Ninh Bình: Chấn chỉnh tình trạng bán thịt dê trên tuyến đường du lịch Tràng An

Là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp với nhiều lễ hội đầu xuân có quy mô lớn, Ninh Bình luôn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, Ninh Bình còn được biết đến với nhiều món ẩm thực ngon nổi tiếng, trong đó có 2 món ăn đặc sản là thịt dê, cơm cháy, thu hút khá đông khách du lịch mong muốn được thưởng thức và mua về làm quà.

Là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp với nhiều lễ hội đầu xuân có quy mô lớn, Ninh Bình luôn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, Ninh Bình còn được biết đến với nhiều món ẩm thực ngon nổi tiếng, trong đó có 2 món ăn đặc sản là thịt dê, cơm cháy, thu hút khá đông khách du lịch mong muốn được thưởng thức và mua về làm quà.

Bến thuyền khu du lịch Tràng An

Vào mùa lễ hội, lượng khách đến Ninh Bình đông hơn, đặc biệt vào những ngày thứ 7, chủ nhật, mỗi ngày có hàng trăm nghìn khách du lịch từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước về tham quan, chiêm bái, từ đó phát sinh tình trạng người dân bày bán thịt dê lưu động trên tuyến đường Tràng An, đoạn đường từ Khu du lịch sinh thái Tràng An về thành phố Ninh Bình, gây phản cảm, mất mỹ quan khu du lịch và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vào thời gian từ 10h sáng đến khoảng 15h hàng ngày – đây là thời điểm khách du lịch đông nhất, nhất là những ngày thứ 7, chủ nhật, dọc hai bên đường Tràng An, đoạn từ xã Ninh Xuân đến đoạn cầu Đen, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) dễ dàng bắt gặp hàng chục lều quán di động bày bán thịt dê, trên phản là một con dê được làm sạch và những miếng thịt được cắt bày xung quanh loang đỏ máu.

Người bán hàng thì liên tục vẫy chào, hò hét, có người bước ra hẳn phía ngoài đường mời mọc khách du lịch đi trên những chiếc xe ô tô, xe máy xuống mua thịt dê. Các lều bán thịt dê này đều được viết nguệch ngoạc vài dòng chữ: Thịt dê núi tươi chính hiệu, giá bán 350 nghìn đồng/kg.

Điều đáng nói là, các loại thực phẩm này được bày bán không có dụng cụ che đậy, không có tủ bảo quản và nhiệt độ bảo quản không đảm bảo, trong khi ngay sát cạnh đường, ô tô, xe máy đi lại rất nhanh, gây ồn và bụi bặm. Đấy là chưa kể các loại vi, sinh vật như ruồi, muỗi bâu tại các quầy hàng gây mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, việc bày bán thịt dê dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là vào thời điểm cuối tuần và thời gian cuối buổi chiều, khi khách du lịch đi tham quan, chiêm bái trở về rất dễ gây ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường từ các điểm du lịch về thành phố Ninh Bình.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, vừa qua có gần 1 nghìn kg thịt cừu có xuất xứ từ Bình Thuận được nhập về Ninh Bình, song chưa thấy nơi nào, quán nào ghi bán thịt cừu. Trước nhiều vấn đề phức tạp từ bán thịt dê tại khu du lịch, các cơ quan liên ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền và cả tịch thu, xử phạt các trường hợp vi phạm, tuy nhiên việc bán hàng vẫn tiếp diễn, gây phản cảm cho du khách.

Điều đáng nói nữa là, giá thịt dê tại các quầy hàng đều ghi giá bán 350 nghìn đồng/kg, có thể giảm xuống thấp hơn nếu khách hàng mặc cả, trong khi giá thịt dê núi chuẩn tại thị trường lên tới 400-420 nghìn đồng/kg, như vậy thịt dê được chào bán dọc đường liệu có đảm bảo về chất lượng và bán đủ số lượng?

Theo ông Bùi Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân 2017, ngành Công thương Ninh Bình đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh quy định của nhà nước về kinh doanh mặt hàng này, không để xảy ra tình trạng phản cảm trong mùa lễ hội.

Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường đã thành lập đội thanh tra lưu động thường xuyên tiến hành kiểm tra, vận động, nhắc nhở người dân, nhưng tình trạng bán hàng lưu động vẫn tiếp diễn, chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn.

Trước thực trạng trên, huyện Hoa Lư và Gia Viễn đã có kế hoạch quy hoạch diện tích đất để hình thành khu bán hàng tập trung, nhưng hiện mới đang trong quá trình cắm mốc, san lấp mặt bằng. Thiết nghĩ, các huyện và cơ quan chức năng có trách nhiệm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có một khu bán hàng tập trung, kiểm soát được chất lượng thực phẩm, vừa là nơi giới thiệu đặc sản thực phẩm của Ninh Bình, vừa quản lý được giá cả cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng, góp phần tạo nguồn thu và thúc đẩy ngành du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=34606