Những vụ động vật 'tự tử hàng loạt' thương tâm nhất

Lịch sử đã từng ghi nhận không ít vụ tự tử hàng loạt của các loại động vật... khiến nhiều người thắc mắc và đau lòng.

Lịch sử đã từng ghi nhận không ít vụ 'tự tử' hàng loạt của các loại động vật... khiến nhiều người thắc mắc và đau lòng.

Hàng loạt cá voi chết ở New Zealand

Năm 2010, 61 con cá voi khổng lồ đã chết ở một bờ biển thuộc New Zealand khi chúng dạt vào bờ. Trong đợt đó, rất nhiều con cá voi đã chết khi dạt vào bờ biển nhưng nhiều con vẫn sống. Lực lượng cứu hộ đã đẩy chúng ra biển nhưng chúng lại bơi lên bờ. Một số phỏng đoán cho rằng, dòng hải lưu khó lường có thể là nguyên nhân của hiện tượng này. Song cũng không ít ý kiến lại nói đây là hiện tượng tự sát tập thể theo con đầu đàn.

Bồ nông ở Tây duyên hải của Mỹ

Năm 2009, chim bồ nông ở Tây duyên hải Mỹ đột nhiên có những hành động rất lạ. Một số con đâm vào ô tô, con thì đâm vào thuyền buồm, những con khác mất phương hướng. Hàng trăm con cuối cùng đã chết. Vì sao lại có hiện tượng trên? Các nhà khoa học chưa có lời giải chính thức nhưng họ cho rằng có thể là do một loại virus hoặc thời tiết gây ra.

Bò rơi từ vách đá ở Thụy Sỹ

Lauterbrunnen là ngôi làng rất đẹp ở dãy núi Alps. Đây cũng là nơi xảy ra hiện tượng bò chết hàng loạt hồi tháng 8/2009. 28 con bò đã chết trong vòng ba ngày vì chúng đi trên các vách đá, bị rơi xuống và chết ngay lập tức. Các nhà chức trách địa phương phải dùng trực thăng chuyển xác các con vật để khỏi ô nhiễm nguồn nước.

Chó nhảy cầu “tự tử” ở Scotland

Trong vòng 50 năm qua, khoảng 50 con chó đã nhảy xuống cầu Overtoun ở Milton, Scotland và chết. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự huyền bí của cây cầu này. Cầu Overtoun được xây dựng năm 1895, cách mặt nước hơn 15m. Điều kỳ lạ nữa là những con chó chết ở đây đều nhảy cùng một vị trí.

Chim chết hàng loạt ở Ấn Độ

Ngôi làng Jatinga ở Ấn Độ được biết đến là nơi chim thường chết hàng loạt trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Hàng trăm con chim cứ đến lúc mặt trời lặn là đâm đầu vào các tòa nhà và cây cối. Các nhà khoa học cho rằng do loài chim này thích ánh sáng song đến nay hiện tượng này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Cừu nhảy vực “tự sát”

Tại một ngôi làng ở tỉnh Van, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005, hàng trăm con cừu nhảy từ trên các vách đá xuống và chết. Con đầu tiên nhảy từ ở vách đá cao hơn 15m, sau đó 400 con khác cũng “tự tử” theo.

Hải cẩu chết hàng loạt ở Đan Mạch

Ảnh minh họa

Tháng 5/2002, một loại virus gieo rắc dịch bệnh lên các đàn hải cẩu Đan Mạch, với hàng trăm xác dạt vào bờ Biển Bắc. Phát ngôn viên của Hội bảo vệ thiên nhiên Đan Mạch cho biết, các chuyên gia tìm thấy 60 xác hải cẩu dạt vào đảo Anholt, và 25 con dạt vào bờ biển Laeso. Tại hải cảng Skagen, xác chết của hải cẩu đã làm đình trệ một số hoạt động đánh bắt, vì người dân phải dùng xuồng máy để dọn chúng đi. Một xét nghiệm ban đầu của các bác sĩ Đan Mạch cho thấy, loại virus gây dịch bệnh cho hải cẩu lúc đó cũng là loại virus năm 1988, làm gần một nửa quần thể loài sống dọc các bờ biển phía bắc Đan Mạch, Đức và Hà Lan chết trong vài tháng.

Chim cánh cụt chết hàng loạt ở Nam Cực

Đầu năm 2011, tình trạng chim cánh cụt Nam Cực chết hàng loạt được nhiếp ảnh gia Daniel J. Cox chụp lại. Nguyên nhân khiến lũ chim chết hàng loạt được cho là do biến đổi khí hậu hoặc thiếu thức ăn trầm trọng. Theo các nhà khoa học, khí hậu biến đổi đang gây ra những hậu quả khôn lường, và chim cánh cụt không phải là loài duy nhất chịu ảnh hưởng từ hiện tượng thiên nhiên này. Gấu Bắc Cực cũng là loài đang lâm vào tình trạng "khan hiếm lương thực" đến trầm trọng.

LA (St)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-vu-dong-vat-tu-tu-hang-loat-thuong-tam-nhat-148590/