không xử lý được đừng mong giảm lãi suất ngân hàng

Nợ xấu đã lên tới con số 10,08%. Nghị quyết về xử lý nợ xấu (nếu được Quốc hội thông qua) được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỉ đồng.

Nợ xấu không xử lý được thì khó giảm lãi suất ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nợ xấu không xử lý được đừng mong giảm lãi suất ngân hàng

Theo tờ trình của Chính phủ, đến 31.12.2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.

Đây là thông tin thu hút sự chú ý lớn của dư luận bởi thời điểm đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo và công bố nợ xấu chỉ ở mức dưới 3%. Đến 30.11.2016, tỉ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30.11.2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỉ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỉ đồng.

Thống kê kết quả kinh doanh chỉ riêng 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã là 50.695 tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.

Sacombank là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỉ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016.

Các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm trong quý I là Vietcombank, VIB và Kienlongbank. Trong khi Vietcombank hiện là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống, tỉ lệ nợ xấu tính đến hết quý I/2017 chỉ ở mức 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối năm ngoái. Ở chiều ngược lại, Techcombank có tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỉ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỉ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016. Một ngân hàng đáng chú ý khác là MBB, tỉ lệ nợ xấu tính đến 31.3.2017 là 1,35%, tăng so với cuối 2016.

Trao đổi với PV báo Lao Động chiều 17.5, Luật sư - TS Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TPHCM nhận định: “Nếu nợ xấu không xử lý được thì mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng khó lòng thực hiện được”. Lý giải cho nhận định trên, TS Bùi Quang Tín cho rằng: “Khi nợ xấu còn thì chi phí sẽ tăng. Chi phí cho vay bao gồm chi phí huy động vốn và các chi phí khác. Trong chi phí khác phải tính đến chi phí phải lo trả phần LS huy động vốn cho khoản cho vay có phát sinh nợ xấu. Vì vậy, nếu còn nợ xấu, các NH khó mà giảm được lãi suất cho vay dù lãi suất huy động có giảm.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Chính phủ đã nhìn thấy tính cấp bách của việc có nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu (nếu được Quốc hội thông qua) được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỉ đồng kẹt trong nợ xấu và tiềm ẩn thành nợ xấu. Hồ sơ dự thảo nghị quyết này sẽ được trình lên Quốc hội trong phiên họp ngày 22.5.2017. Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Bùi Quang Tín cho biết, Nghị quyết lần này đã gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, lần đầu tiên có một văn bản pháp luật quy định về đối tượng áp dụng khi xử lý nợ xấu là tổ chức. Thứ hai, có cơ chế để chuyển từ trái phiếu đặc biệt sang theo giá thị trường do NHNN đưa ra cách thức. Thứ ba, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều nút thắt trong luật đất đai hiện hành đã được xử lý. Cụ thể, bên có tài sản phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Thêm vào đó, nghị quyết mới đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Điều này giúp các TCTD rút ngắn thời giam thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, mặc cho Tòa có ra phán quyết, con nợ cứ tiếp tục chây ỳ không chịu bàn giao tài sản đảm bảo.

Một điểm đáng chú ý là dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/no-xau-khong-xu-ly-duoc-dung-mong-giam-lai-suat-ngan-hang-665655.bld