Nợ công và thông điệp căn cơ của Thủ tướng!

Khi Thủ tướng khẳng định, nợ công ở mức cao, hạn trả nợ quốc gia như “lửa cháy ngang mày”, bội chi đe dọa ngân khố; khi đại biểu Quốc hội sốt ruột vì đầu tư công không hiệu quả tại nghị trường Quốc hội, người dân vẫn đang ngóng trông một kế sách lâu dài cho ngân sách quốc gia, thì câu chuyện Thủ tướng đi công tác bằng máy bay thương mại là quyết định mang thông điệp từ Chính phủ: Hãy tiết giảm chi tiêu công! Tuy nhiên, những thông điệp dường như là chưa đủ, bởi đã đến lúc việc tiết giảm chi tiêu công phải trở thành mệnh lệnh.

Trước đó, thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công sáng 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét, cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đều mới “bắn chỉ thiên”. Vì theo ông, các báo đều nhận xét, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiều dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức, gây thất thoát lãng phí. Nhưng, lại thiếu đi phần đáng kể về thực tế hiệu quả đầu tư, như có bao nhiêu dự án có hiệu quả, bao nhiêu thua lỗ, bao nhiêu dự án cần điều tra… Có như thế mới xác định được trách nhiệm cá nhân, đại biểu này nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dẫn thông tin từ các báo cáo được gửi riêng cho các vị đại biểu Quốc hội, ông Phương nói chỉ riêng 5 dự án như Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ… đã làm “tiêu tan” trên 30 ngàn tỷ. Cụ thể hơn là dự án của Gang thép Thái Nguyên vốn đầu tư ban đầu dự kiến hơn 3 ngàn tỷ đã tăng lên 8 ngàn tỷ nhưng vẫn không hiệu quả. Báo cáo chỉ nói chung, không chỉ ra địa chỉ trách nhiệm cụ thể thì không thể tạo ra đột phá trong khắc phục, nhất là trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, đại biểu Phương nhận xét.

Còn nhớ cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ hứa trước Quốc hội rằng, phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài. Hứa là làm, chuyến bay thương mại của Thủ tướng ngày 28/10 vừa qua là một sự thể hiện thực hành lời hứa. Vì ai cũng biết sử dụng chuyên cơ rất tốn kém, tiết kiệm một chuyến công du bằng chuyên cơ là bớt được một số tiền lớn trong chi tiêu công. Đi chuyên cơ tất nhiên cần, nhưng không phải lúc nào cũng cần đi chuyên cơ. Khi nước còn nghèo, thì cất cánh một chuyến chuyên cơ đòi hỏi nhiều cân nhắc, việc cần hay không cần, tùy theo thực tế để quyết định. Chưa kể, Thủ tướng đã chỉ đạo đoàn công tác của Chính phủ đi công cán ở địa phương, tối đa chỉ 3 ôtô tháp tùng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một lựa chọn hợp lòng dân.

Nợ công ở mức cao, hạn trả nợ quốc gia như “lửa cháy ngang mày”, bội chi đe dọa ngân khố, vậy thì tiết kiệm chính là một trong những cách phải làm ngay để giảm áp lực tài chính. Dẹp tối đa hội họp, liên hoan, động thổ, khánh thành tốn kém vô lối, cắt tất cả các suất du lịch nước ngoài đội lốt công vụ, dẹp ngay lập tức tối đa xe công với bộ máy phục vụ đi kèm. Những việc đó không tốn kém một đồng xu, nhưng đem lại nhiều tiền.

Còn nữa, khi nước thiếu tiền, không việc gì phải xây tượng đài, cổng chào và các quảng trường to lớn. Công trình công cộng hoành tráng cũng cần nhưng không phải lúc này. Trụ sở để làm việc phục vụ dân không phải cung điện của vua chúa, chỉ cần đủ công năng cho việc công, không dư thừa một bóng điện, đó mới là tiết kiệm. Mua sắm lắm thiết bị hiện đại làm gì khi sản phẩm công còn lạc hậu, nước thịnh suy không phải từ đâu xa mà từ hành động tiết kiệm chi tiêu công có phù hợp và chính sách quản lý có hiệu quả hay không.

Những lời kêu gọi căn cơ không phải chỉ xuất hiện khi Thủ tướng cùng thành viên Chính phủ công du bằng máy bay thương mại. Nhưng, lựa chọn của Thủ tướng ngày 28/10 mang một thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt. Thông điệp đó cần phải trở thành một mệnh lệnh, để sẵn sàng nói không với những quyết định chi tiêu công xung đột với mong muốn của nhân dân.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/no-cong-va-thong-diep-can-co-cua-thu-tuong/