Nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nói như vậy tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 17.10, khi cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Ảnh: Q.H)

Hoạt động không hiệu quả nhưng lương lãnh đạo doanh nghiệp vẫn rất cao

Hôm nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3 - 6,5% (thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 6,7%). Tính toán sơ bộ, nếu Quý IV năm nay giữ mức tăng trưởng như Quý III (6,4%) thì cả năm 2016, tăng trưởng chỉ đạt 6,0%. Nếu tăng trưởng tương đương Quý IV năm 2015 là 7% thì cả năm 2016, mức tăng đạt 6,3%. Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì Quý IV phải tăng 7,7%. Đây đã được coi là mốc rất cao, không dễ đạt được. Còn để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%, GDP Quý IV phải tăng 8,3%.

Thẩm định báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ít có sự chuyển biến. Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.

Theo ông Thanh, một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị doanh nghiệp. Chậm cổ phần hóa, hoạt động không hiệu quả nhưng chi phí tiền lương vẫn rất cao (chủ yếu cho lãnh đạo doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, ông Thanh cho rằng, cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối như Mobiphone mua Công ty AVG, sử dụng đất tại các doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm

“Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả ước thực hiện GDP năm 2016 tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, khó đạt được. Bởi dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao là dư địa chính sách tài khóa, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút FDI tăng thì hầu hết chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể”-ông Thanh nói

Bày tỏ lo ngại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: muốn tăng trưởng 6,3-6,5% trong năm 2016 thì quý IV phải tăng 7,7%. Có đạt được không?

GDP không đạt nợ công có thể lên đến 70% GDP

Trước đề xuất nâng tỷ lệ nợ Chính phủ từ 50% lên 55% GDP, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015, đã ở mức 50,3% GDP. Chính phủ đề nghị nâng mức trần lên 55% GDP cho giai đoạn 2016-2020. Dự báo rằng nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, GDP không đạt kế hoạch nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn. Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới nợ đọng còn lớn hơn bây giờ. Nếu không làm chắc chắn thì 5 năm nữa nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy bức tranh vô cùng khó khăn từ nợ đọng cho đến công trình dở dang. Hôm nay ngồi ở đây không ai dám chắc số liệu của 5 năm tới, kể cả GDP. Một năm còn chưa chắc chắn nữa là, ngay cả năm nay chỉ còn 2 tháng nữa nhưng chúng ta cũng không chắc chắn. Cho nên kế hoạch hàng năm là thực tế, còn 5 năm là định hướng.

Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần theo Luật đầu tư công, giờ đã chậm thì không thể lùi được nữa. Chính phủ trình ra Quốc hội nên thực hiện theo đề xuất của Chính phủ. Đầu tư công 3 năm phải gắn với kế hoạch ngân sách vì kế hoạch đầu tư công ăn theo kế hoạch tài chính ngân sách. Không xây dựng được kịch bản thì không thực hiện được kế hoạch đại hội Đảng đề ra, không biết 5 năm tới sẽ đạt được cái gì?, phân bổ nguồn lực ra sao?.

Clip Phiện họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/no-chinh-phu-da-vuot-gioi-han-cho-phep-601998.bld