Nỗ lực xây dựng thương hiệu Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Bài 2: Lan tỏa những không gian xanh

Cây xanh luôn là một "điểm nhấn" trong vẻ đẹp đô thị của Hà Nội. Song, có những quãng thời gian tốc độ phát triển cây xanh chưa đồng hành với tốc độ phát triển của đô thị. Với việc thực hiện nhiệm vụ của Năm Trật tự, văn minh đô thị 2016, cùng với những hoạt động của thành phố, ý thức của người dân Thủ đô đã thay đổi, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Bất kỳ ai từng đến nhà N5 Khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) thời gian gần đây đều ngạc nhiên. Nhiều người ví đây như một "vườn treo Babylon" khi những không gian trống ở cầu thang, lối đi lại đều được phủ kín cây xanh. Nhưng điều ấn tượng nhất ở "vườn treo" này chính là chúng được trồng trong những chậu cảnh được tái sử dụng từ... những vật dụng bỏ đi. Những hộp nước giặt, can dầu ăn, đồ hộp nhựa cũ... được tận dụng, cắt sửa để tái sử dụng. Người khởi xướng việc tái sử dụng đồ cũ để trồng cây xanh là chị Nguyễn Thị Làn, người sống trong khu nhà N5. Từ hành động của chị Làn, nhiều cư dân của tòa nhà đã học hỏi, nhân rộng cách làm. Những tòa chung cư thường được biết đến với bê-tông cửa kính, nay trở nên mát mắt với mầu xanh của hoa, lá. Nhà N5 chỉ là một trong hàng trăm mô hình "Sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh" trên địa bàn quận Cầu Giấy được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Cầu Giấy triển khai. Vấn đề bảo vệ môi trường thành phố đã được đề cập từ lâu. Nhưng làm thế nào để mỗi người dân có hành động thiết thực không phải chuyện dễ. Chị em phụ nữ là những người hằng ngày tiếp xúc với các loại vật dụng gia đình, nhiều thứ bỏ đi sẽ gây ảnh hưởng môi trường, nhất là đồ nhựa. Vì thế, quận Cầu Giấy đã phát động phong trào "Sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh". Phong trào vừa góp phần hạn chế lượng rác thải, vừa tô điểm mầu xanh cho thành phố. Hội LHPN quận Cầu Giấy còn tổ chức tập huấn kỹ thuật tái chế, cách lựa chọn loại cây phù hợp và chăm sóc hoa, cây cảnh cho các hội viên. Hiện giờ, hầu hết các cơ quan chính quyền, các khu vui chơi, giải trí, các khu công cộng trên địa bàn quận đều được trang trí bởi những chậu hoa, cây cảnh làm từ những vật dụng tái chế.

Xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp luôn được lãnh đạo thành phố coi là nhiệm vụ hàng đầu trong những năm qua. Nhưng không phải lúc nào hiệu quả của các phong trào trồng cây, làm đẹp thành phố cũng phát huy hiệu quả. Không những thế, có những thời điểm, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, tốc độ trồng cây xanh không theo kịp. Kể từ khi triển khai Năm Trật tự, văn minh đô thị 2014 đến nay, và nhất là trong năm 2016, việc phủ xanh thành phố được quan tâm một cách đồng bộ. Lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo các khâu: Xây dựng chiến lược dài hạn cho trồng cây xanh, với mục tiêu cụ thể trồng một triệu cây xanh đến năm 2020; lựa chọn loại cây xanh phù hợp, vừa bảo đảm mỹ quan, vừa tiết kiệm; giao nhiệm vụ cho các ban, ngành phát động các phong trào thi đua trồng cây xanh làm đẹp thành phố; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh... Những giải pháp đồng bộ đã đem lại hiệu quả rõ ràng. Riêng trong năm 2016, ước tính thành phố sẽ trồng được 140 nghìn cây xanh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 trồng một triệu cây xanh. Nhiều tuyến đường, tuyến phố đã thật sự đổi thay diện mạo như tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Láng Hạ... khi được trồng các loài cây, hoa đẹp như phượng vĩ, hoa ban... vào dải phân cách. Việc cắt tỉa, chăm sóc những loại cây cổ thụ được thực hiện bằng các phương tiện hiện đại, vừa đạt năng suất cao, mà tiết kiệm nhân lực, bảo đảm an toàn.

