Nỗ lực gây dựng niềm tin

Luôn gần gũi quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động - đó là những điều mà không ít cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) ở Hà Nội đang thực hiện để gây dựng niềm tin và để công đoàn thật sự là điểm tựa vững chắc cho người lao động.

Từ gương Chủ tịch CĐ điển hình

Nói tới những gương mặt cán bộ CĐCS tiêu biểu của Công đoàn (CĐ) các Khu Công nghiệp - Chế xuất Hà Nội (KCN- CX), không thể không nhắc tới Chủ tịch CĐ Cty TNHH Điện tử ASTI (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Đức Nhân. Ngay từ khi CĐCS Công ty được thành lập (năm 2008), Nguyễn Đức Nhân đã hăng hái tham gia BCH CĐ lâm thời với mong muốn đóng góp công sức của mình cùng CĐCS chăm lo người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

CNLĐ tham gia thi kéo co trong Ngày hội văn hóa thể thao ASTI năm 2017.

Cũng ngay trong thời gian hoạt động lâm thời này, dù kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động còn chưa nhiều, nhưng BCH CĐCS trong đó ông Nguyễn Đức Nhân là Phó Chủ tịch cũng đã kịp thời giải quyết được một vụ đình công tự phát.

Ông Nguyễn Đức Nhân nhớ lại: Năm 2008, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Một nhóm công nhân đã đình công tự phát, sau đó tiếp tục lôi kéo, dọa nạt ngăn cho các công nhân khác không được vào xưởng. Ngay khi biết thông tin, BCH CĐ đã nhanh chóng gặp gỡ, lắng nghe và tập hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của công nhân báo cáo với Ban Giám đốc.

Có thể nói, những nỗ lực, những cống hiến thầm lặng của các cán bộ CĐCS như đã nói ở trên đang giúp cho vai trò, vị thế của tổ chức CĐ Thủ đô ngày càng được khẳng định, niềm tin của người lao động vào tổ chức CĐ ngày càng được nâng cao.

Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất để cuốn hút ngày càng nhiều người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ.

Bằng sự đàm phán kiên trì, có lý, có tình của CĐ, phần lớn những kiến nghị của công nhân đã được Ban Giám đốc công ty giải quyết thỏa đáng, công nhân trở lại làm việc bình thường. Sau lần đó, vai trò của CĐCS trong doanh nghiệp được khẳng định, uy tín của các cán bộ CĐ với CNLĐ được nâng cao. Tại đại hội CĐCS lần thứ nhất năm 2009, ông Nguyễn Đức Nhân được đoàn viên CĐ, CNLĐ tín nhiệm bầu là Chủ tịch CĐCS.

Từ khi chính thức trở thành Chủ tịch CĐ đến nay, dù công việc chuyên môn bận rộn, ông Nhân cùng BCH CĐ và các tổ trưởng CĐ vẫn dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò với công nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. CĐ còn lập hòm thư góp ý để mọi công nhân đều có thể bày tỏ những ý kiến, kiến nghị của mình và đích thân Chủ tịch CĐ luôn sẵn sàng lắng nghe những cuộc điện thoại trình bày những kiến nghị, bức xúc của công nhân.

Theo ông Nhân, gần gũi, sâu sát với công nhân giúp cán bộ CĐ không chỉ nắm được những vấn đề “nổi cộm” trong đời sống công nhân, từ đó có căn cứ thực tế để đàm phán, thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các chế độ lương, thưởng, phúc lợi hợp lý cho công nhân mà còn có thể nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của công nhân để kịp thời giải quyết, ngăn ngừa những mầm mống gây tranh chấp lao động, nếu có.

Có lẽ vì vậy mà quá trình thương lượng xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, đàm phán về lương thưởng, các chế độ phúc lợi chăm lo cho công nhân của CĐ với Ban Giám đốc công ty luôn có sức thuyết phục, đạt thành công.

Đến không ngần ngại đấu tranh

Sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng phát triển là nhiệm vụ quan trọng của CĐCS. Tuy nhiên, trong bối cảnh những vi phạm về chế độ chính sách đối với người lao động vẫn còn phổ biến ở không ít doanh nghiệp thì việc cán bộ CĐCS phải mạnh dạn, không ngần ngại đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là điều vô cùng cần thiết. Làm được như vậy, CĐCS mới thực sự phát huy được vai trò đại diện, tạo được niềm tin nơi NLĐ.

