Nỗ lực của người nghệ sĩ

Khi tuổi đã cao, không còn nhiều cơ hội ra sân khấu cống hiến cho công chúng như thời thanh xuân, Nghệ sĩ Thanh Hoa đã tạo dựng một không gian nho nhỏ để cùng giao lưu, ca hát, đàm đạo và cống hiến những bài bát mà chị đã gửi hồn mình vào đó. Thoạt đầu là phòng trà ca nhạc Aladin ở ngõ Hàng Bột. Tiếp theo là phòng trà ca nhạc Aladin 2 ở khách sạn Thắng Lợi sát mép nước Hồ Tây. Thêm nữa, một phòng trà mới ngay trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ trên đường Lý Thường Kiệt.

Những cơ sở chị xây dựng nên, không phải vì mục đích kinh doanh mà để làm sống lại không khí âm nhạc một thời nuôi sống tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam trong chặng đường cách mạng dài lâu, hào hùng của dân tộc. Chị tâm sự.

- Khi cuộc chiến không còn, lớp trẻ lớn lên cần bổ sung “ dinh dướng” tinh thần mới, trẻ trung, sôi động. Họ tiếp nhận nhạc Pop, nhạc Rock, Hip hop... là cần thiết, cần được khuyến khích. Nhưng không vì thế mà lãng quên một dòng nhạc cách mạng hào hùng. mà ta gọi là “ nhạc đỏ”, “nhạc cách mạng”, “nhạc kháng chiến”. Nhiều năm lại đây đài truyền hình mở chương trình “ Những giai điệu tự hào” khá thành công, truyền cảm hứng cho lớp trẻ hướng về tình yêu đất nước cao cả, làm nên cảm xúc nghệ thuật cho sáng tác, biểu diễn. Tôi là một nghệ sĩ, lớn lên trong cảm xúc đặc biết đó, tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của nó. Mở Phòng trà khiêm tốn, tôi muốn được góp phần mình chia sẻ với công chúng, tạo nên một không gian, một môi trường, một cơ hội cho nhiều thế hệ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa sớm bước vào con đường âm nhạc. Khi chưa đến tuổi lên mười, chị đã nhận giải nhất cuộc thi âm nhạc nhí mang tên “ Họa Mi” được tổ chức ở Thị xã Hà Đông, năm 1959. Lớn lên chị theo học tại Trường Âm nhạc Quốc gia Hà Nội, khoa Thanh nhạc. Tốt nghiệp xuất sắc, chị tham gia Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam.Từ đây, với nghệ danh Thanh Hoa, công chúng đã được thưởng thức những ca khúc một thời sôi nỏi giàu chất lãng mạn : “Tàu anh qua núi”, “Đường tàu mùa xuân” và đặc biệt là “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, một nhạc phẩm đã song hành suốt cuộc đời ca hát của nghệ sĩ Thanh Hoa.

Thanh Hoa mở phòng trà nhạc đồng quê, nhạc truyền thống, thu hút khá nhiều ca sĩ nổi tiếng, trong đó có Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Việt Hoàn...Họ tham gia cùng Thanh Hoa không vì tiền nong. Mỗi người trong số họ là giảng viên Nhạc viện Quốc gia, các trung tâm nghệ thuật, họ có nhiều sô diễn Đơn giản là họ muốn được chia sẻ ý tưởng đẹp, rất đỗi nghệ thuật của người ca sĩ “liền chị”. Đến phòng nhạc, có lẽ mỗi nhóm người theo đuổi những mục đích khác nhau. Có thể họ muốn được nghe trực tiếp nhiều lần hơn nữa nhạc phẩm của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hoàng Việt, Huy Du. Cũng có thể để tiếng hát đánh thức miền ký ức một thời sôi nổi, giàu cảm xúc. Và nhiều người Hà Nội lui tới đây, đơn giản là Phòng trà mang dáng dấp phong cách Hà Nội, kín đáo, lịch lãm, nên thơ. Năm 2013 NSND Thanh Hoa phối hợp với ngành du lịch, hoàn thành chương trình “ Âm sắc Việt Nam”. Nghệ sĩ bày tỏ:

- Bản sắc âm nhạc – văn hóa Việt được thế giới tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì chúng ta phải tìm cách để nhiều người được thưởng thức, để họ hiểu bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc, một di sản quý báu mà nhiều thế hệ người Việt đã trân trọng giữ gìn, phát huy rực rỡ giá trị của nó.

Kính Hiền

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/no-luc-cua-nguoi-nghe-si-119800