Nổ bóng bay: Bác sĩ mách cách sơ cứu ban đầu, ai cũng nên biết

Khi bị bỏng do nổ bóng bay nên nhanh chóng đưa nạn nhân ngâm những vùng bỏng vào nước và loại bỏ những vụn bóng bay trên người nạn nhân.

Cần làm gì khi bóng bay phát nổ

Những quả bóng bay hydro luôn là món quà yêu thích dành cho trẻ nhỏ. Có rất nhiều gia đình dù con mới sinh cũng mua bóng bay hydro thả trên trần nhà để giúp bé vui mắt. Rất ít các bậc phụ huynh biết được những quả bóng bay vô hại đó lại là món quà tiềm ẩn nguy hiểm chết người.

Mới đây, trên mạng facebook cá nhân của chị L. (Hà Nội) đăng tải hình ảnh bị bỏng nặng do chùm bóng bay dùng trang trí sự kiện của công ty phát nổ. Theo lời chia sẻ của chị L, khi cầm hơn 50 của bóng bay từ tầng 1 lên tầng 3 để trang trí thì hơn 50 quả bóng bỗng nhiên phát nổ. Tai nạn trên khiến cho chị L. bị bỏng trên diện rộng còn đồng nghiệp đi cùng bị cháy áo.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng BV Xanh Pôn cho biết, khi bị bỏng do nổ bóng bay nên nhanh chóng đưa nạn nhân ngâm những vùng bỏng vào nước và loại bỏ những vụn bóng bay trên người nạn nhân. Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, mỡ trăn… bôi lên vết bỏng. Nạn nhân ngâm nước xong cần phải cuốn một lớp gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng.

Lúc đó tuyệt đối không được cố gắng kéo các vết bỏng ra sẽ càng làm vết bỏng sâu hơn. Cần phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo có các cơ sở vật chất chuyên khoa.

Để đảm bảo an toàn, có thể không cho trẻ chơi bóng bay. Còn người lớn cầm bóng bay nên cầm 1 quả trên tay không cầm một lúc cả chùm có thể xảy ra tiếp xúc, cọ sát nên bị nổ. Không nên mang bóng bay vào nhà kín hay ô tô để tránh gây ra thảm họa.

Chị L. bị bỏng nặng do 55 quả bóng bay phát nổ bất ngờ. (Ảnh Facebook)

Bóng bơm khí Heli sẽ an toàn hơn

Lý giải về việc bóng bay tự phát nổ gây bỏng cho chị L. PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho hay: “Mọi người thường nghĩ những quả bóng bay hydro cho trẻ con chơi là vô hại. Nhưng trên thực tế những quả bóng bay này lại là nguy hiểm rình rập. Khí hydro khi kết hợp với oxy trong không khí có thể cháy tỏa nhiệt giống như khí ga và gây bỏng cho người cầm. Bỏng khi nổ khí hydro thường là bỏng nặng và trên diện rộng do khoảng cách cầm bóng thường gần người. Nếu như quả bóng lớn, số lượng bóng nhiều khi nổ nguy cơ rủi ro càng cao”.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn những quả bóng bay hydro sẽ phát nổ khi tiếp xúc với mồi lửa, tia lửa, tàn thuốc lá... Trong trường hợp không có mồi lửa thì bóng bay vẫn có thể gây cháy phát nổ nếu nồng độ tới hạn. Ở mỗi một nhiệt độ khác nhau sẽ nồng độ tới hạn khác nhau không phụ thuộc vào nhiệt độ, xác suất rơi vào đúng vào nồng độ đó có thể gây cháy.

Cảnh báo của chuyên gia hóa học: “Quả bóng hydro càng to lại càng nguy hiểm, nhất là khi phát nổ một chùm 50 quả trở lên thì có thể gây bỏng nặng”.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, rất khó có thể phòng tránh nổ bóng bay vì trong điều kiện thuận lợi gặp tia lửa điện, lửa và nồng độ tới hạn vì nó có thể nổ bất cứ lúc nào.

“Để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho trẻ con chơi bóng bay hydro. Không để những chùm bóng bay số lượng nhiều để trang trí sự kiện hay những bữa tiệc. Không để những chùm bóng to trong nhà”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, có thể dùng bóng bay trong trường hợp khi bơm vào là khí heli. Đây là loại khí an toàn không thể gây ra cháy nổ do nó là khí trơ. Tuy nhiên, loại khí này lại khá đắt tiền cho nên hầu như người bán không sử dụng.

Khí hydro thổi vào bóng bay thường được người bán sử dụng bằng nhôm phế thải. Các loại nhôm này được cho vào bình đổ nước và cho vôi vào. Phản ứng có khi bay lên chính là hydro dùng để thổi vào những quả bóng bay.

Ngọc Minh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/khoe-365/no-bong-bay-bac-si-mach-cach-so-cuu-ban-dau-ai-cung-nen-biet-2017022811422693.htm