Nissan X-Trail: Kẻ đến sau đầy thách thức

Doanh số Nissan X-Trail đang sụt giảm, nhưng không có nghĩa phong độ của chiếc crossover này cũng giảm theo, đây vẫn là mẫu xe đầy thách thức các đối thủ khác trong phân khúc.

Tháng 4/2017, chỉ có 70 chiếc Nissan X-Trail tới tay khách hàng, sự sụt giảm khiến toàn thị trường ô tô phải chú ý. Đáng chú ý bởi, trong 5 tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt, mẫu xe này đạt doanh số gần 1.200 xe, và trong 3 tháng đầu năm 2017, X-Trail cũng bán được tới 1012 xe.

Công bằng mà nói, sự sụt giảm doanh số của X-Trail đến từ nhiều yếu tố, nhưng cái chất mà mẫu xe này mang tới cho dòng crossover tại Việt Nam thì vẫn còn nguyên, khiến người dùng có thêm sự lựa chọn hấp dẫn, trong bối cảnh 2 cái tên Mazda CX-5 và Honda CR-V đã trở nên quá quen thuộc.

Trên thế giới, X-Trail là mẫu xe khá quen thuộc, thậm chí nó còn được chọn là chiếc crossover được yêu thích nhất trên thế giới năm 2016. Tuy vậy, tại Việt Nam, cuối năm 2016, X-Trail mới chính thức được Nissan đưa về, lắp ráp trong nước.

Về thiết kế, X-Trail tuy gạt bỏ những đường nét vuông vắn khô cứng, để trở nên cong và mềm mại hơn, nhưng vẫn giữ lại nét nam tính và chất SUV. So với đối thủ cùng phân khúc, X-Trail cứng cáp và mạnh mẽ hơn và có chất SUV nhiều nhất. Chính vì thiết kế này, nhiều người sẽ cảm thấy X-Trail thiếu đi chất thời trang, nhưng số khác lại cảm thấy đây là mẫu xe gần gũi và thân thiện nhất.

Thiết kế đậm chất SUV của X-Trail còn mang lại lợi ích khác, đó là không gian bên trong xe. Một chiếc xe đa dụng cần nhất là không gian rộng rãi thoáng đãng, và X-Trail sở hữu điều này nhiều hơn cả trong phân khúc. Không gian bên trong có phần khá đơn giản, bù lại là sự rộng rãi ở mọi vị trí ngồi, dù là ghế lái, ghế phụ, hàng ghế thứ 2 hay cả hàng ghế thứ 3.

Hàng ghế thứ 3 là ưu điểm vượt trội mà X-Trail sở hữu so với các đối thủ, nó có thể gập gọn khiến không gian để đồ được tối ưu, đồng thời hoàn toàn có thể sử dụng làm ghế hành khách cho trẻ em hoặc những người có vóc dáng nhỏ nhắn. Tất nhiên vì là mẫu xe crossover 5+2, nên không thể đòi hỏi hàng ghế thứ 3 rộng rãi như một chiếc SUV 7 chỗ, nhưng sẽ có lúc người dùng cảm thấy nó là vật cứu tinh trong những tình huống cần chở đông người. Thiết kế 5+2 không phải là duy nhất trên thị trường crossover Việt, tuy nhiên X-Trail lại là cái tên nổi bật nhất, vì vậy nó được kỳ vọng sẽ đương đầu tốt với 2 ông lớn trong phân khúc là CX-5 và CR-V.

Bước vào vị trí lái, cách bài trí các nút bấm từ vô lăng tới màn hình trung tâm hay các nút bấm đều đơn giản và thuận tiện, không hoa mỹ và cầu kỳ. Chính vì thế, người viết không mất quá nhiều thời gian để làm quen với tất cả các nút bấm bên trong xe và sử dụng thuần thục, vị trí các nút bấm đều rất thuận tiện ở vị trí lái, một ưu điểm hấp dẫn cho một chiếc crossover. Điểm danh qua, bên trong xe có điều hòa tự động 2 vùng độc lập, cửa gió cho hàng ghế phía sau, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, màn hình cảm ứng 6,5 inch cùng đầy đủ các kết nối âm thanh cần thiết. Phiên bản 2.0 SL và 2.5 SV còn sở hữu thêm cửa sổ trời toàn cảnh.

