Nở rộ chợ phiên nông sản

Chợ phiên nông sản là nơi người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp từ nhà vườn, hiểu được quy trình sản xuất và nhận diện nông sản an toàn

Sáng 16-8, tại chợ phiên Tâm Dân (149 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM), tuy chỉ có mấy gian hàng nhưng hàng hóa khá phong phú, từ đặc sản rừng như: măng le luộc, dưa gang muối, lá trà xanh, hạt ươi,… còn có các loại quả như chuối, đu đủ, bưởi… theo tiêu chí hữu cơ. Một thành viên Ban Điều phối chợ Tâm Dân cho biết chợ hoạt động mang tính “thiện nguyện” nhằm hỗ trợ người sản xuất kết nối với người tiêu dùng. Vì đây là khu công sở, phục vụ cho dân văn phòng nên thường họp vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Mới đây, một khách hàng “thấy thương” nên đã hỗ trợ thêm một điểm bán vào cuối tuần (chung cư Âu Cơ, quận 11).

Một gian hàng rau sạch tại Phiên chợ xanh tử tế Ảnh: NGỌC ÁNH

Ông Nguyễn Hoàng Phát - chủ nông trại Tánh Linh (Bình Thuận), bán rau củ quả và một số đặc sản rừng tại chợ phiên Tâm Dân - cho biết ông vốn là đầu bếp chuyên nghiên cứu về ẩm thực dân gian nhưng trên thị trường không tìm ra nguyên liệu “chuẩn hương vị” như dân gian vì tập quán canh tác thay đổi. Do vậy, ông đã đầu tư vào 6 ha đất ở đây khôi phục lại phương thức canh tác truyền thống. “Tôi bán hàng ở đây đã nửa năm, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và chấp nhận giá cao để mua sản phẩm vì niềm tin sạch, an toàn” - ông Phát phấn khởi.

Cùng với chợ phiên Tâm Dân, Phiên chợ xanh tử tế (tại 163 Pasteur, quận 3, TP HCM) hoạt động từ cuối tháng 4-2016 đến nay đã được 9 phiên cũng đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Những sản phẩm của phiên chợ do chính tay nông dân tự trồng rồi đem tới chợ bán hàng. Bà Vũ Kim Anh - Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị tổ chức chợ phiên - cho biết phiên chợ đầu tiên chỉ có 20 doanh nghiệp với 25 gian hàng nhưng qua 9 phiên đã có hơn 45 doanh nghiệp và trên 50 gian hàng bày bán các sản phẩm, được khách hàng ưa chuộng. “Để có những sản phẩm nông sản sạch từ rau củ quả, thực phẩm, ban tổ chức đã mời các chuyên gia nông nghiệp xuống tận ruộng, tận vườn nông dân trồng để kiểm tra dù các vườn đã có chứng nhận tiêu chuẩn an toàn” - bà Kim Anh nói.

Và để khuyến khích nông sản sạch, bắt đầu từ ngày 20-8 tới, tại nhà hàng Đông Hồ (195-197 Cao Thắng nối dài, phường 12, quận 10, TP HCM), Chợ phiên nông sản an toàn TP HCM do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP tổ chức sẽ diễn ra phiên đầu tiên. Theo kế hoạch, chợ phiên này sẽ diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng. Theo đó, tất cả sản phẩm rau củ quả, trái cây, thịt, trứng, hải sản đều phải có chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc Chuỗi thực phẩm an toàn của TP. Trong 27 đơn vị đã đăng ký tham gia chợ phiên, có nhiều thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến như các HTX: rau Phú Lộc, Phước An, Thỏ Việt, Nhuận Đức, Ngã Ba Giồng, DalatGAP, thịt heo An Hạ, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn…

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng để bảo đảm chất lượng, giữ uy tín cho chợ phiên nông sản. Các đơn vị chuyên môn sẽ kiểm tra về hồ sơ pháp lý cũng như thường xuyên lấy mẫu kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (rau củ quả), sản phẩm thịt sẽ được kiểm tra dấu kiểm soát giết mổ, bao bì nhãn hiệu, hạn sử dụng… và lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, với mục tiêu kiểm soát chất lượng thịt heo VietGAP đến tay người tiêu dùng nên việc phát triển điểm bán khá chậm. Mỗi tuần chỉ tiêu thụ từ 50-70 con, trong khi nguồn heo hơi chăn nuôi VietGAP lớn hơn nhiều. Bà Thắm hy vọng tham gia chợ phiên nông sản TP sẽ có nhiều người tiêu dùng biết đến thịt sạch VietGAP hơn nữa.

Lo tiểu thương độn hàng

Một cán bộ quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường xuyên theo dõi hoạt động của các chợ phiên cho biết các chợ này thường quy mô nhỏ, đa phần hàng hóa có nguồn gốc đúng như người bán nói. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường tăng lên, nguy cơ “độn” hàng kém chất lượng là không tránh khỏi và làm mất ý nghĩa ban đầu của chợ phiên và cạnh tranh không công bằng với các đơn vị kinh doanh rau quả có đăng ký khác.

Thực tế, đầu năm 2016, trên mạng xã hội đã “lùm xùm” việc một thành viên của chợ phiên đem hàng bên ngoài vào bán. Sau đó, các thành viên sáng lập chợ phiên đã phân hóa và lập ra 2 chợ phiên với phương thức hoạt động khác nhau.

NGỌC ÁNH-THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/no-ro-cho-phien-nong-san-20160816224332239.htm