Nợ phải thu khó đòi của các DNNN lớn tăng mạnh

Theo bản báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015 thì nợ phải thu khó đòi theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty năm 2015 là 16.715 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2014, chiếm 4,9% tổng nợ phải thu.

Cụ thể, theo thông tin từ Chính phủ, báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 338.327 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014.

Tỉ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2015 là 12%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.715 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu. Đây là một điểm đáng lo ngại khi tốc độ nợ phải thu khó đòi (11%) cao hơn hẳn so với tốc độ tăng nợ phải thu (6%)

Đứng đầu danh sách nợ phải thu khó đòi là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với số nợ lên đến 6.787 tỉ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là 1.455 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội là 972 tỉ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 815 tỉ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 712 tỉ đồng… Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đầy đủ để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 15.716 tỉ đồng, bằng 94% nợ phải thu khó đòi.

Đáng chú ý, trong bản báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015 cũng cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: Chứng khoán; Bảo hiểm; Ngân hàng - Tài chính; Bất động sản và Quỹ đầu tư được 11.036 tỉ đồng, thu về 10.742 tỉ đồng.

Báo cáo cũng lý giải số thu về giảm so với sổ sách là vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thoái 800 tỉ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Còn trong 9 tháng của năm 2016, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thoái được 481 tỉ đồng, thu về 441 tỉ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ thoái 100,6 tỉ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỉ đồng.

Như vậy, lũy kế giai đoạn 2011 - 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã thoái 11.517 tỉ đồng, thu về 11.183 tỉ đồng.

N.M

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/no-phai-thu-kho-doi-cua-cac-dnnn-lon-tang-manh-604785.bld