Những tiệm sách đặc biệt nhất thế giới

Tiệm sách không chỉ là nơi bạn mua một cuốn sách về nhà đọc. Tới đây, người ta còn được truyền cảm hứng, tình yêu với sách và tri thức.

Polare (Maastricht, Hà Lan). Nếu bước vào tiệm sách Polare, có thể bạn sẽ nghĩ rằng đây cũng là một công trình gắn với lịch sử Maastricht. Nhưng thực ra nó chỉ mới được xây dựng từ năm 2006. Người ta gọi Polare là một “ngôi đền của sách” bởi bước vào đây giống như bạn bước vào một thánh đường của sách. Ở đây, việc đọc và những cuốn sách đã trở thành một thứ tôn giáo linh thiêng.

El Ateneo (Buenos Aires, Argentina). Ban đầu, đây là một nhà hát có tênTeatro Grand Splendid được xây dựng năm 1919. Năm 1929, nó chuyển đổi mục đích sử dụng thành rạp phim và diễn kịch. Và rồi trở thành tiệm sách El Ateneo. El Ateneo vừa mang không khí của một rạp hát cổ kính vừa mang đậm dấu ấn văn hóa Argentina.

Libreria Acqua Alta (Venice, Italy). Người dân Venice gọi đây là “tiệm sách tránh lũ” dù tên của nó thực ra là “tiệm sách nước lớn”.Libreria Acqua Alta nằm bên bờ một con kênh của Venice. Chính vì thế, mỗi mùa nước lên là chủ tiệm sách lại phải sắp xếp toàn bộ số sách để lên những kệ cao hơn tránh ướt, hỏng. Nhưng đây lại trở thành “đặc sản” của tiệm sách này. Dù những ngày thành phố Venice ngập tới nửa mét thì người ta vẫn tìm đến đây để đọc và mua sách.

Librairie Avant-Garde (Nam Kinh, Trung Quốc). Đúng như tên gọi của nó, tiệm sách này được thiết kế với tinh thần kiến trúc cách tân điển hình. Ở đây các lối đi được đánh dấu bởi vạch sơn đôi màu vàng và sách được sắp đặt ở hai bên. Không gian của tiệm sách này khá rộng, lên tới 4.000 m2. Đây vốn là một bãi xe và hầm trú bom cũ của thành phố Nam Kinh.

Livraria Lello (Porto, Bồ Đào Nha). Đây chính xác là nơi mà bạn có thể cảm nhận được thế nào là một thư viện cách đây 1-2 thế kỷ bởi bản chất nó vốn là thư viện Chardron của thành phố Porto. Toàn bộ công trình mang nét cổ kính, đem tới cho những ai đặt chân tới đây sự trân quý với sách và kho tàng tri thức của nhân loại.

Bart’s Books (California, Mỹ). Năm 1964, Richard Bartinsdale bày vài kệ sách trên đường phố California để bán những cuốn sách cũ. Sách được bán theo cách rất đơn giản, người đi đường quan tâm có thể dừng chân chọn sách và nếu mua thì để lại tiền trong chiếc lon cũ. Từ vài kệ sách, giờ đây Bart’s Books đã trở thành tiệm sách ngoài trời lớn nhất thế giới và đang có tới gần 1 triệu đầu sách. Mặc dù vậy, cách mà những cuốn sách được bán vẫn như xưa, hoàn toàn tự nguyện.

Shakespeare & Company (Paris, Pháp). Người ta nói rằng nếu bạn là một người mê sách và có dịp tới Paris nhưng chưa ghé qua Shakespeare & Company, tức là bạn chưa tới Paris. Tiệm sách nằm ở tả ngạn Paris này là địa chỉ quen thuộc của những nhà văn nổi tiếng như Hemingway hay James Joyce. Tiệm sách này được mở năm 1951 bởi người đàn ông Mỹ George Whitman. Năm 2011, ông George qua đời và con gái ông là Sylvia tiếp tục công việc của cha. Cho tới nay, Shakespeare & Company được coi là một địa chỉ văn hóa của kinh đô hoa lệ nước Pháp.

Corso Como (Milan, Italy).

Không khó nhận ra dấu ấn của chủ nhân tiệm sách này, Carla Sozzani, cựu tổng biên tập tạp chí Vogue tại Ý, trong tiệm sách Corso Como. Tiệm sách là sự kết hợp giữa không khí thời trang và sáng tạo cùng những cuốn sách tập trung vào chủ đề nghệ thuật, kiến trúc và thời trang.

Honesty Bookshop (Hay-on-Wye, Wales). Mặc dù chỉ là một thị trấn nhỏ ở xứ Wales, Hay-on-Wye lại được coi là một trong những điểm hẹn về sách và văn hóa đọc trên thế giới với rất nhiều lễ hội văn chương được tổ chức từ năm 1988 tại đây. Đặc biệt ở đây có hơn 30 hiệu sách chạy dọc theo những con đường nông thôn tuyệt đẹp.

Lê Na

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-tiem-sach-dac-biet-nhat-the-gioi-post700115.html