Những vấp ngã của ông chủ Trung Nguyên

Trong 20 năm phát triển rực rỡ, Trung Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là thất bại trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch và bất động sản du lịch.

Ông chủ Trung Nguyên cũng có nhiều "vết xước" ở lĩnh vực du lịch, bán lẻ, bất động sản

Đi lên từ con số 0, Đặng Lê Nguyên Vũ cùng cộng sự đã gây dựng nên một Trung Nguyên lớn mạnh và được báo chí phương Tây nhắc tới với cái tên "Vua cà phê Việt". Tạp chí Forbes đã khắc họa chân dung ông Vũ như một nhân vật "zero to hero" (từ vô danh đến anh hùng).

Khởi nghiệp năm 1996, tài sản lớn nhất Đặng Lê Nguyên Vũ khi ấy chỉ là một chiếc xe đạp cọc cạch nhưng ông đã từng bước đưa Trung Nguyên chinh phục đỉnh cao.

Thành công ở gây dựng thương hiệu, chuỗi cửa hàng nhượng quyền, chinh phục thế giới, đưa cà phê của hãng phủ sóng 60 nước thế giới. Nhưng trong sự nghiệp kinh doanh, ông chủ Trung Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí trả giá bằng thất bại.

Những năm gần đây, Trung Nguyên mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như bán lẻ, du lịch, bất động sản… Cũng từ đây, Trung Nguyên lộ nhiều yếu điểm.

Riêng về lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên đã có đầu tư rất lớn nhưng chưa cho kết quả. Vào năm 2006, công ty tưng bừng khai trương hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng và kỳ vọng sẽ nâng con số này lên tới 9.500 cửa hàng trên toàn quốc, vốn đầu tư tương ứng 475 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, đây là mức đầu tư rất lớn cho một thương hiệu bán lẻ.

Mục tiêu của hệ thống các cửa hàng G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa, làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Hàng hóa đa phần là nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát...

Tuy nhiên, trước sự lớn mạnh của các hãng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, G7 Mart gần như mất tích khỏi thị trường. Năm 2010, Trung Nguyên tiếp tục thử sức trong ngành bán lẻ bằng việc hợp tác với Ministop (công ty con của Aeon Nhật Bản) mở chuỗi cửa hàng G7 - Ministop với định hướng số lượng 500 cửa hàng trong vòng 5 năm. Ministop là sự kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và tạp hóa.

Năm 2011, hai bên góp vốn thành lập Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 toàn cầu (G7 Global) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trung Nguyên lại một lần nữa thất bại với mô hình này khi hai bên chấm dứt hợp đồng. Lý do được công ty đưa ra là muốn tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là cà phê. Sau đó Ministop bắt tay với tập đoàn đồng hương Sojitz với mục tiêu xây dựng 800 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam trong 10 năm.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn đứng tên pháp luật với Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 được thành lập từ năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ rượu bia, quầy bar với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, song vẫn chưa gây được tiếng tăm trên thị trường.

Để chuyên môn hóa việc đầu tư dự án, năm 2009, Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên với vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng được thành lập với nhiệm vụ đầu tư vào các dự án cho tập đoàn.

Ngoài bán lẻ, Trung Nguyên cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch, bất động sản du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và vợ mỗi người 15%). Đây là công ty chuyên hoạt động du lịch với các thương hiệu như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long,…

Theo đó, Trung Nguyên đã liên tiếp mở các dự án lớn như Dự án Khu du lịch sinh thái-văn hóa cà phê Suối Xanh tại Buôn Ma Thuột từ năm 2009 có quy mô 45,45ha và vốn đầu tư khoảng 2.128 tỷ đồng. Cuối năm 2014, tỉnh đã xem xét việc thu hồi dự án do phía chủ đầu tư chậm trễ thực hiện.

Tương tự là Dự án đầu tư Trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp Du lịch sinh thái có quy mô 595ha, vốn đầu tư khoảng 68 tỷ đồng, nhưng đến nay sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành.

Cùng với đó là các dự án: Nhà khách Trung Nguyên được cấp phép năm 2014 với vốn đầu tư 130ha, xây dựng trên nền đất 6ha. Dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H'Lâm vốn đầu tư 82 tỷ đồng. Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur vốn đầu tư 50 tỷ đồng, quy mô 105ha.

Các dự án đều thuộc tỉnh Đắk Lắk và được cấp phép cũng như hỗ trợ nhưng phía Trung Nguyên vẫn trì trệ không hoàn thành. Sốt ruột với hàng trăm ha đất đã giao, đầu tháng 3/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk ra tối hậu thư yêu cầu phía Trung Nguyên phải hoàn thành tất cả các hạng mục xây dựng và khai thác theo từng mốc thời gian cụ thể cho từng dự án.

