Những vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực ở Kon Tum

Quyết định 446 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006 - 2010, có tính đến năm 2015, mở ra nhiều triển vọng để Kon Tum có nguồn nhân lực dồi dào. Sau hơn bốn năm thực hiện, đề án mang lại nhiều kết quả đáng mừng, song cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Khi xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, Kon Tum gặp nhiều khó khăn về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề về nguồn nhân lực nổi lên như một thách thức đối với sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Năm 2005, số lao động trên địa bàn tỉnh chưa qua đào tạo chiếm 79,26%. Đầu năm 2006, cơ cấu trình độ nhân lực vẫn ở tình trạng thầy nhiều, thợ ít, lao động chủ yếu làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 76,6% tổng số lao động toàn tỉnh. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006 - 2010, có tính đến năm 2015. Để thực hiện đề án, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã tổ chức nhiều lớp học tập, quán triệt đến hàng nghìn cán bộ, công chức và nhân dân. Qua học tập, các cấp, các ngành và nhân dân đều thấy rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của sự phát triển nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xác định con người là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển; muốn sự nghiệp CNH, HĐH thành công, cần phải có một nguồn nhân lực đủ mạnh và cơ cấu hợp lý. Các huyện ủy, thành ủy đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở để triển khai thực hiện. Sau hơn bốn năm triển khai, đề án đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp so với tổng số lao động toàn tỉnh giảm xuống còn 69,5% (năm 2010); lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 8,2% lên 10,3%. Trong 373 trường học trên toàn tỉnh, đã có 80 trường đạt chuẩn quốc gia; 98,75% số giáo viên đạt chuẩn chuyên môn. Trong 15.548 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện, hiện có sáu tiến sĩ, 244 thạc sĩ, 8.735 người có trình độ đại học, cao đẳng, 5.285 người có trình độ trung cấp; về lý luận chính trị có 437 người có trình độ cao cấp, cử nhân và 538 người có trình độ trung cấp. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, thôn không ngừng được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo phát triển nhân lực được tăng cường... Những con số trên cho thấy, qua hơn bốn năm thực hiện đề án, ở từng lĩnh vực đều có tiến bộ về phát triển nguồn nhân lực. Nhưng thực tế vẫn còn nghịch lý về nhân lực là: Cộng cả con số 2.000 lao động được 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hằng năm tự bỏ kinh phí ra đào tạo nghề, thì đến hết năm 2010, kết quả lao động qua đào tạo chung trên toàn tỉnh mới đạt 33%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 20,5%. Chuyển biến về nhân lực theo hướng 'giảm thầy, tăng thợ' được xác định trong đề án vẫn còn chậm, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn ở mức cao (67%); chất lượng lao động ở tỉnh còn thấp, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân lành nghề mỏng, khả năng thu hút chất xám về làm việc rất hạn chế. Điểm qua vài con số như trên, có thể nói, chỉ tiêu cơ cấu nhân lực mà đề án đặt ra đối với Kon Tum ở mức vừa phải. Vẫn biết muốn có nguồn nhân lực tốt, phải bắt đầu từ quy hoạch, gắn với đào tạo, bố trí sử dụng. Nhưng trong khi có người đang vất vả tìm việc, thì cũng có đơn vị, cơ quan thiếu người làm việc đúng ngành. Có nhiều lý do, trong đó có lý do vì yêu cầu về kỹ thuật, nên một số doanh nghiệp chỉ nhận lao động đã qua đào tạo đúng nghề. Có trường hợp cán bộ, công chức khi được tuyển dụng xem như đã yên vị, xuất hiện tư tưởng làm việc với thái độ 'cầm chừng', không cần phấn đấu vì 'đến hạn cũng được nâng lương'. Cũng có những cán bộ, công chức khi được tuyển dụng vào các cơ quan hành chính thì không yên tâm công tác, một số coi đó chỉ là tạm thời để rồi tìm việc làm khác hoặc chuyển đến địa phương khác. Từ thực tế trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, những kỹ sư chuyên ngành về làm việc, cần kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức, viên chức chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe; cần có sự điều phối hợp lý trong sử dụng nguồn nhân lực đã có. Có thể nghiên cứu mô hình thí điểm kiểm tra công chức định kỳ, thay vì chỉ thi công chức một lần, để tránh tình trạng thi đỗ công chức rồi thì sinh ra sức ỳ yên vị, và cũng để khắc phục tình trạng có nguồn cán bộ tốt nhưng không còn quỹ biên chế. Bên cạnh đó, muốn việc quy hoạch, bố trí sử dụng, luân chuyển và thu hút nguồn nhân lực được thực hiện đồng bộ cần có đơn vị đảm nhiệm vai trò là cơ quan thường trực của nhiệm vụ này. TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/nh-ng-v-n-t-ra-trong-phat-tri-n-ngu-n-nhan-l-c-kon-tum-1.303071