Nỗ lực tuyên truyền phòng cháy chữa cháy

(VEN) - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và vận động phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở, DN nên ý thức, kiến thức PCCC của người lao động đã được nâng lên rõ rệt.

Số vụ cháy do người lao động bất cẩn gây ra trong những năm trước đây chiếm khoảng 55% thì đến nay chỉ còn khoảng 30%. Số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng đã được kiềm chế ở mức 3% một năm. Thực hiện xã hội hóa thông tin, tuyên truyền trong công tác PCCC tại các DN là một phần việc quan trọng trong mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Họ đã tham mưu, đề xuất Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền PCCC; trực tiếp xây dựng các tài liệu chuyên đề, in và phát hành hàng ngàn khuyến cáo, sách, tờ rơi, tranh ảnh về PCCC cung cấp cho các DN tuyên truyền tại cơ sở; tập trung mở những đợt cao điểm tuyên truyền đậm nét về PCCC trong Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCC, dịp “Ngày toàn dân PCCC”, dịp mùa hanh khô và Tết nguyên đán, thời gian mà các DN gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất năm. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã trực tiếp triển khai nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở với những hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức thi tìm hiểu về PCCC và bảo hiểm cháy nổ, tổ chức hội thảo kỹ thuật an toàn PCCC các ngành, tổ chức tuyên truyền trực quan về PCCC, thi tìm hiểu đề tài PCCC, Luật PCCC. Tiêu biểu như năm 2006, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chương trình hướng dẫn nhân dân tìm hiểu, học tập nâng cao ý thức, kiến thức PCCC. Đây là sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát PCCC trong việc đầu tư kinh phí, thời gian và công sức với 21 hoạt động PCCC được mô phỏng với các mô hình nhà ở, nơi làm việc, PCCC trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; mô hình thực tập thoát nạn và cứu người bị kẹt trong đám cháy nhà cao tầng, thoát nạn khi có khói, khí độc… Chương trình đã thu hút hàng ngàn người tham quan tìm hiểu và thực hành, trong đó chủ yếu là cán bộ công nhân và người lao động tại các DN có nhiều nguy hiểm cháy nổ đóng trên địa bàn Hà Nội. Năm 2009, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường, Bộ Công Thương tổ chức lễ tôn vinh 86 đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC trong ngành công thương. Thông qua hoạt động này đã động viên khuyến khích các DN tích cực phần đấu thực hiện tốt công tác PCCC tự bảo vệ mình, góp phần đảm bảo an toàn lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bền vững. Đặc biệt, từ thực tế công tác PCCC, cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng đã tham mưu, đề xuất Giám đốc Công an thành phố có kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng và công an các quận, huyện khảo sát xây dựng các cụm cơ quan, DN an toàn PCCC. Các DN trong cụm sẽ thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, kiến thức PCCC cho CBCNV, đồng thời chăm lo, củng cố xây dựng lực lượng PCCC. Hiện trên địa bàn thành phố đã có tổng số 8 cụm cơ quan, DN an toàn PCCC với 94 đơn vị tham gia hoạt động tích cực, hiệu quả, không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Mô hình cũng đã được nhân rộng ra nhiều địa phương như Nam Định, Tiền Giang… Đến nay Cảnh sát PCCC và CNCH cả nước đã xây dựng được 44.582 đội PCCC cơ sở với 369.621 đội viên làm nòng cốt trong phong trào PCCC ở cơ sở. Trong thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cả nước đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và đăng phát 1.276 tin, bài, giúp các DN tổ chức được 2.902 buổi nói chuyện tuyên truyền về PCCC, thu hút 136.737 người dự nghe, mở được 3.271 lớp huấn luyện, với 117.720 người tham gia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và vận động phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở, DN nên ý thức, kiến thức PCCC của người lao động đã được nâng lên rõ rệt. Số vụ cháy do người lao động bất cẩn gây ra trong những năm trước đây chiếm khoảng 55% thì đến nay chỉ còn khoảng 30%. Đặc biệt, số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đã được kiềm chế ở mức 3% một năm. Lực lượng PCCC cơ sở hoạt động có hiệu quả, đã phát hiện và tổ chức dập tắt ngay từ khi mới phát sinh khoảng 60% số vụ cháy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, lãnh đạo cơ sở chưa quan tâm đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC cho người lao động, sợ ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh phí huấn luyện, phương tiện huấn luyện… Về phía người lao động chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc PCCC nên chủ quan, coi công tác PCCC là của lực lượng cảnh sát PCCC, của chủ cơ sở. Do đó, số vụ cháy do sơ suất, bất cần, vi phạm các quy định an toàn PCCC còn chiếm tỷ lệ cao, thiệt hại về người và tài sản do cháy tại các DN còn nghiêm trọng. Do vậy, trong thời gian tới để việc thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền tại các DN đạt hiệu quả hơn, lực lượng cảnh sát PCCC cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới giáo trình huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo hướng chuyên sâu đối với từng đối tượng huấn luyện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tuyên truyền PCCC để việc thực hiện công tác này trở thành nề nếp. Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về an toàn lao động và PCCC làm nòng cốt trong phong trào PCCC tại cơ sở. Đảm bảo định kỳ cung cấp thông tin với những nội dung phù hợp với trình độ, nhận thức của người lao động và đặc thù của DN; thường xuyên cải tiến các hình thức tuyên truyền cho đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của DN…/. Quỳnh Nga

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/17639/seo/no-luc-tuyen-truyen-phong-chay-chua-chay/language/vi-vn/default.aspx