Niềm tin về những di sản giá trị nghìn đời

QĐND - Ninh Bình đang chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới, với niềm tin về những giá trị vật thể và phi vật thể nghìn đời...

Vịnh Hạ Long trên cạn

Trao đổi với chúng tôi, những người có trách nhiệm ở Ninh Bình đều khẳng định: Quyết tâm đệ trình hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể danh thắng Tràng An tới UNESCO của Ninh Bình không phải là để cho… oai. Bài học ưu tiên phát triển công nghiệp dẫn tới môi trường ô nhiễm, tài nguyên kiệt quệ ở nhiều nơi khác, không chỉ ở Việt Nam, khiến Ninh Bình phải có kế hoạch cân đối giữa những ngành công nghiệp “có khói” và những ngành công nghiệp “không khói”.

Du khách quốc tế tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: TTXVN

Theo Giám đốc Sở Văn hóa -Thể Thao và Du lịch Ninh Bình Trịnh Xuân Hồng, đây chính là sự chuyển hướng phát triển bền vững của địa phương. Sự kiện lập hồ sơ di sản quần thể danh thắng Tràng An, bao gồm khu sinh thái Tràng An, khu cố đô Hoa Lư và khu Tam Cốc -Bích Động, trình UNESCO không chỉ là cú hích lớn cho ngành du lịch, dịch vụ Ninh Bình phát triển, mà còn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản cho người dân. Di sản được giữ gìn tốt, bảo tồn và phát huy giá trị cũng là cách để tạo thêm công ăn, việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Ngành du lịch Ninh Bình đang hy vọng, đến năm 2015 có thể tạo được 10.000 việc làm trực tiếp và 20.000 việc làm gián tiếp từ ngành công nghiệp không khói này.

Trong khi đó, quần thể danh thắng Tràng An đang có nhiều điểm thuận lợi để được công nhận là di sản thế giới.

Hệ thống hang động ở quần thể danh thắng Tràng An có nét đặc biệt là bao gồm cả những hang động sống, còn gọi là những hang động đang hoạt động và những hang động hóa thạch. Phần nhiều hang động trong hệ thống hang sông ở Tam Cốc và Tràng An thường xuyên ngập nước ngay cả giữa mùa khô. Sóng ì oạp vỗ mãi lên tận trần hang, nhẫn nại ngày đêm đẽo gọt mở rộng, liên thông, kéo dài thêm hệ thống hang và tạc ghi dấu ấn của mình bằng những hình thù đẹp nao lòng. Nhờ sự bền bỉ ấy, quần thể xuyên thủy động Tràng An mới được hình thành, tạo ra chiều dài liên thông sông -động nước lên tới hơn 30km. Cảnh vật hữu tình như một kiệt tác thủy mặc không thể hoàn hảo hơn. Chẳng thế mà không ít các nhà khoa học, du khách từng thốt lên rằng, cảnh vật ở đây không khác gì một Vịnh Hạ Long trên cạn.

Quần thể danh thắng Tràng An nằm trọn trong một vòng ôm của 4 con sông. Sông Hoàng Long - “sản phẩm” của cuộc kỳ duyên hội ngộ giữa sông Lạng và sông Bôi lững lờ trôi, mở rộng vòng tay ôm toàn bộ mặt Bắc Tràng An. Dòng Hoàng Long sau khi chảy vòng hết mặt Bắc Tràng An thì nhập vào sông Đáy, cùng sông Đáy lưu luyến trôi thêm một đoạn dài bên mặt Đông Nam khu Tràng An, trước khi đổ ra biển ở Cửa Đáy thuộc địa phận huyện Kim Sơn. Đoạn còn lại của mặt Đông Nam Tràng An được bảo vệ bởi sông Chanh, vốn cũng được coi là một cánh tay của Hoàng Long nối với sông Vân. Sông Bến Đang xẻ dọc 2 dãy núi, Tam Điệp và Tràng An -Tam Cốc, khép lại cạnh phía Tây của một tứ giác văn hóa và danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam.

Bốn con sông ấy, cùng với hệ thống hang động dày đặc và những dãy núi trùng điệp vây quanh, làm nên hệ thống hào lũy thiên tạo vững chãi vô song.

Phát lộ giá trị nghìn đời

Hơn 1000 năm kể từ khi Đinh Tiên Hoàng tận dụng địa thế hiểm trở lũy núi hào sông làm nơi định đô, nhưng non nước Hoa Lư -Tràng An -Tam Cốc -Bích Động không phải chỉ gắn với lịch sử loài người, lịch sử nước Nam bằng chừng ấy thời gian. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy, cách đây 20.000 năm, người tiền sử đã biết dùng hang động ở đây làm nơi trú ngụ, trải qua cả thời kỳ đồ đá nguyên thủy tới thời đại đồ đồng, đồ sắt sau này.

Như vậy, quần thể danh thắng Tràng An không chỉ có giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất -địa mạo mà còn có giá trị lịch sử, giá trị khảo cổ học to lớn. So với phần lớn các di sản khác của thế giới, thường chỉ đáp ứng được tiêu chí về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất -địa mạo, cũng thấy dễ hiểu vì sao người Ninh Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung tin rằng, quần thể Tràng An xứng đáng được UNESCO tôn vinh là di sản của thế giới.

Dù quần thể danh thắng Tràng An có trở thành di sản thế giới hay không, chúng tôi cũng vẫn tin vào sự chuyển hướng phát triển đúng đắn của Ninh Bình. Nguồn tài nguyên hữu hình phục vụ sản xuất công nghiệp dù có dồi dào đến mấy thì cũng đến lúc phải cạn. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp sản xuất và phát triển du lịch -dịch vụ thì sẽ rất khó để bảo đảm được sự phát triển bền vững. Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói với nguồn “tài nguyên” không bao giờ cạn, nhưng nếu việc khai thác không hiệu quả, nguồn “tài nguyên” ấy sẽ “chảy” đi nơi khác.

Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 được tổ chức mới đây, ngành du lịch Ninh Bình cũng đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, yếu kém có thể ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ du khách và tìm ra nguyên nhân mấu chốt là do ý thức của một bộ phận người dân và những người tham gia làm công tác du lịch chưa cao. Đã tự “bắt” được “bệnh” cho mình, tin rằng, Ninh Bình sẽ tập trung nhiều hơn để nâng cao chất lượng phục vụ, để du khách thực sự hài lòng khi đến đây.

* Năm 2011, doanh thu từ riêng lĩnh vực du lịch của Ninh Bình đạt hơn 655 tỷ đồng, nộp ngân sách 65, 5 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2010.

* Ngành du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu doanh thu năm 2012 sẽ đạt 800 tỷ đồng và tới năm 2015 sẽ cán mốc doanh thu 1.500 tỷ đồng. Từ năm 2020, thu nhập từ du lịch chiếm 10% GDP toàn tỉnh.

Minh Thắng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/94/94/181568/Default.aspx