Những vấn đề nhức nhối nơi học đường được thể hiện qua phim ảnh như thế nào?

Không ít những vấn đề nhạy cảm nơi học đường được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng.

Phim ảnh phản ánh cuộc sống, những thước phim được đưa lên màn ảnh hầu hết đều có chất liệu từ chính sự vật, sự việc, con người quanh ta. Có không ít phim lựa chọn các chủ đề nhức nhối, nhạy cảm để tái hiện trước mắt người xem những mãnh đời, những câu chuyện gần gũi, chân thật để sau khi thưởng thức xong khán giả phải suy tư, rồi từ đó rút ra được những bài học cho riêng mình. Dưới đây là những bộ phim như thế, những bộ phim phản ánh các vấn đề nhức nhối, nhạy cảm nơi học đường.

Phương pháp giáo dục chưa đúng đắn

Mỗi khi chủ đề giáo dục được nhắc đến, tuyệt phẩm 3 Idiots (2009) của Ấn Độ sẽ xuất hiện ngay trong tâm trí người hâm mộ. 3 Idiots xoay quanh nhân vật chính Rancho cùng tình bạn của anh với Farhan và Raju. Rancho là một chàng trai thông minh, lạc quan, hòa đồng và luôn sống cùng những đam mê cùng lý tưởng to lớn. Trong khi đó, Rancho và Farhan lúc nào cũng chật vật với con đường mà mình đã chọn, hay nói đúng hơn là con đường mà gia đình họ đã chọn.

Chính Rancho là người đã thay đổi số phận những người mà anh yêu quý theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn. Đồng thời, Rancho cũng là người tiên phong trong việc chống lại những phương pháp, ý niệm học tập máy móc, lạc hậu mà ngôi trường anh đang học theo đuổi.

Poster "3 Idiots"

Với 3 Idiots, không có bất kỳ một khía cạnh nào của cuộc sống mà tác phẩm không đề cập đến. 3 Idiots đề cập đến tuổi trẻ, đam mê, tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, chuyện học hành hay rộng hơn là cả nền giáo dục Ấn Độ. Một nền giáo dục nặng về lý thuyết và thượng tôn điểm số, bằng cấp mà đại diện cho nền giáo dục ấy là thầy hiệu trưởng Viru Sahastrabudhhe - một người hiếu thắng, ngoan cố, mỗi năm đều phát biểu bài thuyết giảng y hệt nhau.

Nỗi ám ảnh của các sinh viên - thầy hiệu trưởng khó tính Viru Sahastrabudhhe

Hệ thống giáo dục chuộng sách vở, nơi sinh viên như những con rô-bốt chỉ biết nghe lời thầy cô mà người đi ngược dòng nước lớn sẽ bị đuổi ra khỏi lớp như trường hợp của nhân vật chính Rancho. Còn những người không chịu được áp lực quá lớn chỉ biết tìm đến cách giải thoát tiêu cực như treo cổ, nhảy lầu cũng giống anh chàng sinh viên Joy hay Raju và cả người con trai của hiệu trưởng Viru.

Bạo lực học đường

Khi đề cập đến bạo lực học đường, người nghe có lẽ sẽ tưởng tượng ngay đến những trận ẩu đả, đánh đấm của lũ học sinh. Đấy là bạo lực học đường, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Ở một nghĩa rộng hơn, bạo lực học đường có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hay thậm chí là ngôn ngữ diễn ra nơi trường học. Có nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề này như Mean Girls (2004), Crows Zero (2007), Carrie (2013)…

Crows Zero (2007) là một bộ phim điện ảnh Nhật Bản dựa trên bộ truyện tranh Crows của tác giả Takahashi Hiroshi. Bộ phim xoay quanh các nam sinh trường trung học Suzuran – ngôi trường nổi tiếng về bạo lực và những trận chiến khốc liệt tranh giành ngôi vị cai trị cao nhất ở Suzuran của các băng đảng học sinh. Ở Crows Zero, bộ phim về học đường nhưng khán giả không một lần được chứng kiến các học sinh lật mở những quyển sách hay thậm chí ngồi học trong trường lớp. Hầu hết mọi điều diễn ra trong phim đều là những cuộc hội họp băng đảng và những trận chiến ác liệt, đẫm máu, chết chóc giữa các nam sinh.

