Nỗ lực hạ nhiệt 'bầu khí nóng'

Thủ tướng Iraq H.Abadi vừa kết thúc chuyến thăm nhằm hàn gắn mối quan hệ với A-rập Xê-út và thúc đẩy hợp tác với Iran và Kuwait. Diễn ra trong bối cảnh “sóng ngầm” làm rạn nứt quan hệ giữa Qatar với các quốc gia vùng Vịnh, chuyến công du của nhà lãnh đạo Iraq không chỉ mở rộng cánh cửa hợp tác, ủng hộ đối với Baghdad trong cuộc chiến chống khủng bố, mà còn là động thái tích cực trong bức tranh ngoại giao mầu xám ở khu vực.

Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Iraq H.Abadi là A-rập Xê-út, đánh dấu việc làm ấm lại quan hệ từng lạnh nhạt giữa hai nước. Quan hệ giữa A-rập Xê-út và Iraq đã từng bước khôi phục sau khi Riyadh cử Đại sứ trở lại Baghdad năm 2016 sau hơn một phần tư thế kỷ hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm A-rập Xê-út lần đầu của Thủ tướng Abadi, hai bên đã cùng đưa ra những nhận định tích cực về quan hệ song phương. Đó là sự thay đổi về chất trong quan hệ giữa hai nước sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Abadi và Quốc vương A-rập Xê-út Salman. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết khai phá các cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế, tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành trong khu vực.

Trong khi đó, tại các cuộc tiếp Thủ tướng Iraq, giới chức cấp cao Iran ca ngợi những thành tựu của Baghdad trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhà lãnh đạo Iraq khẳng định cần sự hỗ trợ của Iran trong cuộc chiến chống khủng bố và tái thiết đất nước. Dù không phải là mục đích chính của chuyến thăm, song nhà lãnh đạo Iraq cũng đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Iran biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Iran với A-rập Xê-út. Iraq hiện cần sự ủng hộ của cả Iran và A-rập Xê-út trong bối cảnh quân đội Iraq huy động tổng lực nhằm giành lại thành phố Mosul, thành trì cuối cùng của IS ở Iraq. Iran còn là đối tác kinh tế quan trọng của Iraq, nhất là tại thời điểm Iraq đang nỗ lực tái thiết đất nước sau chiến tranh. Năm 2013, Iran đã ký hai hợp đồng xuất khẩu khí đốt, tới thủ đô Baghdad và thành phố miền nam Basra của Iraq, tuy nhiên chưa thể thực hiện do an ninh bất ổn ở Iraq. Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Abadi, Thứ trưởng Dầu mỏ Iran A.Da-ma-ni-ni-a thông báo, dòng chảy khí đốt giữa hai nước được khai thông sau nhiều năm trì hoãn, cho thấy những tín hiệu tốt đẹp trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai quốc gia láng giềng.

Chính phủ Iraq đang nỗ lực vượt qua những bất đồng và phức tạp tồn tại trong quan hệ với các nước trong khu vực, thu hút họ vào cuộc tái thiết đất nước cũng như thúc đẩy hợp tác với Baghdad chống khủng bố. Việc lần lượt các thành phố chiến lược của Iraq được giải phóng khỏi IS cho thấy Baghdad đã đạt được những bước tiến quan trọng trên mặt trận gian nan này. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Abadi còn phải đối mặt không ít thách thức, khi IS vẫn là mối đe dọa đối với an ninh và đất nước Iraq bị tàn phá nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh, xung đột. Việc tái định cư cho người tị nạn Iraq ở những khu vực thoát khỏi IS đang là bài toán nan giải. Cuộc chiến khốc liệt nhằm “xóa sổ” IS ở Mô-xun đã khiến hơn 100 nghìn dân thường, trong đó một nửa là trẻ em, mắc kẹt tại các khu nhà cũ nát không có thực phẩm, nước uống, thuốc men và điện sinh hoạt. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn năm triệu trẻ em Iraq cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Trong bối cảnh tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông diễn biến phức tạp và cuộc chiến chống IS còn gian nan, một mình Iraq không thể “diệt tận gốc” tổ chức khủng bố nguy hiểm này. Sự phối hợp với các quốc gia như A-rập Xê-út và Iran là cần thiết, nhằm đem lại ổn định chung cho khu vực. Những “cái bắt tay” hợp tác của Iraq với các nước trong khu vực là xu thế tích cực, phần nào làm dịu “bầu khí nóng”, trong thời điểm chưa có giải pháp “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/33245802-no-luc-ha-nhiet-%e2%80%9cbau-khi-nong%e2%80%9d.html