Nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ an cư” cho công nhân

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với công nhân lao động (CNLĐ) các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ dành khoảng 700 tỷ đồng để đồng hành cùng thành phố xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Thông tin này đã làm nức lòng nhiều người, nhất là công nhân lao động ngoại tỉnh.

Nhà ở mối lo hàng đầu

Nói tới những vấn đề thiết yếu, đáng quan tâm trong đời sống của CNLĐ, nhất là CNLĐ ngoại tỉnh thì nhà ở chính là mối quan tâm hàng đầu, bởi có an cư, mới lạc nghiệp. Những năm qua, tuy việc xây dựng nhà ở cho công nhân đã được thành phố Hà Nội quan tâm song nhìn chung, số lượng nhà ở cho công nhân trên địa bàn thành phố còn chưa nhiều. Nhà ở vẫn là vấn đề bức xúc của CNLĐ tại các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) với khoảng 90% công nhân phải thuê.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường và Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến thăm nhà ở CNLĐ tại KCN Bắc Thăng Long (Ảnh: Lan Ngọc)

Phản ánh tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với CNLĐ các KCN&CX Hà Nội được tổ chức mới đây, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết: Hầu hết CNLĐ trong khu công nghiệp và chế xuất đều là người ở ngoại tỉnh nên nhà ở đang là vấn đề quan tâm lớn đối với họ.

Tuy nhiên, tại một số KCN chưa bố trí được quỹ đất xây nhà ở cho công nhân; hoặc có những dự án đang được triển khai xây dựng chẳng hạn dự án nhà ở Bambo Tre Xanh gần KCN Thạch Thất- Quốc Oai đang hoàn thiện, nhưng giá thành quá cao, lãi suất vay ngân hàng cũng cao khiến CNLĐ không thể tiếp cận được, từ đó gây lãng phí nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp.

Cùng với chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân, UBND TP. Hà Nội còn yêu cầu các KCN đã có quy hoạch cần phải đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhà văn hóa đồng bộ với xây dựng khu nhà ở công nhân để bảo đảm sinh hoạt cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp đang điều chỉnh quy hoạch, cần bổ sung, bố trí đủ trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa cũng như các công trình văn hóa thể thao phục vụ cho công nhân khu công nghiệp theo quy định. Mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2018, TP sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tương tự, bà Bùi Thị Hương, đại diện Công ty Yamaha (KCN Nội Bài) cũng phản ánh, do phần lớn các CNLĐ trong các KCN&CX Hà Nội là người ngoại tỉnh nên nhà ở luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của họ. Công nhân Hà Nội rất mong sớm được hỗ trợ cho công nhân mua, thuê nhà giá rẻ giống như căn hộ 100 triệu đồng tại các tỉnh Bình Dương.

Trong khi đó, theo bảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của CNLĐ trước khi diễn ra buổi đối thoại qua LĐLĐ Thành phố, CNLĐ của nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Cannon Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội, Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam cũng đề xuất đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho CNLĐ, giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại, tiết kiệm được thời gian và có điều kiện gặp gỡ giao lưu tìm kiếm bạn đời, hạn chế tệ nạn xã hội.

Những kiến nghị đề xuất nêu trên cho thấy, nhà ở đã, đang và luôn luôn là mối lo lắng, quan tâm hàng đầu của CNLĐ. Theo khảo sát của CĐ các KCX&KCN Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 8 KCN đang hoạt động với hơn 144.000 lao động. Trong số này, gần 70% là lao động nhập cư, phải thuê nhà ở.

Tiền thuê nhà ở của công nhân dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng, trang thiết bị đi kèm gần như không có gì. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội cho hay, trước đây thành phố cũng đã thí điểm xây nhà cho công nhân độc thân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Tuy nhiên, do thiết kế chỉ dành cho các CNLĐ độc thân nên đến nay khu nhà ở đó không còn phù hợp, bởi các công nhân đều xây dựng gia đình và có con cái.

"Trước những bức xúc của người lao động, chúng tôi đã kiến nghị thành phố nên xây dựng nhà ở cho công nhân giống như mô hình nhà ở xã hội. Theo đó, mỗi KCN&KCX dành 20.000 - 30.000 m2 để xây nhà cho công nhân. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế tại các KCX&KCN, nhất là nhà ở là mong mỏi rất lớn của CNLĐ trong hàng chục năm nay. Chúng tôi mong muốn đề án xây nhà giá rẻ cho công nhân sớm được triển khai, để người lao động được hưởng thụ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước”- ông Đinh Quốc Toản nói.

Giấc mơ an cư sẽ thành hiện thực

Chia sẻ với những khó khăn trong đời sống công nhân, nhất là khó khăn về nhà ở, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và song số lượng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của CNLĐ. Để tiếp tục giải quyết những bức xúc về nhu cầu chỗ ở của CNLĐ tại các KCN ,lãnh đạo UBND thành phố đã làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam hứa dành khoảng 700 tỷ đồng cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.

Chủ trương của Thành phố Hà Nội là sẽ phối hợp cùng với Tổng LĐLĐ Việt Nam theo phương thức: địa phương, Ban Quản lý KCN bảo đảm quỹ đất sạch, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng chung cư với các căn hộ có diện tích 30-50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m; đảm bảo người lao động tại các KCN có thể sở hữu căn hộ với số tiền chỉ từ 150 triệu đồng trở lên, đi kèm với đó sẽ có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân.

Thông tin sắp có nhà giá rẻ đã làm nức lòng CNLĐ. Chị Nguyễn Thu Hà , công nhân KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là người ở xa tới đây làm công nhân. Tổng lương hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ vào khoảng 14 - 15 triệu đồng. Việc thuê trọ, gửi con nhỏ nhiều khi rất vất vả, tốn kém. Chúng tôi rất phấn khởi trước chủ trương của TP. Hà Nội trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân. Nếu điều được thực hiện thì đây sẽ là cơ hội để công nhân tại các KCN có thể ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất”.

Công nhân Nguyễn Thị Hường- KCN Bắc Thăng Long thì bộc bạch: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân trong KCN Bắc Thăng Long, với mức tổng thunhaapj khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi thường phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ các khoản sinh hoạt phí, trả tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ… Thú thực chúng tôi chưa bao giờ dám mơ sẽ mua được một căn nhà. Nếu được hỗ trợ mua nhà giá rẻ, chúng tôi không còn canh cánh nỗi lo nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ nọ, tìm nơi gửi con. Lúc đó, người lao động mới có thể yên tâm an cư, lạc nghiệp”.

Được biết, hiện nay, thành phố Hà Nội đang giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân. Với KCN Quang Minh I, Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư KCN điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp sử dụng 41 ha tại xã Kim Hoa, thị trấn Chi Đông (thuộc phần diện tích 63 ha đất quy hoạch KCN Quang Minh mở rộng) tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân lao động trong khu công nghiệp.

Với KCN Quang Minh II, Thành phố đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp tạo quỹ đất (khoảng 14 ha) dành cho xây dựng nhà ở công nhân và giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc hướng dẫn Công ty TNHH đầu tư Hợp Quần điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp nhằm phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch phân khu.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-cho-cong-nhan-54400.html