Nỗ lực vì quyền lợi người lao động

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1-1-2016, việc khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ra tòa được trao cho tổ chức công đoàn. Quy định này tưởng như là bước đột phá của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, số vụ do tổ chức công đoàn các cấp khởi kiện ra tòa án chưa nhiều do còn nhiều vướng mắc, chồng chéo.

Khó kiện DN ra tòa

Theo BHXH Đồng Nai, tính đến tháng 10-2016, trên địa bàn có 67 DN nợ BHXH hơn sáu tháng với tổng số tiền 141 tỷ đồng. Để khởi kiện các DN nợ BHXH, đơn vị này phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển sang LĐLĐ tỉnh Đồng Nai khởi kiện. Tuy nhiên, do vướng nhiều quy định, cho nên hồ sơ thường bị cơ quan tư pháp trả lại. Trong sáu hồ sơ mà Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) gửi ra tòa án, có năm hồ sơ bị tòa án trả về. Duy nhất một DN trả được 68% số tiền nợ BHXH nên Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn rút đơn khởi kiện. Nguyên nhân là do nhiều quy định chưa đồng bộ về pháp lý giữa Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai Vũ Ngọc Hà cho biết: "Nếu áp dụng luật như hiện nay, công đoàn không thể khởi kiện DN theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 14 Luật BHXH và điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự. Để khởi kiện các DN nợ BHXH, phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động là, qua hòa giải và giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong khi đó, thẩm quyền khởi kiện DN là công đoàn cơ sở (CĐCS) hoặc công đoàn cấp trên cơ sở đối với những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Trong trường hợp CĐCS không thể khởi kiện thì ủy quyền cho Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thực hiện. Điều này đồng nghĩa, nếu công đoàn không nhận được ủy quyền từ NLĐ thì không thể đưa ra yêu cầu đối với tòa án. Do vậy, việc thực thi điều khoản của luật đang gặp rất nhiều khó khăn". Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đồng Nai Lê Quang Y nhận định: "Để NLĐ làm ủy quyền khởi kiện chính người chủ trả lương cho mình là khó, do họ sợ mất việc làm hoặc sợ bị gây khó khăn". Ngoài ra, đối với các DN sử dụng hàng chục nghìn lao động, công nhân, mà từng người phải ra UBND xã/phường làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/giấy thì chi phí rất lớn. Nếu có ủy quyền, tòa án cũng chỉ xét xử theo dạng tranh chấp cá nhân. Chưa kể, khi các DN nợ đọng BHXH vắng chủ, NLĐ chuyển nơi làm việc thì cũng khó tìm ra NLĐ làm giấy ủy quyền.

Gần 31.500 DN, chiếm hơn 25% số DN tại TP Hà Nội đang nợ đóng BHXH cho NLĐ, với số tiền 2.220 tỷ đồng. Đáng chú ý, các DN nợ đọng kéo dài có xu hướng tăng cao, chủ yếu ở các DN quy mô nhỏ và vừa, các đơn vị làm trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ. Trong quý I-2017, BHXH TP Hà Nội bàn giao 129 đơn vị nợ đọng BHXH sang tổ chức công đoàn, công đoàn nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng. Như vậy, so với số DN nợ BHXH, số DN bị khởi kiện vẫn là con số khiêm tốn. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Công đoàn Thủ đô tiếp tục phối hợp các sở, ngành tìm cách tháo gỡ, nếu việc nợ đọng là do DN thật sự khó khăn. Những DN cố tình chây ỳ sẽ bị khởi kiện. Trong quá trình khởi kiện, nếu DN đóng tiền, tổ chức công đoàn sẽ xem xét rút đơn kiện. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ phối hợp với BHXH, Cục thuế, Thanh tra nhà nước, Công an thành phố ký quy chế, kiến nghị với thành phố đưa ra cơ chế để kiểm tra, thanh tra giám sát, đi đến cùng việc khởi kiện, bảo đảm thực hiện tốt chính sách này cho NLĐ.

Điểm sáng trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Trong khi hầu hết các địa phương đang bế tắc trong việc khởi kiện DN trốn đóng, nợ đọng BHXH theo luật định, thì ở một số nơi, công đoàn các cấp đã triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng: Việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật về BHXH nói riêng, các chế độ chính sách cho NLĐ nói chung, là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của cấp ủy địa phương, ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Do đó, quá trình khởi kiện, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng luôn xác định phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ cấp thành phố đến cơ sở. Để việc khởi kiện bảo đảm thành công, cấp thực hiện khởi kiện phải là Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố hoặc công đoàn cấp trên cơ sở.

Đứng trước mỗi vụ việc, Ban Chính sách - pháp luật của LĐLĐ TP Đà Nẵng tập trung nghiên cứu, thẩm định các hồ sơ, quy định một cách cẩn trọng, với quan điểm "đã khởi kiện thì phải thắng. Việc lựa chọn cán bộ tham gia quá trình khởi kiện cũng được LĐLĐ lựa chọn kỹ càng, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Sau khi thẩm tra nội dung, xác minh chứng cứ, phân tích các điều kiện khởi kiện, LĐLĐ thành phố làm văn bản báo cáo cấp ủy địa phương hoặc Thành ủy Đà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo. Sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương là một trong những điều kiện quan trọng dẫn đến thành công khi xử lý các vụ việc tranh chấp. Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ TP Đà Nẵng đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện, thực hiện công tác tố tụng, tranh tụng tại tòa án 38 vụ chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm, trong đó, riêng năm 2016 chiếm đến 50% số vụ. Nhiều vụ thành công, mang lại quyền lợi thiết thực và đúng luật cho NLĐ, tổng số tiền thu hồi hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành, việc khởi kiện được giao cho tổ chức công đoàn thì lại gặp nhiều khó khăn.

Cần sự thống nhất giữa các luật

Theo báo cáo từ BHXH Việt Nam, mặc dù cơ quan BHXH đã tập hợp, cung cấp gần 1.887 hồ sơ về DN nợ đóng BHXH cho tổ chức công đoàn để khởi kiện, nhưng đến nay công đoàn mới khởi kiện gần 100 trường hợp. Đáng chú ý là khá nhiều đơn kiện trong số này không được tòa án thụ lý với một số lý do như: không thuộc thẩm quyền giải quyết; đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết cấp chủ tịch UBND cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của NLĐ cho tổ chức công đoàn… Theo các chuyên gia, những vướng mắc chủ yếu xuất phát từ sự không đồng bộ giữa Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Sự không thống nhất giữa các luật đã khiến việc công đoàn thay mặt NLĐ đòi quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trở thành một việc làm khó khăn, thậm chí bế tắc. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, các tranh chấp về lao động giữa cá nhân, NLĐ với chủ sử dụng lao động liên quan vấn đề BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được giải quyết bằng những vụ án lao động, mà những vụ án lao động lại không liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động là vụ án dân sự.

Nhằm tháo gỡ vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đề xuất, Điều 14, Luật BHXH năm 2014 cần phải được sửa theo hướng quy định rõ: Công đoàn cấp trên được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH, không cần NLĐ ủy quyền. Bên cạnh sự thống nhất đồng bộ các điều khoản liên quan tại Luật BHXH, Bộ luật Tố tụng dân sự, Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề theo hướng đó… Một hướng đề xuất nữa là cơ quan BHXH sẽ vừa thanh tra vừa có quyền khởi kiện DN. Để thực hiện theo hướng này, phải sửa Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội về việc sửa Luật BHXH và giao quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH. BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm bảo đảm quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của Nhà nước và cả xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32931002-no-luc-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong.html