'Nợ' văn chương cũng có tính di truyền

Trong làng văn, có không ít các cặp vợ - chồng, cha - con, mẹ - con cùng say mê nghiệp chữ nghĩa. Cũng có cả trường hợp bố (vợ) - con gái - con rể cùng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất nhiều chuyện thú vị xảy ra khi cả nhà cùng yêu văn chương...

Nhà thơ Lê Hồng Thiện và con gái, nhà văn Lê Hồng Nguyên

Nhà thơ Lê Hồng Thiện và con gái, nhà văn Lê Hồng Nguyên

Hổ phụ sinh hổ tử

Nhiều thế hệ bạn đọc đã từng yêu mến những trang văn trong sáng, giản dị, đậm chất đời sống của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú suốt 3 thập niên: 1960 - 70 - 80, thì đến những năm 1990 lại tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc qua những truyện ngắn được thể hiện bằng lối viết sắc sảo, sinh động của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Nếu “nhà văn mẹ” rất thành công với đề tài nông thôn qua những tác phẩm: Đất làng, Hạt mùa sau, Buổi sáng... thì “nhà văn con” khẳng định tên tuổi với đề tài đô thị: Hậu thiên đường, Giai nhân, Minu xinh đẹp...

Như một mối duyên tiền định, năm 1964 nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay có cái tên ngắn gọn: “Huệ” thì đến tháng 8-1966 bà sinh con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Thu Huệ. Sinh ra trong một gia đình văn nghệ sĩ (chồng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là họa sĩ), Nguyễn Thị Thu Huệ sớm bộc lộ khả năng cảm thụ cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình và khả năng ngôn ngữ linh hoạt. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng sớm nhìn ra năng khiếu của con gái khi nghe những câu chuyện về phố phường, hàng xóm, chuyện nhặt nhạnh đâu đó khi đi học, đi chơi..., bà chỉ nói ngắn gọn với con: “Viết đi”. Và những trang văn sống động mang đầy hơi thở cuộc sống, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thu Huệ đã chinh phục được những độc giả khó tính nhất.

Trên vùng núi phía Bắc, nhắc đến nhà văn Mã A Lềnh thì ai cũng biết. Ông là người dân tộc Mông đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1982). Trước đây, Mã A Lềnh là giáo viên tại tỉnh Lào Cai. Sau khi chuyển hẳn sang hoạt động văn học nghệ thuật, ông từng công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, rồi Phó giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai. Máu văn nghệ trong ông được truyền sang người con trai thứ hai: nhà văn Mã Anh Lâm. Sinh năm 1973, Mã Anh Lâm sớm có những thành công trong làng văn (truyện ngắn đầu tay “Cấp sắc” của anh gây được sự chú ý của rất nhiều bạn đọc). Hai cha con nhà văn người Mông có năm đã cùng nhau giành 2 giải A của Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam khiến nhiều Hội đồng nghệ thuật “kính nể” thốt lên: “Đúng là hổ phụ sinh hổ tử”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và hai con trai

“Kiềng ba chân”

Nhà thơ Lê Hồng Thiện (Hưng Yên) dành hầu hết thời gian trong đời sáng tác của mình cho văn học thiếu nhi. Suốt gần nửa thế kỉ qua, ông đã “hóa thân” vào các em nhỏ, vì thế những nhân vật: cây cau, cây trứng gà, chậu cúc vàng, chim sẻ đồng, chú cún con... luôn sinh động, gần gũi như hiểu được tâm tình của trẻ em. Nhà thơ Lê Hồng Thiện từng giành khá nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi từ cấp địa phương đến Trung ương, nhưng ông luôn tâm niệm phần thưởng lớn nhất với người sáng tác chính là tình yêu của các độc giả nhỏ tuổi dành cho tác phẩm của mình.

Nữ nhà văn Lê Hồng Nguyên - nguồn cảm hứng chính trong thơ Lê Hồng Thiện, sinh năm Bính Ngọ (1966) và trở thành hội viên Hội Nhà văn năm Giáp Ngọ (2014), tuy không theo nghiệp thi ca của cha mà rẽ sang văn xuôi nhưng cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người cha lãng mạn, giàu tình cảm. Lê Hồng Nguyên còn có công rất lớn tạo nên thế “kiềng ba chân” vững vàng trong gia đình văn chương khi kết hôn cùng nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải.

Trong gia đình có cả nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nhưng dường như chưa bao giờ xảy ra những cuộc “xung đột nghề nghiệp” gay gắt, bởi họ có chung điểm nhìn công tâm, trân trọng những giá trị của sự sáng tạo. Tuy nhiên, họ cũng khá khắt khe khi được phép nhận xét một cách khách quan về tác phẩm của nhau, có lẽ điều này đã góp phần làm nên sự hoàn thiện của mỗi tác phẩm trước khi ra mắt bạn đọc.

Nhiều người vẫn còn nhớ đến nhà văn Hoàng Yến, một cây bút đa tài, thành công ở nhiều lĩnh vực: thơ, dịch thơ, văn xuôi, phê bình, kịch bản sân khấu... Nhà văn Hoàng Yến cũng chính là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, thời kỳ sau đó ông sáng tác, dịch thuật rất nhiều với các bút hiệu khác như Thạch Tiễn, Hoàng Lan, Hoàng Đức Anh...

Nhà văn Hoàng Yến là cha của nữ thi sỹ Lê Hiền Phương và là cha vợ của nhà văn Hoàng Minh Tường. Tuy đến với nhau không phải từ buổi ban đầu cuộc sống hôn nhân nhưng hai nghệ sĩ sống với nhau rất hạnh phúc bởi sự đồng điệu cả trong văn chương và đời thực. Gia tài sáng tác của nhà văn Hoàng Minh Tường khá đồ sộ: 13 cuốn tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 5 tập bút ký, phóng sự... Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm: ”Thủy hỏa đạo tặc”, “Ngư phủ”, “Đồng sau bão”... Đặc biệt cuốn tiểu thuyết gây ồn ào suốt một thời gian dài là “Thời của thánh thần” được viết dựa trên phần lớn cuộc đời thực của người cha vợ tài hoa nhưng lận đận.

Sau quãng ngày dừng viết rất dài, vào những năm cuối của cuộc đời, những bản thảo đã xuất bản và chưa từng in ấn của nhà văn Hoàng Yến được con gái và con rể tập hợp, sắp xếp lại để in “Tuyển tập Hoàng Yến” gồm 3 cuốn: thơ, văn xuôi, kịch với độ dày 1.400 trang. Bộ sách như mang đến cho người đọc một “đại tiệc” văn chương cũng như sự kính phục sức lao động bền bỉ và tính sáng tạo của ông.

HƯƠNG LAN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/no-van-chuong-cung-co-tinh-di-truyen/710943.antd