Niềm tin của ông

Hồi còn nhỏ, tôi rất thích vẽ tranh. Tôi vẽ bằng bút chì trên những mảnh giấy một mặt đã qua sử dụng, hoặc trên cả những tờ giấy đã chi chít chữ viết.

Thỉnh thoảng ông nội mang từ cơ quan về một vài tớ giấy bị chuột gặm xé ra từ cuốn sổ nào đó, thế là tôi nắn nót vẽ lên đó. Thỉnh thoảng tôi dùng than vẽ lên cái sân phơi của hợp tác xã vào những ngày không có thóc lúa. Tôi vẽ than lên bức tường của công ty dược phẩm ngay gần nhà... thậm chí còn vẽ ra cả đường nhựa, nơi đôi lúc mới có một cái xe đi qua.

Ảnh minh họa.

Tôi vẽ không đẹp, hầu hết các bức vẽ đều như “ngáo ộp”, chẳng ai khen tôi vẽ lấy một lần. Bọn trẻ con hàng xóm thì công nhận rằng tôi vẽ ma thì rất đẹp, nhưng vẽ người thì hơi xấu. Thế nhưng tôi lại có thú vui đó, không thể nào bỏ được. Có lần cô bạn cùng lớp đưa cho tôi cuốn lưu bút, tôi đã vẽ gần hết một nửa số trang, khi trả lại cô bạn đã khóc lóc bắt đền tôi.

Những bức vẽ của tôi chỉ có mỗi ông nội là khen đẹp. Tôi vẽ con trâu thì ông thốt lên: “Ôi, nhìn cái sừng của nó này, mới đẹp làm sao, trông chẳng khác nào cái ngà voi nhé... Bà nó ơi ra mà xem cháu nó vẽ đẹp chưa này”. Mỗi lần ông thốt lên những câu như thế là tôi vui đến sáng hôm sau.

Ông không những khen tranh tôi vẽ mà còn cầm nó đi khoe khắp xóm. Đến nhà ai ông cũng chìa bức vẽ của tôi ra mà khoe: “Cháu tôi vẽ đấy, đẹp không? Sau này nó nhất định sẽ thành họa sỹ”. Tôi lớn lên với những bức vẽ nguệch ngoạc bằng than chì, và không ngừng say mê. Lên cấp 3 tôi được cô giáo chủ nhiệm nhờ vẽ tiêu đề báo tường cho lớp, điều đó khuyến khích thêm niềm đam mê vẽ của tôi.

Khi chuẩn bị thi đại học, ông nội là người đưa tôi lên thành phố luyện thi. Bố mẹ tôi phản đối việc tôi sẽ thi vào mỹ thuật, chỉ muốn tôi thi vào sư phạm để khi ra trường sẽ dễ xin việc. Tôi cũng hoang mang không biết mình có thể thi đỗ trường mỹ thuật hay không, bởi thật ra, tranh tôi vẽ không được ai khen ngoài ông nội.

Thế nhưng ông luôn nói với tôi: “Cứ có đam mê là sẽ thành công”. Năm đó, tôi thi đỗ trường đại học mỹ thuật với số điểm sát nút. Những ngày sau đó trong suốt kỳ học, tôi mang cái giá vẽ ra bờ hồ ngồi vẽ chân dung kiếm tiền. Rồi tôi làm gia sư cho các em bé...

Ông nội cũng đã ra đi trước khi tôi trở thành họa sỹ. Nhưng tôi biết, ở nơi nào đó rất xa xôi, ông luôn tự hào rằng đứa cháu “vẽ ma thì đẹp, vẽ người thì xấu” của ông ngày nào đã trở thành một họa sỹ nổi tiếng. Trong những bức vẽ đoạt giải quốc tế, có bức tôi vẽ chân dung ông nội. Từng nếp nhăn trên khuôn mặt của ông tôi đều nhớ rõ, ánh mắt vui tươi của ông khi mang những bức vẽ của tôi đi khoe khắp xóm... Đó không chỉ là bức vẽ chân dung, mà là niềm tin của ông đã đồng hành cùng tôi năm tháng...

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/niem-tin-cua-ong-45773.html