Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Đại úy Bùi Thị Thanh

Trong số những tham luận tại hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động 'Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ' do Học viện Hậu cần tổ chức, tôi đặc biệt chú ý đến phát biểu của Đại úy Bùi Thị Thanh, cán bộ Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần.

Bùi Thị Thanh sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Năm 2005, chị về công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần. 12 năm công tác trong môi trường quân ngũ nhưng thành tích chị đạt được khiến mọi người đều ngưỡng mộ. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến năm 2016, chị đã tham gia thực hiện 6 đề tài khoa học và làm chủ nhiệm 5 đề tài khoa học; trong đó có 1 đề tài cấp tổng cục, 3 đề tài cấp học viện và 2 đề tài cấp viện.

Đại úy Bùi Thị Thanh.

Khi trình bày tham luận tại hội nghị, Đại úy Bùi Thị Thanh không kể lể thành tích dài dòng, chị đi sâu chia sẻ về quyết tâm, phương pháp, cách làm của bản thân để đạt được thành tích trong nghiên cứu khoa học. Chị tâm sự, Bác Hồ không phải là nhà khoa học, nhưng phong cách làm việc của Bác, nhất là sự khái quát của Bác về các vấn đề cuộc sống, con người và các hoạt động khác hết sức cô đọng, khái quát cao, thể hiện tầm nhìn và tư duy khoa học sâu sắc. Nói về công việc của người làm nghiên cứu khoa học, chị dẫn câu nói của Bác Hồ: “Công tác nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực đặc thù, phải kiên trì, bền bỉ, khắc phục khó khăn mới thành công”. Chính vì quán triệt kỹ vấn đề này nên ngay từ đầu năm, chị đã xây dựng kế hoạch riêng và quyết tâm thực hiện. Chị sắp xếp thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, hợp lý, không chồng chéo, ưu tiên làm trước. Thanh cho biết thêm, việc nghiên cứu khoa học phải linh hoạt, có tính kế thừa. Điều ấy có nghĩa là, người làm công tác khoa học cần xem xét thấu đáo, vận dụng kết quả nghiên cứu một cách sáng tạo vào các lĩnh vực cuộc sống và thực tiễn, giảm công lao động, chi phí thực hiện và đem lại hiệu quả tốt cho hoạt động của con người.

Khi tìm hiểu về những sản phẩm khoa học mà chị trực tiếp hoặc tham gia nghiên cứu, chúng tôi rất tâm đắc. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới đề tài: “Nghiên cứu sản xuất đồ hộp thịt ở trạm chế biến tập trung cấp sư đoàn và tương đương”. Đề tài này của chị đã đạt giải Nhì cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo khoa học cấp học viện và giải Khuyến khích Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân. Chị cho biết, trong các hoạt động diễn tập, hành quân dã ngoại dài ngày, chiến đấu, tham gia phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… thì việc bảo đảm thịt tươi sống rất khó khăn. Đối với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân hoạt động trên các tàu tuần tra, lực lượng đóng quân trên các đảo, nhà giàn thì việc bảo đảm thịt tươi sống càng khó khăn hơn nhiều. Giải quyết vấn đề này, chị đã đưa ra giải pháp sử dụng các trạm chế biến tập trung cấp sư đoàn và tương đương để tự sản xuất được đồ hộp thịt, dự trữ cho các hoạt động đặc thù. Mô hình này cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: Tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào từ chăn nuôi, chủ động được cả về số lượng và thời gian bảo đảm, kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và nhân lực của trạm chế biến…Hiện nay, đề tài này đã được ứng dụng tại Quân đoàn 3 và Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Tiếp nối thành công này, chị tiếp tục thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số loại canh ăn liền” và đang được triển khai thử nghiệm tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và khu vực 2 của Học viện Hậu cần. Canh là món không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt và của bộ đội. Sản phẩm canh ăn liền mà chị cùng các cộng sự nghiên cứu có thể sử dụng để phục vụ bộ đội trong các điều kiện bảo đảm rau xanh gặp khó khăn, hoặc trong một số hoạt động quân sự đặc biệt. Canh ăn liền có ưu điểm gọn, nhẹ, dễ vận chuyển và thuận tiện trong sử dụng; đồng thời giúp tận dụng được được sản phẩm tăng gia, nhất là nguồn rau xanh lúc chính vụ.

Cũng trong giai đoạn này, Đại úy Bùi Thị Thanh đã tham gia nghiên cứu đề tài cấp Tổng cục: “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng men ủ thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn thịt ở Sư đoàn bộ binh”. Đề tài khi được áp dụng sẽ tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các bếp ăn của bộ đội, sử dụng các chủng vi sinh có lợi, bổ sung ủ cho lợn ăn trực tiếp, không phải nấu lại như cách làm truyền thống. Do đó, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu chất đốt, nhân lực. Việc này không chỉ tạo được nguồn thịt lợn sạch cho đơn vị mà còn có tác dụng giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, giúp bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/niem-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-dai-uy-bui-thi-thanh-505697