Nhìn chung nói về trang bị trên xe thì X-Trail có phần vượt trội so với các đối thủ trong phân khúc. Đèn pha LED tự động cân bằng góc chiếu, chìa khóa thông minh, cửa sau có cảm biến đóng mở hữu ích, camera lùi, camera 360 độ xung quanh xe...

Rõ ràng, đừng nhìn mặt mà bắt hình dong. Đối với X-Trail, dù vóc dáng vẫn có phần”nông dân” so với các đối thủ bóng bẩy và thời trang, nhưng những trang bị bên trong chiếc xe là đủ hiện đại và hữu ích để khiến các đối thủ phải e dè phần nào.

Đối với những người thích lái xe, thì X-Trail không chỉ có sự rộng rãi và công nghệ, mà cảm giác lái còn là thứ thú vị hơn nhiều. Bản cao cấp nhất của X-Trail tại Việt Nam sở hữu động cơ 2.5 lít, đi kèm là hộp số vô cấp điện tử Xtronic – CVT. Hộp số vô cấp ngày càng chứng minh được hiệu quả của mình trên nhiều mẫu xe, kể cả những dòng xe tương đối lớn như X-Trail, trong khi động cơ 2.5 lít có lẽ là hơi thiếu 1 chút cho những tay lái đam mê tốc độ, cho dù nó thừa sức đảm nhận những yêu cầu từ người lái.

X-Trail mang lại cảm giác lái điểm tĩnh và yên tâm cho người cầm lái, thứ quý giá trên mọi chiếc xe. Xe tăng tốc không quá bốc nếu chạy ở vị trí D thông thường, hộp số CVT điều chỉnh nhịp nhàng khiến xe luôn hoạt động êm ái và tăng tốc không đột ngột, khiến người ngồi trên xe có cảm giác thoải mái và an tâm. Nếu muốn cảm giác thể thao hơn, người lái có thể sử dụng chế độ số tay 7 cấp, đẩy vòng tua lên cao trước khi lên số, và chiếc xe sẽ tăng tốc tốt hơn. Xe đủ đầm chắc để chạy trên đường cao tốc với tốc độ trên 120 km/h, vẫn tạo cảm giác hoàn toàn chắc chắn và an toàn.

Ưu điểm của X-Trail ở cảm giác lái không chỉ có vậy, mẫu xe này còn sở hữu độ ổn định và cân bằng đáng nể khi vào cua. Dù là ở tốc độ 50-70 km/h, chiếc xe vẫn ôm sát đường và những người ngồi trong xe đều giữ được cảm giác an tâm. Có được điều này là nhờ vào những công nghệ hỗ trợ lái như hệ thống cân bằng điện tử VDC, phanh chủ động hạn chế trượt ABLS, kiểm soát độ bám đường TCS, kiểm soát lái chủ động (ARC), phanh động cơ chủ động (AEB), kiểm soát vào cua chủ động (ATC)...

Ngoài ra, dù không phải là mẫu xe chuyên sử dụng để offroad, nhưng dẫn động 4 bánh trên phiên bản cao cấp nhất cùng hệ thống điều khiển cầu điện tử 4x4-i giúp cho X-Trail cũng có khả năng vượt nhiều địa hình khó (đường ướt, đường trơn trượt, đường cát, đường sỏi đá) tương đối tốt. Nếu sử dụng bộ lốp offroad cùng kỹ năng lái offroad tử người cầm lái, X-Trail hoàn toàn có thê vượt qua những con đường mà nhiều đối thủ trong phân khúc phải lắc đầu bó tay.

Với hàng loạt những ưu điểm kể trên, Nissan X-Trail rõ ràng có thể tự tin để cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ mạnh nhất trong phân khúc crossover, dù còn vài nhược điểm như thiết kế kém thời trang hơn đối thủ, cách âm chưa thật sự xuất sắc và động cơ mang lại khả năng tăng tốc ở mức khá.

Tô Tùng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/danh-gia-nissan-xtrail-ke-den-sau-day-thach-thuc-1153509.tpo