"Crows Zero" không hề thiếu những trận chiến khốc liệt giữa các băng đảng học sinh

Carrie (2013) dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Stephen King, xoay quanh cô bé Carrie White sinh ra và lớn lên trong vòng tay của người mẹ cuồng đạo. Đến tuổi dậy thì, Carrie phát hiện cô có năng lực siêu nhiên với sức tàn phá khủng khiếp. Trong đêm vũ hội định mệnh, do bị những cô bạn cùng trường dồn ép đến đỉnh điểm, Carrie đã dùng siêu năng lực của bản thân để trả thù những người ức hiếp cô.

Chúng ta có thể chê bai Carrie (2013) không giữ được tinh thần của cuốn sách gốc hay thậm chí không thể sánh ngang phiên bản cùng tên năm 1976, nhưng tác phẩm đã xuất sắc trong việc tái hiện chủ đề bạo lực học đường một cách chân thực.

Thực trạng xấu hiện nay ở học đường đều được Carrie đưa lên màn ảnh rộng. Một trong số đó là hành động đáng lên án của nhân vật Chris Hargensen, cô đã quay clip nhạy cảm của Carrie, truyền tay cho mọi người xem và tung nó lên mạng. Tồi tệ hơn, Chris và đồng bọn còn lên kế hoạch đổ cả xô máu lên người Carrie tội nghiệp, cũng chính từ khoảnh khắc này mà bi kịch liên tiếp xảy đến.

Lạm dụng tình dục học sinh

Lạm dụng tình dục luôn là một chủ đề nhạy cảm, nhức nhối. Lạm dụng tình dục gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, gia đình người bị xâm hại và đặc biệt là bản thân nạn nhân, tệ nạn này không chỉ khiến nạn nhân chịu tổn thương về thể xác mà còn về mặt tinh thần. Năm 2009, bộ phim Precious lấy lạm dụng tình dục làm chủ đề chính đã gây được tiếng vang lớn, điểm đáng lưu ý ở tác phẩm là người xâm hại lại chính là cha đẻ của nạn nhân.

Poster "Precious"

Precious xoay quanh cô bé 16 tuổi Precious Jones, cô gái da đen ở tầng đáy của xã hội, sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống không ai mong muốn. Precious luôn phải chịu đựng những điều khắc nghiệt khó tưởng tượng được. Cả cuộc đời là đêm đen tịt mịt, Precious phải nỗ lực đi tìm ánh sáng của đời cô.

Bộ phim đã thành công trong việc tái hiện cuộc sống khó khăn của cô bé Precious. Trường lớp nơi cô học là một mớ hỗn loạn, đạt trình độ lớp 9 nhưng cô thậm chí không thể viết hay đọc. Không những thế, Precious còn sở hữu vẻ ngoài không bắt mắt, cô bị mẹ đẻ ngược đãi, bố đẻ hiếp dâm và mới 16 tuổi đã có con. Một tương lai mù mịt, không mấy hứa hẹn đang chờ đợi Precious tội nghiệp vượt qua ở phía trước.

Gian lận trong thi cử

Không còn nghi ngờ gì nữa, gian lận chính là chủ đề nóng muôn thuở được đem ra bàn tán nơi học đường. Bất kỳ ai đã từng là học sinh, sinh viên trong chúng ta cũng đều gian lận bằng cách này hoặc cách khác. Đừng nghĩ đem tài liệu để xoay sở hay ngó nghiêng bài của bạn trong giờ kiểm tra mới là gian lận. Mượn bài tập của bạn bè rồi chép lấy chép để đem nộp cho thầy cô, chạy qua lớp khác vừa kiểm tra xong xin đáp án trước cũng được xếp vào gian lận trong trường học đấy.

Fight Back to Shool (1991), một trong những bộ phim gắn liền với tên tuổi của "Vua hài" Châu Tinh Trì, xoay quanh câu chuyện về anh chàng cảnh sát Châu Tinh Tinh phải quay lại trường trung học để thực hiện nhiệm vụ của cấp trên hứa hẹn sẽ khiến khán giả cười điên dại nhớ lại những ngày xưa cũ nổi loạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hết vung tiền để mua bài tập đến dùng điện thoại di động nhờ cứu trợ và lật sách quay cóp, rất tiếc mọi mánh khóe của anh chàng láu cá chỉ mang đến cho anh một buổi họp "ấm cúng" giữa thầy, trò và phụ huynh.