Và một trong những điểm nhấn đáng chú ý của "mùa trồng cây" 2016 chính là sự thay đổi ý thức của mọi người. Phong trào trồng cây xanh bằng đồ tái chế ở quận Cầu Giấy chỉ là một trong rất nhiều mô hình ra đời từ sự thay đổi nhận thức. Mô hình "Biến bãi rác thành vườn hoa" do một nhóm sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền là một thí dụ khác. Khởi đầu là một mô hình trên phố Trần Bình, hiện giờ, nhóm bạn trẻ này đã thực hiện được nhiều "bức tường hoa" ở các phố Trần Quốc Toản, Quang Trung, Phó Đức Chính... Điều đó cho thấy giới trẻ đã ý thức cao trong việc xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Mới đây nhất, Thành đoàn Hà Nội đã quyết định nâng thành phong trào. Đoàn Thanh niên mỗi quận sẽ thực hiện từ năm đến mười mô hình "Biến bãi rác thành vườn hoa", để trong năm 2016, thành phố có ít nhất 60 mô hình như thế.

Từ hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố năm 2016, có thể thấy rất rõ một phương thức mới đang hình thành: Các cơ quan chức năng của thành phố chịu trách nhiệm quy hoạch, lập kế hoạch xây dựng vườn hoa, công viên, trồng, chăm sóc cây trên những tuyến đường, các không gian công cộng có quy mô lớn; các đoàn thể, người dân trồng, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh ở các không gian công cộng quy mô nhỏ. Hai hoạt động song hành đã bổ khuyết rất lớn cho nhau, nhất là khi cơ quan chức năng không thể đủ nguồn lực trồng, chăm sóc cho những không gian nhỏ. Không chỉ ở thành thị, việc trồng cây xanh ở khu vực nông thôn cũng được triển khai mạnh mẽ, gắn kết thực hiện Năm Trật tự, văn minh đô thị với xây dựng nông thôn mới. Những hàng cây xanh ven đường ở các huyện Đan Phượng, Thanh Oai, Đông Anh, Thanh Trì... là những thí dụ điển hình. Từ sự thay đổi ý thức của người dân, những vụ việc chặt, phá cây xanh trong năm 2016 cũng đã giảm hẳn.

Việc nhiều doanh nghiệp tặng cây xanh cho thành phố, các hội, đoàn thể cũng như người dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc cây xanh đã chứng minh cho chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố về trồng, chăm sóc cây xanh. Khi nhiều người chung tay sẽ có thêm nhiều biện pháp, nhiều ý tưởng mới cho việc "phủ xanh thành phố", mà mô hình "Phụ nữ quận Hai Bà Trưng chung tay làm đẹp cảnh quan sư phạm" đang thực hiện ở địa bàn này có thể xem như gợi mở cho việc ươm mầm ý thức xanh cho thế hệ trẻ. Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Hai Bà Trưng Nguyễn Hiền Phương cho biết: "Chúng tôi thực hiện mô hình phụ nữ chung tay làm đẹp cảnh quan sư phạm bằng cách vận động chị em các phường tặng chậu hoa, cây cảnh cho các trường học trên địa bàn, nhất là các trường tiểu học, mầm non. Sở dĩ chúng tôi định hướng đến các trường, vì trẻ em là thế hệ tương lai. Tặng hoa, cây cảnh rồi phối hợp nhà trường để các con chăm bón, vun tưới, quan sát cây lớn lên, điều này giúp các con sớm có ý thức bảo vệ cây xanh. Hy vọng rằng, lớn lên các con sẽ càng ý thức hơn về bảo vệ cảnh quan, môi trường".

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1-11-2016.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31162202-no-luc-xay-dung-thuong-hieu-thu-do-xanh-sach-dep.html