Niềm vui của anh trung úy giữa Trường Sa

(CATP) Lên đường làm nghĩa vụ quân sự từ năm 2003, rèn luyện trong môi trường quân đội, anh càng thêm yêu và hăng say với công việc của người lính. Vừa xong thời gian phục vụ tại ngũ, anh đăng ký thi ngay vào Học viện Phòng không - Không quân với mong ước được phục vụ lâu dài trong quân đội. Chàng trai ấy giờ là một sĩ quan ngày đêm cùng đồng đội canh giữ biển trời Tổ quốc. Anh là Lê Đình Quân (ảnh)- Đài trưởng không lưu trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

(CATP) Lên đường làm nghĩa vụ quân sự từ năm 2003, rèn luyện trong môi trường quân đội, anh càng thêm yêu và hăng say với công việc của người lính. Vừa xong thời gian phục vụ tại ngũ, anh đăng ký thi ngay vào Học viện Phòng không - Không quân với mong ước được phục vụ lâu dài trong quân đội. Chàng trai ấy giờ là một sĩ quan ngày đêm cùng đồng đội canh giữ biển trời Tổ quốc. Anh là Lê Đình Quân (ảnh)- Đài trưởng không lưu trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chàng trai ấy quê ở miền Tây. “Hai cô cháu ôm chầm lấy nhau vui mừng khôn xiết. Thấy như người thân của mình lâu ngày ở xa mới vừa gặp lại. Thấy niềm tự hào của quê hương Đồng Khởi mãi tận phương Nam hiện diện ngay trên hòn đảo giữa biển trời sóng nước. Tự hào và xúc động lắm!” - chị Võ Thị Nga, cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) Bến Tre kể lại. Quân là một trong số ít người từ miền Tây được phân công ra đảo. Sau thời gian huấn luyện tại Cam Ranh, Khánh Hòa, anh nhận nhiệm vụ ra đảo Nam Yết làm việc tại Đài quan sát không lưu.

“Công việc ở đảo vô cùng khó khăn và thời tiết rất khắc nghiệt. Nhưng lúc nào anh em ở đây cũng hăng say nhiệm vụ. Hầu hết còn rất trẻ. Mỗi người đều thấy trách nhiệm của mình. Mình tự hào vì là một người con Bến Tre tham gia trực tiếp giữ đảo” - Quân vui vẻ cho biết trong lúc vẫn đang theo dõi không lưu giữa tiếng sóng vỗ ầm ầm quanh ghềnh đá. Mải làm nhiệm vụ nên cũng không có cái nhớ nhà da diết, chỉ sợ không làm tròn công việc được giao, ảnh hưởng chung đến đồng đội.

Trung úy Quân, Đài trưởng Đài quan sát không lưu trên đảo Nam Yết bây giờ, lúc còn ở quê là đứa trẻ bán vé số. Nhà nghèo, không ruộng đất, không chút tài sản nào đáng giá, cả nhà bám víu vào đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ - chị Lê Thị Đính (Trường tiểu học Lương Qưới - Giồng Trôm). Vừa học vừa bán vé số và làm đủ mọi việc, Quân chỉ mong san sẻ chút gánh nặng với mẹ lo cho ba đang bệnh nặng và đứa em gái còn nhỏ tuổi. Nuôi ước mơ được phục vụ trong ngành công an, nhưng mải phụ mẹ kiếm sống, không có thời gian đầu tư nhiều cho việc học nên năm đó Quân đành từ bỏ hy vọng, lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau thời gian tại ngũ, anh thi vào Học viện Phòng không - Không quân. Cuối năm sau, Quân sẽ được chuyển về đất liền công tác. Khi được hỏi, nếu vì yêu cầu nhiệm vụ, anh có tiếp tục ở lại phục vụ không, Quân nói: “Vì biển trời Tổ quốc, tôi sẵn sàng!”.

Ngày 4-10-2014, Báo CATP phối hợp Sở TTTT TPHCM về xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Lê Đình Quân. Căn nhà trị giá 50 triệu đồng do Công ty Bàn Thạch hỗ trợ. Anh Lê Đình Chiến và chị Lê Thị Đính (ba mẹ Quân) đã cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ tận tình của các Mạnh Thường Quân. Dịp này, Báo Tuổi trẻ cũng tặng anh Lê Đình Chiến một chiếc xe ba gác máy trị giá 40 triệu đồng làm phương tiện mưu sinh. Cục Thuế TPHCM và Sở TTTT TPHCM cũng tặng gia đình một bộ máy vi tính có đầy đủ bàn ghế ngồi. Đây cũng là mong ước của Quân lúc còn ở quê. Khi ấy Quân ước mơ sắm được một dàn máy vi tính tặng mẹ và em gái. Nhưng công việc bán vé số không kiếm được nhiều tiền, lại phải phụ mẹ lo thuốc thang cho ba, nên Quân chỉ mua được một chiếc bàn cho mẹ ngồi soạn giáo án và em gái ngồi học. Ngay sau buổi lễ bàn giao nhà tình nghĩa, chúng tôi đã liên lạc được với trung úy, Đài trưởng Đài quan sát không lưu đảo Nam Yết Lê Đình Quân, anh rất xúc động và bày tỏ lòng biết ơn các nhà tài trợ và các cô chú ở Sở TTTT Bến Tre và Sở TTTT TPHCM, những người đã bắc nhịp cầu để gia đình anh được giúp đỡ, giúp anh yên tâm công tác. Được biết, gia đình chị Lê Thị Đính là gia đình liệt sĩ.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=526432&mod=detnews&p=