Những vấn đề nổi bật trong Thông điệp Liên bang của ông Putin

Các vấn đề kinh tế, xã hội và chính sách đối nội đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin chú trọng và dành nhiều thời gian đề cập trong bản Thông điệp Liên bang dài 69 phút lần này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: BBC)

Các vấn đề kinh tế, xã hội và chính sách đối nội đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin chú trọng và dành nhiều thời gian đề cập trong bản Thông điệp Liên bang dài 69 phút lần này.

Tổng thống Putin đặc biệt ghi nhận các thành tích mà các ngành kinh tế trong nước đạt được trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài như biện pháp trừng phạt của phương Tây, giá dầu giảm. Dù kinh tế suy giảm năm 2016 vào khoảng 0,3% song Nga vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô. Lạm phát năm 2016 sẽ dưới 6%, ở mức 5,8%, thấp hơn cả mức thấp nhất 6,1% vào năm 2011.

Thành tựu của nông nghiệp Nga được đặc biệt ghi nhận, theo đó, đóng góp từ xuất khẩu nông nghiệp Nga năm 2016 đạt 16,9 tỷ USD, vượt cả thu nhập từ bán vũ khí và thực chất đã "nuôi sống" cả nước trong năm qua. Trong khi đó, một số ngành kinh tế khác cũng được ghi nhận ngừng đà suy giảm.

Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng cũng tăng đáng kể năng suất lao động. Tổng thống cho biết tỷ lệ sản phẩm dân sự trong công nghiệp quốc phòng tăng từ 16% lên 50% năm 2030. Dự trữ vàng ngoại tệ của Ngân hàng trung ương cũng tăng.

Trước hai viện quốc hội, Tổng thống Putin chỉ thị từ nay đến tháng 5/2017 phải xây dựng được kế hoạch hành động đến năm 2025 để Nga có thể tăng cường được vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Về chống khủng bố, Tổng thống Nga khẳng định sẽ tiếp tục chống chủ nghĩa khủng bố cả bên trong đất nước. Về quan hệ quốc tế, Nga khẳng định sẵn sàng sàng đối thoại thiết lập hệ thống quan hệ quốc tế bền vững.

Tổng thống Nga hy vọng sẽ đạt bước tiến chất lượng trong quan hệ với Nhật Bản, hoan nghênh việc lãnh đạo nước này mong muốn phá triển quan hệ kinh tế với Nga.

Moskva cũng sẵn sàng phát triển quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, bao gồm bình thường hóa và bắt đầu xây dựng quan hệ song phương trên nền tảng bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.

Theo Tổng thống Putin, Nga và Mỹ có chung trách nhiệm về đảm bảo an ninh và ổn định quốc tế, củng cố hiệp ước không phổ biến vũ khí, do đó hợp tác hai bên sẽ đáp ứng được lợi ích của toàn thế giới. Lãnh đạo Nga cụ thể hóa quan điểm của mình trong hợp tác với Mỹ, hy vọng Mỹ sẽ đấu tranh chống lại đe dọa thực tế là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chứ không phải những nguy cơ "tưởng tượng."

Về đường lối hướng Đông và quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Putin khẳng định Nga xuất phát từ lợi ích dân tộc dài hạn và sự phát triển toàn cầu chứ không phải từ động cơ về bối cảnh và coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Quan hệ đối tác toàn diện Nga-Trung Quốc là một trong những nhân tố đảm bảo ổn định toàn cầu và khu vực.

Theo ông Putin, đây là "hình mẫu của trật tự thế giới" được xây dựng không theo nguyên tắc một bên thống trị mà hài hòa quyền lợi của tất cả các quốc gia.

Quan hệ với Ấn Độ được lãnh đạo Nga đánh giá là quan hệ đặc biệt ưu tiên. Các vấn đề trong nước và quốc tế mà Nga vấp phải gần đây cũng được ông Putin nhắc đến như tự do ngôn luận, chống tham nhũng, chương trình chống doping trong thể thao, phát triển y tế và giáo dục.

Tổng thống Nga đã kết thúc bản Thông điệp Liên bang 2016 bằng lời kêu gọi toàn thể nhân dân Nga cùng thống nhất nỗ lực: "Tương lai đất nước phụ thuộc vào tất cả mọi người dân. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ của hôm nay và ngày mai"./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-van-de-noi-bat-trong-thong-diep-lien-bang-cua-ong-putin/418810.vnp