Những triệu chứng bệnh ở trẻ tuyệt đối không được chủ quan

Thời tiết đã vào mùa lạnh và nếu thấy có những triệu chứng bệnh trẻ em mùa lạnh sau đây thì cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Trẻ khó thở hoặc có vấn đề ở đường hô hấp có thể là do bệnh trẻ em mùa lạnh như dị ứng hoặc hen suyễn. Nhưng nếu bạn nghe thấy có âm thanh gì đó giống như tiếng huýt sáo hoặc thấy xương sườn và dạ dày của trẻ đang co vào trong khiến trẻ thở khó thì cần đưa trẻ đi bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu trẻ bị viêm thanh quản hoặc viêm tiểu phế quản mặc dù triệu chứng rất giống như cảm lạnh.

Trẻ có thể bỗng nhiên bị đau bụng rồi hết nhưng nếu trẻ bị đau ở phần bụng dưới bên phải thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa và cần điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể xuất phát từ gần rốn rồi mới lan sang bên phải. Những triệu chứng của đau ruột thừa khác là bỗng nhiên bị chuột rút, mất cảm giác thèm ăn, ốm, tiêu chảy.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ngã thì cần có bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Trẻ trên 6 tháng tuổi nếu ngã từ độ cao thấp hơn chiều cao của trẻ và không va đập vào vật gì sắc nhọn thì thường không sao. Nhưng nếu trẻ nôn mửa, không tỉnh táo hoặc lẫn lộn sau khi ngã thì cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

Ho và lạnh ở trẻ em thường kèm theo sốt, tức thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C. Trẻ cũng có thể bị sốt khi bị cúm hoặc viêm tai. Cơn sốt này chỉ cần cho uống paracetamol hoặc ibuprofen và uống nhiều nước là đỡ. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt cao từ 38 độ C trở lên cũng như trẻ từ 3-6 tháng tuổi sốt từ 39 độ C trở lên, nhất là khi có kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, chóng mặt, bỏ ăn…

Cơn sốt thường hạ sau vài ngày nhưng khi đã cho uống thuốc hạ sốt mà các dấu hiệu của trẻ không thay đổi thì có thể trẻ đã bị nhiễm khuẩn, cần uống kháng sinh chứ không phải sốt do virus và có thể tự khỏi.

Trẻ 2-3 tuổi bỗng nhiên đi tiểu ít thì có thể là do trẻ bị thiếu nước. Dấu hiệu khác của thiếu nước là da khô, ấn vào không đàn hồi và thóp bẹt. Trẻ thường bị mất nước sau khi bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Lúc này cần thường xuyên cho trẻ uống nước ít một và nếu tốt hơn thì đưa trẻ đi khám.

Cần thường xuyên để ý đến các nốt ruồi của trẻ vì ung thư da ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng không phải là không có. Những nốt ruồi có hình dạng bất thường, to dần lên và không đều màu cần có bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân.

Trẻ em thường rất dễ va phải vật này vật kia rồi bị ngã. Nếu không may bị chảy máu, cần dùng tay ấn chặt vào đó để cầm máu. Nhưng nếu quá 10 phút mà trẻ vẫn không cầm máu thì có thể trẻ cần khâu vết thương.

Nếu trẻ bị sốt đồng thời với đau đầu, cứng cổ thì đây có thể là dấu hiệu trẻ bị viêm màng não. Những dấu hiệu cần để ý khác là trẻ không phản ứng, mắt đờ đẫn, khó chịu khi bị ánh sáng chiếu vào. Trẻ cũng có thể nổi ban trên da. Lúc này nếu dùng một chiếc cốc lăn trên da và những nốt này không mờ đi thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu mặt và lưỡi của trẻ bỗng nhiên bị sưng lên, ngứa ngoài da, khó thở thì có thể trẻ đang bị quá mẫn cảm với thứ gì đó. Đây là một phản ứng mạnh khi bị dị ứng do côn trùng đốt hoặc do đồ ăn thức uống. Nếu vậy cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Trang Anh (Theo The Sun)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nhung-trieu-chung-benh-o-tre-tuyet-doi-khong-duoc-chu-quan-775680.html