Ông Trương Công Nam - Chủ tịch CĐ Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Hà Nội (Jal) chia sẻ, ban đầu người lao động không tin CĐ Văn phòng dám đứng lên bảo vệ cho họ. Do vậy, CĐ Jal tại Hà Nội chú trọng trao đổi thông tin với người lao động thông qua mạng lưới công nghệ thông tin để thông báo minh bạch về tình hình hoạt động của văn phòng, những chế độ chính sách người lao động được hưởng...

Trước mỗi kỳ họp định kỳ 3 tháng 1 lần giữa lãnh đạo văn phòng và người lao động, BCH CĐ Jal tại Hà Nội đều gửi thư điện tử cho từng thành viên, hỏi xem ai có tâm tư, nguyện vọng, hay bức xúc gì.

Nếu nguyện vọng của người lao động không chính đáng, BCH CĐ Jal tại Hà Nội sẽ giải thích, còn nếu nguyện vọng của người lao động chính đáng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của lần họp đó để CĐ đại diện nêu vấn đề với phụ trách văn phòng, yêu cầu văn phòng phải giải quyết. Từ những việc làm trên, từng bước người lao động trong văn phòng có niềm tin vào tổ chức CĐ.

Còn ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch CĐ Cty TNHH MTV May mặc Việt Pacific - cho rằng, để đấu tranh cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì cán bộ CĐCS phải dũng cảm, có kiến thức pháp luật, biết điều phối các mối quan hệ và phải có kỹ năng thương thuyết trong cách giải quyết công việc hằng ngày, phải biết tạo áp lực lên người sử dụng lao động để bảo vệ các chế độ tiền lương, phụ cấp, việc trích đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.

Thực sự vì người lao động

Mặc dù còn bộn bề công việc do mới chuyển nhà máy từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đến KCN Thạch Thất - Quốc Oai, nhưng một loạt đề xuất của CĐ Công ty Cổ phần Tràng An đã được lãnh đạo Cty giải quyết, như: Mua xe ôtô đưa đón công nhân, hỗ trợ công nhân tiền gửi xe ở điểm đón công nhân; đảm bảo bữa ăn ca chất lượng, ATVSTP cho công nhân; tiền chống nóng trong thời gian từ 15/4 - 15/10; vợ chồng cùng làm Cty được bố trí làm lệch ca để có điều kiện chăm sóc cho con; bố trí chỗ cho công nhân quê ở xa có nơi ăn ở, sinh hoạt VHVN - TDTT...

Ở Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm), với mỗi công nhân gặp khó khăn, CĐ Cty đều kịp thời có mặt để chia sẻ, giúp đỡ như trường hợp công nhân Đào Văn Bắc là một ví dụ. Khi biết nhà anh Bắc bị bong tróc tường, dột nát, gia đình anh không đủ khả năng xây mới nhà, CĐ Công ty đã đề nghị lãnh đạo và CĐ cấp trên giúp đỡ.

Qua đó, LĐLĐ TP.Hà Nội và LĐLĐ huyện Gia Lâm đã hỗ trợ gia đình anh Bắc 35 triệu đồng, CNLĐ trong Cty TNHH điện Stanley Việt Nam ủng hộ 10 triệu đồng... Có thêm số tiền này, gia đình anh Bắc đã xây được nhà mới khang trang, kiên cố để yên tâm công tác.

Vai trò của CĐ Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cũng được NLĐ và lãnh đạo Công ty đánh giá cao. Ông Kitajima Yuji - Tổng Giám đốc Cty TNHH SWCC Showa Việt Nam bộc bạch: “Tôi nghĩ, ở những Cty xảy ra đình công là do không giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân đã tồn tại khá lâu. Còn ở Cty TNHH SWCC Showa Việt Nam, mọi bức xúc, kiến nghị của công nhân đều được CĐ Công ty phản ánh và lãnh đạo Cty giải quyết kịp thời nên mọi người luôn phấn khởi làm việc” - ông Kitajima Yuji chia sẻ.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-gay-dung-niem-tin-56303.html