Dù ít nhiều gặp khó khăn, thất bại trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản hay du lịch, song hoạt động kinh doanh cốt lõi của Trung Nguyên vẫn khá tốt.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong một trả lời phỏng vấn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã cho biết, doanh thu năm 2012 của công ty đạt trên 200 triệu USD và sẽ tăng gấp đôi một năm sau đó do nhu cầu cà phê đóng gói ở ASEAN, Trung Quốc tăng mạnh. Trung Nguyên cũng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016. Năm 2014, riêng công ty mẹ đã có doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.300 tỷ. Trung Nguyên vẫn đang trên con đường chinh phục toàn cầu với mục tiêu trở thành thủ phủ cà phê, huyền thoại cà phê thế giới.

Sinh năm 1971 tại Khánh Hòa nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ lại trưởng thành tại Tây Nguyên. Xuất thân trong một gia đình nghèo nên tuy đỗ Đại học Y khoa Tây Nguyên nhưng ông Vũ lại luôn trăn trở với giấc mộng làm giàu để "đổi đời".

Ở tuổi 25, ông cùng 3 người bạn thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột. Không lâu sau đó, Trung Nguyên “viễn chinh” tới thị trường Long Xuyên, TP HCM nhưng sớm nếm thất bại dẫn đến cạn kiệt vốn liếng.

Để tiếp tục có tiền kinh doanh, ông từng phải mượn chiếc xe máy của người bán để bán đi lấy vốn. Ông Vũ cũng đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi bí quyết rang xay cà phê ngon. Tháng 8/1998, Trung Nguyên khai trương quán cà phê đầu tiên tại TP HCM. Ngay khi đó, ông Vũ đã tỏ ra là người biết cách làm quảng cáo khi quán phục vụ cà phê miễn phí trong 10 ngày và nhanh chóng thu hút khách. Ông Vũ từng chia sẻ, điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là làm cho khách hàng thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa các loại cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn…

Từ một địa điểm ban đầu, sau gần 20 năm, tính đến giữa năm 2015, Trung Nguyên có khoảng hơn 80 cửa hàng vị trí đẹp ở các thành phố lớn. Không những thế, tập đoàn còn nhanh chóng gia tăng sự hiện diện thương hiệu thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh. Năm 2011, Trung Nguyên có thêm bước ngoặt mới khi mở rộng hoạt động này ra thị trường quốc tế với quốc gia đầu tiên là Nhật Bản.

Theo báo cáo của Nikkei, đến đầu năm 2015, Trung Nguyên có tới 2.500 điểm bán - số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng - cà phê Đông Nam Á. Trung Nguyên cho phép các điểm bán này treo biển miễn phí và từng được đánh giá là một trong những thương hiệu cà phê được nhận diện tốt nhất tại Việt Nam.

Một trong những bước ngoặt lớn của Trung Nguyên là khi tập đoàn này tham gia vào thị trường cà phê hòa tan từ cuối năm 2003 với thương hiệu G7 và nhanh chóng trở thành một trong 3 thương hiệu dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan Việt. Theo thống kê của Nielsen, năm 2014, cùng với những tên tuổi lớn như VinaCafe, Nestle, cà phê hòa tan của Trung Nguyên nằm trong top 3 thương hiệu có thị phần lớn nhất với tỷ lệ 16%.

Một báo cáo nghiên cứu thị trường vào năm 2012, có hơn 17 triệu người uống cà phê Việt Nam đã mua cà phê Trung Nguyên. Không chỉ trong nước, các sản phẩm của tập đoàn cũng có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới ở mọi phân khúc từ cao cấp như cà phê chồn, cho tới các sản phẩm rang xay, hạt nguyên chất, hòa tan, cà phê tươi…

Gần đây, vụ ly hôn dẫn tới việc tranh chấp tài sản hàng nghìn tỷ đồng giữa "Vua cà phê Việt" và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo thu hút nhiều sự chú ý. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị đang sở hữu thương hiệu cà phê hòa tan G7 và trao lại cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ.

Vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ luôn im lặng trước những thông tin liên quan đến vợ?

Cà phê Trung Nguyên lần đầu tiên lên tiếng về việc “Đặng Lê Nguyên Vũ bị tước quyền điều hành”

Những vụ ly hôn bạc tỷ ồn ào trong giới doanh nhân Việt

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/nhung-vap-nga-cua-ong-chu-trung-nguyen-1799034.html