Hình ảnh từ "Fight Back to School" của "Vua hài" Châu Tinh Trì

That’s Cunning! Shijo saidai no sakusen (1996) của Nhật Bản là một bộ phim về học đường nói chung, hay những mánh khóe gian lận trong thi cử nói riêng sẽ khiến bạn cười nghiêng ngả với vô số những chiêu trò quay cóp khó đỡ. Từ những chiêu vặt vãnh như viết tài liệu vào cục tẩy, xấp giấy nhỏ, quần áo, hộp bút, vỏ bút chì, móng tay hay thậm chí là tóc cho đến những màn quay cóp bằng tai nghe, màn hình, súng bắn laser...

Những chiêu trò quay cóp khó đỡ trong That’s Cunning! Shijo saidai no sakusen (1996)

Giáo sư Migita trong phim cho rằng gian lận trong thi cử sẽ khiến kỳ thi bị vấy bẩn và nền giáo dục bị tiêu diệt, thế giới bị xuyên tạc, bầu trời bị phủ bóng đen, đất đai cằn cỗi, xã hội trở nên hỗn loạn và loài người bị diệt vong. Những tác hại do vị giáo sư khó tính này nêu ra nghe thật khủng khiếp y như viễn cảnh trái đất sớm muộn cũng tận thế do gian lận trong thi cử, nhưng nếu giảm nhẹ xuống một chút thì gian lận trong thi cử đúng là sẽ khiến cho kỳ thi và nền giáo dục không còn công bằng nữa, những người không cố gắng học tập lại đạt được điểm số quá cao so với công sức họ bỏ ra.

Poster "That's Cunning! Shijo saidai no sakusen"

Buôn bán, sử dụng chất kích thích trong trường học

Nếu có phim nào xoay quanh chủ đề buôn bán, sử dụng chất kích thích trong trường học gây ấn tượng cho giới trẻ yêu phim, đó chắc hẳn là loạt phim 21 Jump Street (2012), 22 Jump Street (2015) có sự tham gia của bộ đôi Jonah Hill và Channing Tatum. 21 Jump Street và 22 Jump Street không chỉ khiến cho người xem cười bể bụng với những tình huống hài hước khó đỡ mà còn phản ánh thực trạng buôn bán, sử dụng chất kích thích nguy hiểm trong trường học.

Poster "21 Jump Street" và "22 Jump Street"

21 Jump Street xoay quanh đôi bạn cảnh sát Schmidt và Jenko. Sau một vụ bê bối vì tay nghề còn quá non, cả hai bị chỉ định tham gia đơn vị đặc biệt có tên 21 Jump Street – nhóm cảnh sát chìm luôn trà trộn vào trường trung học để điều tra những vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên. Schmidt và Jenko lúc này buộc phải vác ba lô trở lại trường trung học để tìm ra đường dây học sinh buôn bán thuốc kích thích. 22 Jump Street được nâng tầm hơn, đôi đũa lệch phải hoạt động ở trường đại học.

Đám học sinh mới lớn nghịch ngợm, phá phách, gian lận trong thi cử là điều có thể chấp nhận được, nhưng buôn bán và sử dụng chất kích thích lại là một vấn đề khác và đáng lên án. Điểm đáng sợ được 21 Jump Street đưa lên màn ảnh là những người buôn bán chất kích thích không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn có cả giáo viên, một viễn cảnh khó có thể tưởng tượng được. Ngoài ra, 21 Jump Street và 22 Jump Street còn chỉ ra những tác hại do chất kích thích mang lại, nguy hiểm hơn cả là tính mạng con người luôn bị đe dọa.

Phương pháp giáo dục chưa đúng đắn, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục học sinh, gian lận trong thi cử hay buồn bán, sử dụng chất kích thích trong trường học đều là những vấn đề tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xã hội và cần được khắc phục, loại bỏ càng sớm càng tốt. Để làm được điều này, cần sự hợp tác và cố gắng của toàn xã hội chứ không phải riêng lẻ thành phần nào. Tuy nhiên trước mắt, mỗi người trong chúng ta cần phải tinh ý phát hiện, tránh xa và cố gắng loại bỏ những trường hợp tiêu cực này bằng mọi phương pháp hợp pháp, hợp lý.

Theo Lý Cơ Hân / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/nhung-van-de-nhuc-nhoi-noi-hoc-duong-duoc-the-hien-qua-phim-anh-nhu-the-nao-2016053123092588.chn